Nâng chất để giảm tải áp lực cho cơ sở

22/10/2023 - 05:50

PNO - Ở những địa phương đông dân như TPHCM, khối lượng công việc mà mỗi cán bộ hội cơ sở phải hoàn thành rất lớn.

 

Trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hội tại cơ
Trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hội tại cơ sở

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ vào năm 2021, chị Trần Thị Minh Châu - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Phong, quận 7, TPHCM - có phần sợ hãi bởi không biết sẽ làm gì và bắt đầu từ đâu. 

Tân Phong có khu đô thị Phú Mỹ Hưng chiếm 3/5 số khu phố của toàn phường, phần đông cư dân là người nước ngoài, người có thu nhập khá, học vấn cao, sống biệt lập trong các khu biệt thự, chung cư, rất khó tiếp cận. 

Chị Minh Châu nhớ lại: “Khi đó, tôi cảm thấy việc tiếp cận “khu nhà giàu” là nhiệm vụ bất khả thi”. Mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, cuối cùng, chị quyết định dựa vào ban điều hành khu phố. Nhờ đó, chị lập danh sách những phụ nữ mà hội có thể vận động, kết nạp làm hội viên. Mỗi ngày, cứ sau 19g, chị phối hợp với ban điều hành khu phố, tổ dân phố tổ chức các hoạt động văn nghệ ở từng khu dân cư rồi tìm hiểu nhu cầu của phụ nữ, từ đó xây dựng các hoạt động phù hợp.

Đến nay, Hội LHPN phường Tân Phong đã xây dựng được 1 chi hội phụ nữ chung cư, 17 tổ hội phụ nữ chung cư và 6 câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao. Gần đây, hội tiếp tục xây dựng mô hình “Vận động người nước ngoài khám chữa bệnh miễn phí và hỗ trợ công tác an sinh”.

Năng lực của cán bộ hội và chất lượng hoạt động của hội cấp cơ sở là một trong những yếu tố quyết định sự lớn mạnh của hệ thống hội các cấp cũng như xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Nhưng trên thực tế, hội phụ nữ cấp cơ sở phải chịu áp lực nhiều nhất trong 4 cấp hội (cấp xã, huyện, tỉnh, trung ương). Các nội dung, hoạt động do hội cấp trên triển khai có đến được với hội viên, phụ nữ hay không là nhờ vào năng lực, trách nhiệm của cán bộ hội cấp cơ sở. Đội ngũ này cũng là cầu nối giữa tổ chức hội với đảng bộ, chính quyền địa phương. Ở những địa phương đông dân như TPHCM, khối lượng công việc mà mỗi cán bộ hội cơ sở phải hoàn thành rất lớn, bao gồm những phần việc có tên lẫn không tên.

Nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ này yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ, thời gian qua, chính quyền TPHCM đã có chế độ thu nhập tăng thêm cho họ, Hội LHPN TPHCM cũng có những chính sách chăm lo, như ưu tiên duyệt cho vay vốn lãi suất thấp, cấp học bổng cho con em, tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng… Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng ban hành quy chế giải thưởng Nguyễn Thị Định để ghi nhận, tôn vinh, tưởng thưởng cho những đóng góp của họ đối với hoạt động hội và phong trào phụ nữ. 

Tuy nhiên, hội cấp cơ sở cần nhiều hơn thế. Khi được hỏi, phần lớn cán bộ hội cơ sở bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác. Họ mong muốn hội cấp trên cũng cải tiến, nâng chất hoạt động một cách mạnh mẽ, bớt hành chính hóa để giảm áp lực cho cấp cơ sở. Họ cũng mong muốn được ghi nhận và tạo điều kiện để được quy hoạch, luân chuyển sang các vị trí công tác khác nhau nhằm phát huy năng lực. 

Công tác cán bộ nữ nhiều năm qua đã được lãnh đạo đảng bộ, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm, qua đó phát hiện, bồi dưỡng và bố trí đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện nhiều hơn cho hội phụ nữ và cán bộ hội phụ nữ các cấp hoạt động, ngày càng lớn mạnh, tạo nguồn cán bộ cho đảng bộ, chính quyền. 

Đây cũng là yêu cầu được nêu trong đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025, theo Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đề án 1893) nhằm xây dựng nguồn, chuẩn hóa chức danh cũng như xóa bỏ lối nghĩ “công tác phụ nữ là của phụ nữ”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI