Lợi nhuận cao, ổn định nhờ đầu tư bài bản
Dẫn chúng tôi thăm trang trại nuôi cá hơn 7ha và vùng trồng lúa xuất khẩu gần 6ha, nông dân Lê Hoàng Duyên - ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - cho hay, nghề nông đã giúp vợ chồng ông thu lãi hàng tỉ đồng/năm.
Ông kể, trước đây, vợ chồng ông cũng như nhiều bà con xung quanh, chỉ làm lúa để bán cho thương lái nên lợi nhuận không cao. Sau khi dự nhiều khóa tập huấn về khuyến nông, được khuyến khích làm nông nghiệp theo hướng bền vững, gia tăng giá trị trên đất, ông Duyên mạnh dạn từ bỏ cách làm nhỏ lẻ, tự phát. Bên cạnh việc trồng lúa để xuất khẩu, ông chuyển một số đất sang trồng cây ăn trái. Mấy năm gần đây, thấy người tiêu dùng chuộng các loài cá nước ngọt như cá rô, lóc, sặc rằn và nhất là thát lát, ông đầu tư nuôi cá. Với hơn 7ha đất, ông chia làm 17 ao nuôi, trong đó dành 10 ao nuôi cá thát lát kết hợp với cá sặc rằn, 7 ao nuôi cá lóc, cá rô, cá trê vàng.
|
Nông dân ở tỉnh Trà Vinh thu hoạch tôm - Ảnh: Huỳnh Lợi |
Ban đầu, ông nuôi theo phương pháp truyền thống, bị thất bại. Học hỏi nhiều nơi, ông áp dụng phương pháp lót bạt các ao nuôi, giúp giảm chi phí vệ sinh ao, giảm hao hụt cá, giảm nhân công, thu hoạch nhanh và dễ hơn, đảm bảo môi trường nuôi sạch sẽ, ổn định. Ông còn đầu tư hệ thống thay nước bán tự động nhằm giảm thời gian và công sức. Nhưng ông cho biết chưa dừng lại mà vẫn thường xuyên học hỏi về kỹ thuật nuôi nhằm tiếp tục giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.
Trong từng vụ nuôi, ông cũng nghe ngóng, nắm bắt và dự đoán nhu cầu thị trường để bán được giá cao lúc thu hoạch. Kinh nghiệm của ông là trong quá trình nuôi, nên liên kết với các công ty sản xuất thức ăn để họ cử kỹ sư thủy sản tới theo dõi, ngăn ngừa dịch bệnh. “Tới đây, tôi sẽ mở rộng sản xuất và đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi địa phương 1 sản phẩm)” - ông Duyên dự tính.
|
Lãnh đạo TP Cần Thơ thăm vùng trồng nhãn an toàn của Hợp tác xã Nhãn thanh Hữu Tâm ở huyện Cờ Đỏ |
Ông Lê Văn Sấm - ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - là nông dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ thành công. Ông cho biết, Bến Tre và nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi tôm lâu nay nhưng khá bấp bênh do dịch bệnh hoặc giá cả thất thường. Để khắc phục các nhược điểm trên, ông từng bước đầu tư đất đai, máy móc, trang thiết bị, hợp tác với doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu để xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản). Nhờ đó, tôm của ông luôn có giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg trở lên.
Hiện gia đình ông Sấm nuôi hơn 40ha tôm, chia thành 7 khu, ứng dụng công nghệ cao gồm nhà lưới, máy tạo ô xy, phủ bạt đáy ao, cho ăn tự động… Ông cùng với hàng chục nhân công theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng của tôm nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng. Từ đầu năm 2023 đến nay, ông thu hoạch hơn 600 tấn tôm, thu lợi nhuận khoảng 30 tỉ đồng.
Chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp
Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ - cho hay, việc thành lập HTX và vận động nông dân vào HTX là nhằm canh tác trên quy mô lớn, có đầu tư bài bản về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để ổn định đầu ra.
|
Thu hoạch lúa chất lượng cao để xuất khẩu ở TP Cần Thơ |
HTX canh tác 45ha vú sữa theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và GlobalGAP), được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn bên ngoài để xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác. Nhờ sự chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, các xã viên đã thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha.
Lãnh đạo HTX Nhãn thanh Hữu Tâm (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cũng cho hay, HTX không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng và giá trị. 12 thành viên của HTX canh tác 60ha nhãn hướng an toàn, có mã số vùng trồng và liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, năm 2023, bà con bán nhãn từ 50.000-70.000 đồng/kg, thu lời 250-300 triệu đồng trở lên/ha.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc bộ, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, nông dân… quyết tâm chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường làm tiêu chuẩn để điều chỉnh việc sản xuất cho phù hợp.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, kết quả sản xuất và xuất khẩu của ngành nông nghiệp rất đáng phấn khởi: sản lượng lúa đạt 33,6 triệu tấn, tăng 0,7%; diện tích cây ăn trái tăng gần 15.000ha, dịch bệnh được kiểm soát nên gia súc, gia cầm phát triển tốt, tổng đàn tăng, ngành thủy sản đang phục hồi và dự báo tăng tốc vào những tháng cuối năm. Với chiều hướng này, ngành nông nghiệp có thể hoàn thành chỉ tiêu của năm 2023 là tăng trưởng khoảng 3,4%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 tỉ USD.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, những kết quả trên sẽ là động lực quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục đổi mới, thay đổi tư duy về quản trị, tận dụng nền tảng của chuyển đổi số, đặc biệt là lan tỏa tư duy tích hợp đa giá trị.
Ngành nông nghiệp đang bước vào một giai đoạn mới và phải tìm động lực mới để tăng trưởng.
Ông nói: “Hướng đi của ngành nông nghiệp hiện nay và sắp tới là tập trung nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, mạnh dạn chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, đẩy mạnh phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái với việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe con người…”.
Huỳnh Lợi