Nâng bước trẻ mồ côi đến trường

09/10/2024 - 06:49

PNO - 150 học sinh mồ côi do COVID-19 đã nhận học bổng và phương tiện đi lại. Chương trình do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM tổ chức vào sáng 6/10 đã tiếp thêm sức mạnh, nâng bước các em trên con đường đến trường.

Biết ơn những phần học bổng

Em Trần Sa Sa và dì rất vui khi nhận học bổng
Em Trần Sa Sa và dì rất vui khi nhận học bổng

Có mặt từ rất sớm tại điểm nhận học bổng, em Trần Sa Sa - học sinh lớp Bốn, Trường tiểu học Trần Quang Cơ, quận 10, TPHCM - ngồi nép bên người dì. Em nói: “Được nhận học bổng, em rất háo hức, thức dậy rất sớm, đi cùng dì đến đây”.

Bà Trương Huệ Phân - dì của em Trần Sa Sa - cho biết, cha mẹ em mất trong đợt COVID-19, bỏ lại em sống với ông ngoại đã ngoài 60 tuổi. Khi ấy, Sa Sa mới vào lớp Một. Thấy em còn quá nhỏ, nên bà nhận chăm cháu thay ông. Sa Sa học bán trú, mỗi tháng tốn khoảng 1,7 triệu đồng. Hằng tháng, ông ngoại em gửi chút phí sinh hoạt, còn lại thì bà lo.

“Nhiều năm liền Sa Sa là học sinh xuất sắc, đều được nhận học bổng. Năm nay được nhận 2 triệu đồng, dì cháu tôi rất vui và vô cùng biết ơn quý lãnh đạo, các nhà hảo tâm. Tôi sẽ sử dụng số tiền này hợp lý để phục vụ việc học tập của cháu” - bà Phân nói.

Em Nguyễn Nhật Gia Long - học sinh lớp Bảy, Trường THCS Phan Công Hớn, huyện Hóc Môn, TPHCM - kể về gia đình với đôi mắt đỏ hoe: “Gia đình em có 5 người. Cha em mất vì COVID-19. Mẹ em may gia công nuôi cả gia đình gồm: bà nội bị tai biến, chú bị bệnh tâm thần, em nhỏ cũng đang đi học. Từ khi ba em mất, mẹ em càng thêm vất vả”.

Năm 2022, Gia Long được các cô chú ở địa phương quan tâm, giới thiệu đến Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện và thành phố để được xét tặng học bổng do Trường đại học Tôn Đức Thắng tài trợ. Nhờ vậy, em nhận được học bổng nhiều năm liền. “Em vô cùng trân quý và biết ơn sâu sắc các cô chú trong hội, các thầy cô ở Trường đại học Tôn Đức Thắng cùng quý mạnh thường quân đã hết lòng quan tâm, chăm lo cho trẻ mồ côi chúng em. Những phần học bổng không chỉ giúp chúng em có điều kiện đóng học phí, mua dụng cụ học tập, sách vở, mà còn là nguồn động lực lớn để chúng em nỗ lực, vững bước đến trường” - Gia Long bày tỏ.

Ngồi khép mình ở một góc hội trường, em Trịnh Trần Trung Toàn - học sinh lớp Ba, Trường tiểu học Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM - cùng mẹ là chị Trần Thị Biết (43 tuổi) không giấu được niềm hạnh phúc. Chị Biết tâm sự, 4 mẹ con chị đang ở trọ, chị làm công nhân với mức lương 9 triệu đồng nuôi 3 đứa con trong độ tuổi học hành.

Hồi còn sống, chồng chị làm việc tại khu công nghệ cao Thủ Đức, cuộc sống gia đình khá ổn. Nhưng từ khi anh mất, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai chị. Dù hết sức cố gắng xoay xở, nhận thêm việc làm nhang vào cuối tuần và những khi rảnh rỗi, nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật.

“Nghe tin con được nhận học bổng, tôi mừng lắm! Thực sự biết ơn sự sẻ chia yêu thương, giúp đỡ. Với số tiền nhận được, tôi sẽ dùng để đóng các khoản học phí cho con và mua cho con vài bộ đồng phục mới” - chị Biết nói.

Thấy mẹ rưng rưng, Trung Toàn an ủi: “Con sẽ học thật giỏi để không phụ lòng mẹ và các cô chú đã trao tặng học bổng cho con”.

Trách nhiệm và sự chia sẻ

Các nhà tài trợ trao tặng xe đạp cho các em mồ côi
Các nhà tài trợ trao tặng xe đạp cho các em mồ côi

Năm học 2024-2025, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM trao học bổng cho 106 học sinh tại các quận 7, 10, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Giá trị học bổng đối với cấp tiểu học là 2 triệu đồng, cấp THCS 3 triệu đồng và cấp THPT 4 triệu đồng.

Ngoài ra, hội còn hỗ trợ 43 xe đạp để các em có phương tiện đến trường. Tổng số tiền trao tặng là 326 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Yến - Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, cũng là một trong những nhà tài trợ tích cực của quỹ học bổng - chia sẻ, COVID-19 đã để lại nhiều đau thương mất mát, đặc biệt là đối với trẻ mồ côi. Chính vì vậy, bà và các mạnh thường quân đã chung tay với xã hội quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em tiếp tục đến trường.

Bà Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, việc tích lũy quỹ hỗ trợ cho các em là một chặng đường dài và cũng là tâm nguyện mà bà và những người bạn đồng hành cảm thấy cần phải quyết tâm thực hiện. “Chăm sóc, hỗ trợ các em trên con đường học vấn không đơn thuần là vì tình thương mà đó là trách nhiệm của những thế hệ đi trước với mong muốn thế hệ đi sau trở nên giỏi giang, khỏe mạnh và có một cuộc sống tốt hơn” - bà nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM - cho biết, trong nhiều năm qua, hội là điểm hẹn kết nối những trái tim yêu thương của các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà tài trợ cùng chung tay hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho trẻ mồ côi và người khuyết tật. Nhờ đó, nhiều chương trình, dự án đã và đang được triển khai như trao học bổng, trao xe lăn - xe lắc, cây mùa xuân, khám sức khỏe, các dự án dạy nghề, trao phương tiện sinh kế… đã được thực hiện.

Trong đó, chương trình “Vì tương lai học sinh khuyết tật, mồ côi” được thực hiện từ năm 2000, đã trao trên 30.000 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 24 tỉ đồng. Riêng chương trình “Học bổng dành cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19” (hỗ trợ các em đến 18 tuổi, hoàn thành bậc học phổ thông) được thực hiện từ năm học 2021-2022 và nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình từ các doanh nghiệp, cá nhân.

“Những phần học bổng hôm nay được góp nhặt từ những yêu thương của quý lãnh đạo, các đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm. Nó không chỉ là món quà về vật chất, mà còn chứa đựng tình cảm và niềm tin, nguồn động viên, giúp các em thêm tự tin, vượt qua mặc cảm, nỗ lực trong học tập, rèn luyện đạo đức, nuôi dưỡng khát vọng và hoài bão. Mong rằng các em không chỉ làm giàu bằng trí tuệ và nghị lực mà còn có một tâm hồn giàu đẹp, cống hiến cho xã hội và lan tỏa tình yêu thương, tiếp nối truyền thống khuyến học để trở thành những công dân tốt, có ích cho đất nước” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI