Nạn tự sát vì bị ảnh hưởng bởi thần tượng và sản phẩm văn hóa

01/05/2022 - 10:35

PNO - Sự việc MV của ca sĩ Sơn Tùng M-TP làm dấy lên tranh cãi dữ dội, nhiều người yêu cầu sản phẩm này phải bị cấm phát hành không phải là không có lý do. Trước đó, trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp tự sát hàng loạt vì bị ảnh hưởng bởi thần tượng, sản phẩm nghệ thuật.

Năm 2004, MV Everytime của Britney Spears đã phải chỉnh sửa lại kịch bản, sau khi chi tiết cô gái cố gắng tự tử bằng cách dùng thuốc quá liều trong MV bị rò rỉ. Nhiều người đã gửi thư đến kênh MTV và công ty quản lý của nữ ca sĩ, cho rằng cô đang cổ xúy nạn tự tử ở người trẻ. 

Thực tế, các sản phẩm văn hóa và thần tượng đã và hiện vẫn đang có sự tác động đến một bộ phận khán giả, khiến nhiều người đưa ra lựa chọn tiêu cực. 

Chết theo thần tượng

Năm 2008, nữ diễn viên Choi Jin Sil qua đời và được kết luận là do tự tử bằng cách treo cổ. Điều này gây rúng động toàn châu Á bởi cô là diễn viên nổi tiếng của khu vực, nhưng không chỉ vậy, cái chết của cô để lại một “di chứng” mang tính xã hội cho Hàn Quốc: làn sóng người hâm mộ tự sát theo thần tượng. Ngày 4/10/2008, chỉ hai ngày sau cái chết của Choi Jin Sil, xác hai phụ nữ đã được tìm thấy với cách chết tương tự: treo cổ trong nhà tắm.

Choi Jin Sil qua đời
Cái chết của Choi Jin Sil để lại làn sóng người hâm mộ tự sát theo thần tượng

Trước đó một tháng, sau khi nam diễn viên Ahn Jae Hwan được cho là tự tử bằng khí gas trong xe hơi, cảnh sát đã phát hiện có 3 thanh niên tự kết liễu đời mình cũng với cách thức như vậy.

Năm 2012, nam ca sĩ Younghuyn của nhóm SHINee qua đời, và chỉ chưa đầy 24 giờ sau đó, đã có fan của anh ở Chile, Hàn Quốc, Mỹ, Indonesia chọn cách “đi theo” thần tượng. Theo ước tính của các tổ chức giáo dục, tâm lý Hàn Quốc, có 8 người - là con số được thống kê chính thức - đã chọn cách tự tử vì Younghuyn.

Theo trang Yonhap News của Hàn Quốc, xứ sở kim chi đã có 14.000 người tự tử năm 2019 sau khi loạt idol Kpop qua đời - trung bình mỗi ngày có 38 người chọn cái chết.

Đầu tháng 7/2012, Gary Taylor, chủ tịch kiêm quản lý trang web lớn nhất dành cho người hâm mộ Michael Jackson đã phải lên tiếng, thông qua tờ News của Úc: “Tôi biết rằng đã có 12 trường hợp tự tử và con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng. Hiện tại, tôi đoán có một người hâm mộ sống ở Bristol cũng đang có ý định làm điều tương tự. Tình hình đang trở lên cực kỳ nghiêm trọng”.

Lifeline, một đường dây nóng giúp tư vấn ngăn ngừa tình trạng tự tử ở Úc, đã nhận được tới 50 cuộc gọi nói rằng cái chết của Michael Jackson khiến họ cảm thấy chán sống.

Năm 1962, sau khi minh tinh Marilyn Monroe được phát hiện chết trên giường của mình xung quanh vương vãi thuốc an thần, có khoảng 200 vụ tự tử diễn ra khắp nơi trên thế giới chỉ trong vòng một tháng sau đó.

Chết theo phim

Theo nghiên cứu được công bố vào 29/4/2019 bởi tạp chí của Học viện Hoa Kỳ về tâm thần học ở trẻ em và thanh thiếu niên (American Academy of Child and Adolescent Psychiatry), trong vòng 9 tháng sau 31/3/2017, số vụ tự tử tại nước này tăng vọt lên đến hơn 195 vụ so với mức trung bình. Và sự gia tăng này có liên quan đến loạt phim truyền hình 13 Reasons Why (13 lý do tại sao) của Netflix sản xuất. Sau khi phim phát sóng phần 1 vào năm 2017, rất nhiều cái chết đã diễn ra đối với trẻ vị thành niên khắp nơi, với cách thức tương tự nhân vật Hannah tự sát trong phim.

Nhiều tổ chức xã hội cáo buộc những cảnh tự sát được miêu tả quá chi tiết trong phim 13 Reasons Why đã khiến nhiều thanh thiếu niên làm theo ngoài đời thực
Nhiều tổ chức xã hội cáo buộc những cảnh tự sát được miêu tả quá chi tiết trong phim 13 Reasons Why đã khiến nhiều thanh thiếu niên làm theo ngoài đời thực

Sự việc đã khiến các nhà giáo dục, tâm lý, xã hội học nhiều nước đồng loạt lên tiếng yêu cầu hạn chế độ phổ biến của phim. Nước Úc còn ra hẳn một quy định cấm trẻ vị thành niên xem 13 Reasons Why mà không có cha mẹ bên cạnh. 

Bài hát Gloomy Sunday khiến hàng trăm người tự tử

Có lúc, người ta gọi bài hát Gloomy Sunday (Chủ nhật buồn) là “bài hát bị nguyền rủa” vì sau khi ra đời, đã xuất hiện hàng trăm vụ tự sát trên thế giới cho thấy có liên quan đến bài hát này. Đó là người đàn ông ở Hungary yêu cầu nhạc công chơi Gloomy Sunday rồi rút súng kết liễu đời mình khi bài hát kết thúc; là đứa trẻ ở Ý, sau khi nghe một nghệ sĩ đường phố biểu diễn đã đi thẳng đến cây cầu trước mặt rồi nhảy xuống; một cô thư ký tại Mỹ được phát hiện qua đời, dưới chân là bản chép bài hát… Tại Anh, các công ty truyền thông đã cấm phát nhạc này trong những buổi phát thanh thường lệ trên làn sóng của mình. Có tới 15 quốc gia đâm đơn kiện Rezso Seress - nhạc sĩ người Hungary, tác giả bài hát - buộc tội ông có liên quan đến những vụ tự sát.

nhạc sĩ
Nhạc sĩ Rezso Seress bị kiện vì sáng tác "bài hát giết người"

Thực tế thì, bài hát không có vấn đề về tâm linh như người ta truyền miệng, mà mang vấn đề của thời cuộc. Giai điệu sầu não, ca từ buồn bã của bài hát khi đặt trong bối cảnh xã hội mà nạn thất nghiệp gia tăng, nỗi ám ảnh chiến tranh vẫn còn khiến nhiều người trầm cảm, mất phương hướng… đã trở thành “lực đẩy” cho một cuộc kết thúc.

 

Hạ An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI