Nâng cấp “chiếc cần câu” cho người lao động

13/09/2023 - 06:17

PNO - Rất cần những chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng mềm để tăng cơ hội việc làm trong bối cảnh mới.

Năm 2021, khi người dân ở TPHCM giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, đã có hàng chục, hàng trăm ngàn người lao động đùm túm nhau trên xe máy, tìm đường về quê.

Hình ảnh người nhập cư rời thành phố trên chiếc xe cũ mang theo tất cả gia tài là chiếc lồng gà, cái quạt, cây chổi đã cho thấy phần nào cuộc sống của những người lao động xa quê. Họ sống chen chúc trong những khu trọ tồi tàn với đồng lương vừa đủ sống, thậm chí không đủ sống. Họ không có tích lũy, không thể cầm cự chỉ sau mấy tháng dịch bệnh.

Người lao động cần được hỗ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm
Người lao động cần được hỗ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm

Theo khảo sát do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố hồi tháng Tám, 75,5% người lao động có thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, thậm chí có trường hợp chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu. Cũng theo khảo sát này, chỉ 26,2% người có điều kiện ăn thịt cá hằng ngày, 10,3% rất ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện ăn thịt cá, 46,5% chỉ đủ tiền mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh.

Miếng ăn, cái mặc còn khó khăn, cho nên giấc mơ có một nơi để an cư đối với họ càng xa vời. Với mức lương trung bình 6-9 triệu đồng/tháng, dẫu có “thắt lưng buộc bụng” thế nào, công nhân cũng không có khả năng tích lũy để mua nhà ở. Đa phần họ phải ở trong phòng trọ tạm bợ, chật hẹp, khu trọ không có không gian vui chơi, giải trí. Ở TPHCM, không hiếm những phòng trọ chỉ 10m2 mà có tới cả chục người chen nhau chung sống.

Nhưng khó khăn càng đè nặng lên đời sống công nhân khi làn sóng cắt giảm lao động đang ngày càng gia tăng từ sau đại dịch. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong nửa đầu năm 2023, hơn nửa triệu người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Thời gian qua, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương có đông công nhân như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM đã tích cực kết nối doanh nghiệp với người lao động, giới thiệu việc làm, giới thiệu chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc. Nhưng, như vậy là chưa đủ. 

Những khó khăn của nền kinh tế đang ngấm ngày càng sâu vào từng doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến người lao động. Do đó, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, cho vay vốn… để góp phần vực dậy hoạt động kinh doanh, sản xuất. Tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng chính là cách hỗ trợ cho người lao động. Nếu không, làn sóng cắt giảm nhân công sẽ không dừng lại.

Đợt cắt giảm lao động vừa qua cho thấy, những người có tay nghề thấp đang rất yếu thế trong cuộc cạnh tranh tìm cơ hội việc làm. Trong tương lai, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với người lao động trong bất kỳ công việc nào.

Thị trường việc làm đã đổi thay, cơ hội của lao động phổ thông ngày càng bị thu hẹp. Cho nên, rất cần những chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng mềm để tăng cơ hội việc làm trong bối cảnh mới. Điều này cần bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề của các trường trung cấp, cao đẳng để hướng tới xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, trình độ cao.

Bên cạnh các gói hỗ trợ thiết thực cho người lao động bị giảm việc, mất việc, các cơ quan chức năng cần có giải pháp dài hơi, đồng bộ như đào tạo, nâng cao tay nghề, từng bước nâng mức lương tối thiểu vùng, triển khai hiệu quả đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, tăng cường chính sách an sinh xã hội cho người lao động. 

Được vậy, người lao động mới có “chiếc cần chắc chắn để câu cá”, tức là có nền tảng để nắm bắt cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập, tích lũy và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI