Nâng bước các em đến trường

19/08/2019 - 08:41

PNO - 179 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã được trao. Giá trị vật chất của học bổng tuy không nhiều nhưng giá trị tinh thần thì vô cùng lớn lao, nó góp phần động viên, nâng bước các em đến trường và bước vào tương lai.

Sáng hôm qua, 18/8, Hội LHPN TP.HCM đã trao 179 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, năm học 2019 - 2020 cho học sinh, sinh viên nghèo. Trong số nữ sinh nhận học bổng lần này, không những học giỏi, nhiều em còn phải bươn chải để kiếm tiền phụ giúp gia đình từ rất sớm. Giá trị vật chất của học bổng tuy không nhiều nhưng giá trị tinh thần thì vô cùng lớn lao, nó góp phần động viên, nâng bước các em đến trường và bước vào tương lai.

1. Trưa cuối tuần, trong căn nhà cuối hẻm nhỏ trên đường Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, Lâm Hoàng Mỹ Như, 17 tuổi, đang hướng dẫn em trai Lâm Hoàng Quân, 10 tuổi, làm toán. Năm học mới này, Như lên lớp 12, còn Quân vào lớp Năm. Hằng ngày, mẹ đi may xí nghiệp nên Như phụ bà ngoại lo cơm nước, nhà cửa, trông chừng mấy đứa em, cháu. Gặp tôi, Như cúi đầu: “Gia đình em ở nhờ nhà dì lâu nay. Bây giờ dì có gia đình riêng rồi, nhưng nhà em chưa biết đi đâu bây giờ”.

Nang buoc cac em den truong
Mỹ Như thay mẹ chăm sóc, hướng dẫn em trai học ở nhà

Nghe cháu tâm sự, bà ngoại Trần Thị Hiền, 63 tuổi, quay mặt vào tường, kéo tay áo lau nước mắt. Gia đình bà Hiền ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, có bốn người con. Mẹ của Mỹ Như - chị Hoàng Thị Diệu Huyền - là con thứ hai. Mấy chục năm trước, đời sống gia đình còn nhiều khó khăn, nên hết lớp Mười chị Huyền bỏ học để phụ giúp cha mẹ. 

18 tuổi, chị xuống TP.HCM làm công nhân rồi kết hôn với một người cùng công ty. “Hai đứa chịu khó lắm. Khi bé Như đến tuổi đi học, con rể tôi nghỉ làm công nhân để chạy xe ôm, vợ chồng lãnh thêm quần áo về gia công buổi tối, tính tích cóp mua miếng đất cất nhà. Nào ngờ…” - bà Hiền bỏ lửng. 

Năm 2009, khi bé Như lên 7 và em trai còn trong bụng mẹ, thì cha em qua đời vì tai nạn giao thông. Sau thời gian dài suy sụp, chị Huyền gượng dậy để lao vào làm việc suốt ngày đêm. Mỹ Như lãnh phần chăm sóc em và phụ mẹ cắt chỉ quần áo vào buổi tối. 

“Hồi ba mất, em còn nhỏ, chưa cảm nhận được gì. Sau này thấy bạn bè được ba đưa đón, mới thấy tủi thân” - Như kể. Nhưng thương mẹ, Như cố gắng vượt qua buồn tủi và tự dặn mình phải ráng học. Em đặt mục tiêu thi vào ngành ngôn ngữ Anh trong năm học tới. “Em thích tiếng Anh, dù ở trường hay ngồi làm cùng mẹ, em cũng tranh thủ học mỗi ngày. Sau này, em có thể vừa làm việc ban ngày, vừa dạy kèm tiếng Anh ban đêm để lo cho em Quân, để mẹ đỡ vất vả”. 

2. “Con đậu rồi, đậu rồi, mẹ ơi!” - Lê Thị Bảo Trân chạy ào vào nhà khoe với mẹ. 

Tin con gái trúng tuyển ngành quản trị kinh doanh, Trường đại học Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM hẳn là chuyện đáng ăn mừng, nhưng chị Lê Thị Lâm Tuyền, ở P.Tân Quy, Q.7, lại gục mặt khóc. 

Nang buoc cac em den truong
Bảo Trân phụ mẹ sửa quần áo tại nhà 

Hôn nhân gãy gánh, lại đang bị suy thận giai đoạn 4, chị không biết kiếm đâu ra số tiền “khổng lồ” 35 triệu đồng tạm thu đầu năm cho con. Bảo Trân choàng tay ôm vai mẹ: “Để con nhờ ba vay giúp coi sao. Con sẽ xin đi làm thêm trong siêu thị, phụ quán trà sữa trả tiền lời hằng tháng, còn nợ gốc ra trường con trả, mẹ đừng lo”. Người mẹ càng khóc lớn, đứa con gái mới 18 tuổi của chị đã và đang gánh trên vai quá nhiều gánh nặng. 

Từ Bến Tre lên TP.HCM năm 1996, ban đầu chị Tuyền làm công nhân may ở Q.Phú Nhuận. Lấy chồng, chị rời phân xưởng, nhận trang phục bà bầu về phòng trọ gia công và làm việc quên mình với nhiều dự tính. Nhưng năm 2013, chị Tuyền được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn 3. Mọi ấp ủ đành phải gác lại để tập trung điều trị. “Quá tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết. Trong tình cảnh đó, Bảo Trân lại là thành viên mạnh mẽ nhất nhà. Cháu nói với tôi “con sẽ cho mẹ một quả thận”. Nghe con nói, tôi bừng tỉnh, thấy mình không thể buông xuôi”, chị Tuyền bộc bạch. 

Họa vô đơn chí, cuối năm 2016, vợ chồng chị Tuyền đường ai nấy đi, Bảo Trân sốc nặng. Lần này đến lượt chị Tuyền đưa vai cho con tựa. Thương mẹ, một lần nữa Bảo Trân gượng dậy. Năm lớp Bảy, em đã biết kết vòng đeo tay mang đi bán. Những năm sau, em xin một chân phục vụ quán trà sữa, bán áo thun, bánh tráng trộn. Tối về nhà, Trân lại ngồi phụ mẹ cắt chỉ quần áo. Quỹ thời gian “tranh thủ làm” gần như kín. 12 năm đèn sách, em luôn đạt thành tích khá, giỏi. Biết cảnh nhà khó, Bảo Trân ăn mặc tằn tiện, thậm chí mặc cả quần áo người ta đã bỏ đi. 

May mắn em là một trong mười nữ sinh đầu tiên nhận học bổng khuyến tài “Nâng bước em đi” của chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai và được hỗ trợ 18 triệu đồng, bớt đi phần nào gánh nặng học phí. Em tâm sự: “Mẹ đã vay thêm để đóng đủ tiền cho em làm hồ sơ nhập học. Dù phía trước còn nhiều gập ghềnh, nhưng chắc một điều là em sẽ không bỏ cuộc”. 

3. Nữ sinh năm thứ ba Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Nguyễn Phi Anh năm nay 20 tuổi, có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt đượm buồn. Không chỉ học giỏi, Phi Anh còn năng nổ tham gia nhiều hoạt động phong trào tại địa phương mình - P.11, Q.Bình Thạnh, đặc biệt là các chương trình tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các khu dân cư.

Nang buoc cac em den truong
Để trang trải chi phí sinh hoạt, thuốc men cho ba, Phi Anh phụ má gia công quần áo bất cứ lúc nào rảnh

Khác với bề ngoài có vẻ mong manh, Phi Anh là cô gái đầy nghị lực và chín chắn trong suy nghĩ. Từ mùa hè năm lớp Chín, Phi Anh đã đi dạy kèm các môn toán, lý, hóa và được nhiều phụ huynh tin tưởng. Công việc ấy đã theo em cho đến nay. Những buổi tối còn lại em phụ mẹ cắt chỉ, lên lai, giặt ủi, đóng gói quần áo gia công. Tiền công của hai mẹ con mỗi ngày cũng đủ đi chợ và tiền thuốc cho ba. 

Ba của Phi Anh - anh Nguyễn Văn Long, hai lần bị tai nạn trong vòng bốn năm. Năm 2013, anh bị mảng bê tông đổ ập xuống đầu và bị xuất huyết liềm não. Sau thời gian dài nằm viện, anh bỏ nghề hàn, ở nhà phụ vợ may gia công và đi giao quần áo cho khách. Nhưng, cuối tháng 4/2017, anh lại bị tai nạn giao thông, bị tiểu đường. Phi Anh giãi bày: “Nhà em nghèo vật chất, nhưng tình thương thì không thiếu, đây chính là động lực giúp em mạnh mẽ hơn trong cuộc sống”. 

Mẹ Phi Anh là chị Nguyễn Thị Hà, ngày còn trẻ chị từng tha thiết được khoác áo blouse. Không đậu trường y nên chị qua sư phạm. Song song với nghề giáo, chị Hà cũng gắn bó với may vá hơn 50 năm qua. Qua tuổi hưu lâu rồi nhưng chị vẫn chưa nghỉ ngơi ngày nào. Phi Anh đậu trường y, chị mừng cho con mà cũng là mừng cho chính mình, giấc mơ ngày xưa đang được viết tiếp. 

“Đây là năm thứ hai Phi Anh được tặng học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Với gia đình tôi, hỗ trợ này là vô giá. Nếu Hội mở lớp dạy may cho chị em hội viên, tôi xin tình nguyện đứng lớp không cần thù lao”, chị Hà thổ lộ. 

Hơn 130 tỷ đồng hỗ trợ nữ sinh đến trường

Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai ra đời từ năm 1989 và đến năm 1990 thì được triển khai mở rộng ra tất cả các cấp Hội. Qua 29 năm, đã có 248.642 lượt học sinh, sinh viên được thụ hưởng chương trình này với tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, Hội đã trao hơn 37.122 suất học bổng với tổng trị giá hơn 45,4 tỷ đồng. 

Trong năm học 2019 - 2020, ở cấp Thành Hội, có 179 suất học bổng và quà dành tặng nữ sinh nghèo với tổng kinh phí hơn 620 triệu đồng, trong đó có 76 em đạt thành tích loại giỏi, 103 em loại khá. Năm nay, Hội LHPN TP.HCM nâng định mức giá trị học bổng lên 1,5 triệu đồng (cấp I), 2 triệu đồng (cấp II, III), 3 triệu đồng (đại học).

Kể từ năm học 2019 - 2020, Thành Hội triển khai dự án học bổng khuyến tài “Nâng bước em đi” nằm trong chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Dự án sẽ hỗ trợ học bổng toàn phần cho các em từ khi đậu đại học đến tốt nghiệp, giá trị 18 triệu đồng/năm học. Trong năm đầu tiên có 10/179 nữ sinh nhận được hỗ trợ này. 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI