TPHCM bàn giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế “hậu COVID-19”:

Nâng sức đề kháng của doanh nghiệp nhỏ lẻ

06/05/2020 - 07:40

PNO - Ngày 5/5, tại cuộc tọa đàm đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM sau dịch COVID-19, lãnh đạo TPHCM đã dành thời gian từ sáng cho tới tối mịt để ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, nghe đại diện các doanh nghiệp nói về những vướng mắc, khó khăn.

Cần đánh giá mức độ tổn thương của doanh nghiệp nhỏ lẻ

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, trung tâm để phục hồi kinh tế chính là doanh nghiệp (DN), nên phải làm cho DN sống và phát triển. Cần tiếp tục miễn, giảm, hoãn nộp thuế, tiền đất, phí, lệ phí cũng như miễn, giảm, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu cho các DN đang có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả tiểu thương và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các biến cố như COVID-19 - Ảnh: Quốc Ngọc
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả tiểu thương và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các biến cố như COVID-19 - Ảnh: Quốc Ngọc

“Nếu hỗ trợ thanh khoản đầy đủ cho DN với gói tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, sẽ nuôi dưỡng “mầm sống” cho DN. Tuy nhiên, không chỉ nên cấp thêm tín dụng mà còn phải khoanh nợ cho các đối tượng đang bị ảnh hưởng trực tiếp. Cần tập trung tín dụng cho những DN đang hoạt động và mở rộng hoạt động, khoanh nợ cho các DN không thể hoạt động hoặc chỉ hoạt động một phần” - ông Lịch nói.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách, theo ông Lịch, nên chọn DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất và lưu thông nhưng đang bị gãy đổ như du lịch, chứ không phải tất cả DN đang hoạt động. Trong đó, cần quan tâm hộ sản xuất kinh doanh cá thể mà về bản chất cũng là DN nhỏ. Hiện chính sách của ta chưa quan tâm đúng mức đối tượng này và cũng chưa có đánh giá về sự tổn thương của đối tượng này.

“Tuy đóng góp không nhiều trong tỷ trọng thu ngân sách của thành phố, nhưng khoảng 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể là thành phần chủ yếu tạo ra việc làm, đóng góp quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm của địa phương (GRDP) và chính là sức sống của thị trường thành phố” - ông Lịch cho hay.

Tương tự, giáo sư - tiến sĩ Hồ Đức Hùng (Trường đại học Kinh tế TPHCM) đánh giá, các DN nhỏ và vừa, bao gồm các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các biến cố bất khả kháng như COVID-19. Thực tế, họ đang bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, phải tìm cách nâng cao sức đề kháng của loại hình DN chiếm đến 67% cơ cấu nền kinh tế này. Khi hỗ trợ, cần chú ý ưu tiên các DN sớm kết nối các chuỗi giá trị mới, chủ động khai thác thị trường trong nước.

Khó như tiếp cận gói vay

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - nêu thực trạng, một số đã được tiếp cận gói vay theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về các chính sách tín dụng hỗ trợ DN, nhưng nhiều DN vẫn rất khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi theo quy định; một số DN phản ánh các điều kiện vay khắt khe hơn trước, thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại phức tạp, rườm rà, đối tượng áp dụng không rõ ràng, các chính sách hỗ trợ cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng.

Doanh nghiệ p nhỏ và vừa, bao gồm cả tiểu thương và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các biến cố như COVID-19
Doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay hỗ trợ doanh nghiệp do thủ tục phức tạp

Trong tình hình dịch bệnh, việc sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm rất cần được ưu tiên hấp thụ vốn để gia tăng sản xuất. Quan trọng hơn, thời điểm này, DN cần vốn để triển khai nhanh và hiệu quả việc tái cấu trúc, mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, mã vùng… để khai thác tối đa thị trường trong nước và nhanh chóng trở lại xuất khẩu khi các đối thủ khác còn đang phải chống dịch.

Bà Chi đề nghị, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ tăng cường xây dựng chính sách giúp DN giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn do dịch, không nên xây dựng chính sách hỗ trợ khi DN đã kiệt quệ.

Bà Chi dẫn chứng, Công văn 860 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép DN được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng nếu 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh.

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các DN đều chưa áp dụng được điều này vì chỉ cần cắt giảm 20% lao động là xem như DN có nguy cơ “chết lâm sàng” rồi. Việc chứng minh thiệt hại 50% cũng vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể và việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm.

Từ thực tế đó, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài (Trường đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, Nhà nước phải tăng cường truyền thông về các gói cứu trợ nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN: “Khủng hoảng COVID-19 càng làm rõ hơn các hạn chế của các ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp của TPHCM. Chúng ta cần có các gói hỗ trợ tái cấu trúc dài hạn chứ không chỉ các gói giải pháp ngắn hạn. Cần tiếp cận phát triển mới cho các ngành công nghiệp trên cơ sở đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ thông tin, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, kết nối bền vững chuỗi cung ứng theo hướng đa thị trường, tiếp thu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng thế giới”.

Đầu tư công là “át chủ bài” 

Bên cạnh triển khai hiệu quả các gói giải pháp hỗ trợ được xem là ngắn hạn, theo ông Trần Du Lịch, cần bổ sung các biện pháp bền vững hơn để hỗ trợ DN, trong đó đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh ảm đạm. 

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang về đích
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang về đích, dự kiến vận hành vào cuối năm 2021

Theo ông, sự tắc nghẽn trong giải ngân đầu tư công là do sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định và từ tính chất “lồng ghép ngân sách Nhà nước” nên đang là điểm nghẽn rất điển hình về thể chế. Trong khi chờ đợi sửa đổi các luật có liên quan, trong điều kiện hiện nay, muốn đẩy nhanh đầu tư công, sử dụng nguồn vốn Nhà nước để kích thích tăng trưởng, UBND TPHCM cần kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án đầu tư, thủ tục giải ngân theo quan điểm “hợp tình, có thể chưa hợp lý nhưng phải minh bạch”.

Đầu tư công đang là “con át chủ bài” để kích thích tăng trưởng. Trong bối cảnh thể chế đầu tư công hiện nay, rất khó vượt qua những điểm nghẽn về thủ tục triển khai dự án và giải ngân nếu không có giải pháp đặc biệt mang tính tình thế, có thể gọi là “xé rào” để đi tới.

“Cần đánh giá nguồn vốn đầu tư công được phân bổ cho TPHCM trong năm 2020, tức gói hơn 700.000 tỷ đồng, và khả năng huy động thêm của thành phố. Đầu tư công là nhân tố tăng tổng cầu, kích thích tổng cung có hiệu quả nhất trong điều kiện hiện nay. Do đó, TPHCM cần ưu tiên tháo gỡ mọi điểm nghẽn để đẩy nhanh đầu tư công. Ta cần kiến nghị Chính phủ cho bảo lãnh đối với các khoản vay thực hiện dự án PPP mà vẫn đảm bảo sự an toàn về nợ công và ổn định nền tài chính quốc gia” - ông Lịch phân tích.

COVID-19 tạo ra cột mốc mới

Đưa cái nhìn táo bạo, ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội DN Q.1 - cho rằng, hầu hết các chính sách của chúng ta đều ra đời trước khi có đại dịch, nên có thể không còn phù hợp. Virus SARS-CoV-2 rõ ràng đã tạo ra cột mốc phân định hai thời kỳ “tiền và hậu” COVID-19. Chúng ta cần các tư duy, chính sách hoàn toàn mới. “Khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” quá hay. Chúng ta đã thật sự hành động như trong một cuộc chiến. Mọi người dân đều hiểu và góp sức chung để kết quả chung khá tốt. Do đó, cần tiếp cận theo hướng xem xét các chính sách phục hồi kinh tế của chúng ta như trong giai đoạn hậu chiến vậy” - ông Trí nói.

Tư duy “hậu chiến” phải đột phá. Thay vì xin - cho, nên khuyến khích tất cả ngành nghề “hễ ai làm được, làm tốt thì cứ cho làm”. Ông Trí dẫn chứng: “Không phải DN nào mình cho cũng dám làm đâu. Ví dụ, hệ thống của tôi có 30 nhà hàng, khách sạn được khuyến khích mở cửa lại, nhưng họ từ chối vì mở lại mà không có hoặc ít khách thì càng căng hơn”.

Ông cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, kích cầu kinh tế thiết thực, quyết liệt tương đương với “chống dịch”. Theo ông, đây cũng là lúc TPHCM nên kiến nghị trung ương một số vấn đề mà trước nay chưa đồng ý, như tăng ngân sách để lại cho thành phố, nhưng theo cách tiếp cận khác: không bàn 18% hay 24% nữa mà chọn con số tuyệt đối để lại, nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng, phát triển của mình.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, với đặc điểm về quy mô, vị trí, cơ cấu kinh tế, độ nhạy trước những tác động tích cực hoặc tiêu cực do yếu tố bên ngoài, TPHCM cần chính sách thuận lợi để kinh tế có sức bật nhanh; ngược lại, nó sẽ suy giảm mạnh hơn nơi nào hết.

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - nói: “Quy mô kinh tế của TPHCM lớn mà dịch vụ chiếm hơn 60% thì chỉ cần 1% lĩnh vực này giảm xuống, đã ảnh hưởng ghê gớm. Ba tháng đầu năm 2019, khu vực này tăng trưởng 7,64%, ba tháng đầu năm nay xuống âm chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cả thành phố”.

Theo ông Phong, thu ngân sách của TPHCM đương nhiên cũng giảm rất nhiều. Theo dự toán, TPHCM phải thu hơn 1.600 tỷ đồng/ngày, nhưng trong quý I, chỉ thu đạt khoảng 60% mức đó. Tuy nhiên, TPHCM vẫn đóng góp cho cả nước 28% tổng thu ngân sách. Như vậy, tốc độ tăng trưởng giảm nhưng trong cơ cấu tổng thể, TPHCM vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Nhưng điều mà lãnh đạo TPHCM băn khoăn nằm ở phía trước, bao gồm vấn đề kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường xuất nhập khẩu khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng, làm sao để vực dậy sức mua của thị trường nội địa, giải pháp hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo ổn định kinh tế, ổn định công ăn việc làm trong điều kiện hiện nay…

“Ngay tại thời điểm này, điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị, DN và nhân dân thành phố phải đoàn kết một lòng, siết chặt tay nhau, nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép” đã đề ra là vừa giữ vững thành quả của công tác phòng chống dịch, vừa tập trung phát triển ổn định kinh tế trong trạng thái bình thường mới” - ông nói. 

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI