Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp

01/08/2023 - 08:35

PNO - Nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non tư thục phát triển, góp phần giảm quá tải số trẻ trong trường công lập.

Tại Hội thảo tham vấn chính sách bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ em con công nhân ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ GD-ĐT và đại diện các địa phương kiến nghị nhiều chính sách để phát triển giáo dục mầm non ở khu công nghiệp.

Theo đó, các đại biểu nhất trí kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các quy định đặc thù trong việc ưu đãi về thuế, cho thuê đất (thời gian dài) nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn này.

Cùng với đó, xem xét có cơ chế phù hợp cho phép các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi được ký hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non bằng nguồn xã hội hóa.

Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư công theo hướng ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu vực đông dân cư, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Hay, khuyến khích sử dụng một phần kinh phí trích từ nguồn thu của khu công nghiệp để tái đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non để góp phần thúc đẩy mạnh hơn việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non tại khu công nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các địa phương như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Bình Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TPHCM... cũng kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất cho mầm non tư thục để giảm quá tải số trẻ ra nhóm, lớp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Việc này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu gửi con đến trường của nhân dân; chính sách hỗ trợ ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ nhà trẻ như đối với trẻ mẫu giáo.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), cả nước có 212 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất này có 11.116 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 3.444 trường công lập, 17 trường dân lập, 1.456 trường tư thục và 6.689 cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục. Trên 1,6 triệu trẻ em - trong đó đa số là con công nhân làm việc các khu công nghiệp, khu chế xuất - theo học tại đây.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã có hơn 86.000 trẻ em, 4.666 giáo viên mầm non và 858 cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp đủ điều kiện được nhận hỗ trợ từ các quy định chính sách. Kinh phí đã được hỗ trợ tới các đối tượng là hơn 600 tỉ đồng.

Chính sách hỗ trợ này đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp đã giúp cha mẹ trẻ là công nhân có thêm chi phí để lựa chọn gửi trẻ ở những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đảm bảo chất lượng, cũng như các điều kiện về an toàn đối với trẻ.

Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều lao động. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ để ban hành Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ từ 6-36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp giai đoạn 2023-2030.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI