Nâng cao nhận thức an toàn trên không gian mạng trong nữ tu Phật Giáo

21/09/2024 - 14:49

PNO - Sáng 21/9, Hội LHPN TPHCM phối hợp Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM tổ chức chuyên đề “An toàn trên không gian mạng, sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả” cho các ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM.

Hội nghị chuyên đề nhằm giúp nữ tu hiểu rõ hơn về không gian mạng và cách sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả. Qua đó, giúp nữ tu nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, cùng các kỹ năng xử lý và biện pháp phòng tránh tội phạm trên không gian mạng.

Đại úy Lê Ngọc Khánh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TPHCM chia sẻ tại hội nghị chuyên đề.
Đại úy Lê Ngọc Khánh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TPHCM chia sẻ tại hội nghị báo cáo chuyên đề

Đại úy Lê Ngọc Khánh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TPHCM cho biết, hiện nay các đối tượng xấu sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để lợi dụng và lừa đảo trên không gian mạng. Một số thủ đoạn phổ biến bao gồm: lập hội nhóm tuyển cộng tác viên online với lời hứa "việc nhẹ lương cao", giả danh công an, kiểm sát viên, tòa án để lừa tiền, kêu gọi đầu tư vào chứng khoán, tiền ảo, đa cấp, và lừa đảo tình cảm.

Các đối tượng thường thu hút nạn nhân bằng những bài đăng có tiêu đề giật gân, nội dung hấp dẫn kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Ngoài ra, các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước từ những đối tượng xấu cũng xuất hiện thường xuyên.

Theo đại úy Lê Ngọc Khánh, nếu chúng ta vô tình đăng tải, chia sẻ hoặc đã tham gia vào các lời mời gọi xấu, độc hại, mỗi cá nhân cần nhanh chóng gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, đưa ra lời đính chính và xin lỗi. Ngoài ra, cần hợp tác với cơ quan chức năng nếu có.

Còn đối với trường hợp đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, chúng ta phải ngay lập tức dừng mọi giao dịch, chặn tất cả liên lạc từ đối tượng lừa đảo và liên hệ ngay với ngân hàng để báo cáo vụ việc, yêu cầu dừng các giao dịch liên quan. Đồng thời, thu thập và lưu giữ bằng chứng để làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an tại nơi cư trú.

Bên cạnh đó, đại úy Lê Ngọc Khánh lưu ý 3 kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng: hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, sử dụng mật khẩu an toàn và không ngừng nâng cao kiến thức về bảo mật. Những biện pháp này sẽ giúp người dùng hạn chế rủi ro bị đánh cắp thông tin hoặc lợi dụng trên không gian mạng.

Đại úy Lê Ngọc Khánh cũng khuyến cáo, để sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả trên không gian mạng, mỗi cá nhân cần tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn thông tin.

Cách ứng xử trên mạng cũng phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mỗi người phải chịu trách nhiệm với những hành động và nội dung mà mình chia sẻ trên mạng xã hội.

Các ni sinh chăm chú nghe chia sẻ từ báo cáo viên
Các ni sinh chăm chú nghe chia sẻ từ báo cáo viên

Ni sinh Thích Nữ Giác Thanh - Học viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, chia sẻ: “Buổi chuyên đề hôm nay rất hay và bổ ích. Nhờ đó, chúng tôi hiểu rõ hơn về không gian mạng và biết cách cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Qua đây, chúng tôi cũng học được cách sử dụng các trang mạng xã hội đúng cách để phục vụ cho công việc học tập, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp và ý nghĩa của Phật giáo đến với mọi người".

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI