Đăng tải trên Forbes đầu năm nay, nhân sự kiện ngày Quốc tế Phụ nữ, câu chuyện của 2 nữ diễn viên người Mỹ gốc Á Mona Shaikh, Margaret Cho, cùng bác sĩ người Ấn Lipi Roy phác họa trải nghiệm chân thật về giá trị nữ quyền đương đại ở Á Đông - biểu thị cụ thể qua nạn tấn công tình dục. Dẫu chúng ta đã trông thấy một số thay đổi tích cực, “chặng đường” tranh đấu vì nhân quyền, chỗ đứng của phụ nữ riêng tại châu Á hiện vẫn đầy chông gai, thách thức.
|
Mona Shaikh tham dự một hội nghị về quyền phụ nữ tại Los Angeles, California, Mỹ, tháng 11/2018 |
“Lớn lên trong một gia đình Hồi giáo bảo thủ ở Pakistan, sự kỳ thị giới tính là điều tôi phải đối diện liên tục. Nó hiện hữu thông qua đủ mọi hành vi lệch lạc, bạo lực”, Mona Shaikh, nghệ sĩ hài và phát thanh viên người Mỹ gốc Pakinstan, tiết lộ.
“Tôi từng phải chứng kiến cảnh cha đánh đập mẹ tôi mỗi ngày. Một trong những ký ức đầu đời tôi ghi nhớ đến nay, là khoảnh khắc mẹ mình bị ông ấy túm tóc, đập đầu vào tường”.
“Bóng ma” kỳ thị ám lên cả Shaikh khi cô sang Mỹ định cư năm 15 tuổi và bị hành hung bởi chính bốn người anh ruột trong gia đình. Trải nghiệm kinh hoàng đến mức, một lần cô đã phải gọi cảnh sát ứng cứu. “Có vô số câu chuyện ghê rợn tương tự bạn có thể nghe ở đâu đó, nhưng chúng đã giúp tôi tìm tòi “chất liệu” để tạo dựng một sự nghiệp lâu dài trong ngành hài kịch - một môi trường vốn dĩ luôn ngập tràn tư duy kỳ thị phụ nữ”.
“Tôi không dễ tin đàn ông, nhưng nghệ thuật hài kịch và nỗ lực trị liệu tâm lý suốt 13 năm qua đã cứu lấy đời tôi”. Shaikh bày tỏ.
|
Nhóm hoạt động xã hội trong một sự kiện biểu tình vì quyền lợi phụ nữ ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 5/9/2019. |
Bác sĩ người Ấn Lipi Roy, trong bài viết cùng chủ đề, chia sẻ về trải nghiệm kỳ thị tương tự cô từng chịu đựng. “Cùng khoác chiếc áo trắng y sĩ, cùng trải qua khoảng thời gian làm việc khắc nghiệt như bao đồng nghiệp nam khác, tôi thỉnh thoảng vẫn bị hỏi, ‘Cô là y tá ư? Khi nào chúng tôi có thể gặp bác sĩ?’. Dẫu vậy tôi chưa từng băn khoăn quá nhiều về điều này.
Nhưng góc nhìn của tôi thay đổi mạnh mẽ sau khi tôi bắt đầu làm việc với những cá nhân bị đặt ngoài ‘rìa’ xã hội – trước đây khi tôi chăm sóc cho nhóm bệnh nhân vô gia cư, và sau này, khi làm trưởng khoa Điều trị Cai nghiện ở nhà tù Đảo Rikers (phức hợp nhà tù và trung tâm cải tạo trọng yếu của thành phố New York, Mỹ). Đấy là khi tôi nhận ra những hệ quả nghiêm trọng của nạn bạo lực, hành hung xuất phát từ tư tưởng kỳ thị giới tính. Nó có thể kéo theo di chứng liên quan đến nghiện ngập, bất ổn tâm lý và hàng loạt bệnh lý khác”.
|
Weinstein tại Tòa thượng thẩm Bang New York ngày 26/4/2019. Loạt cáo buộc quấy rối tình dục khiến nhà cựu sản xuất phim chính thức lãnh án 23 năm tù, từ đầu tháng 3/2020 |
Cũng như nhiều quốc gia phương Đông, làn sóng #MeToo, khởi phát bởi scandal quấy rối tình dục của Harvey Weinstein, buộc Ấn Độ, quê hương Roy, (nơi nạn cưỡng bức - giết hại phụ nữ đã và đang làm dấy lên không ít “hồi chuông báo động”), phải nhìn nhận đúng mực hơn một vấn đề khủng hoảng nhân quyền ở cấp độ toàn cầu.
Nữ nghệ sĩ sân khấu thành danh Margaret Cho, không hề xa lạ trước những hành vi kỳ thị sai trái nhắm vào phụ nữ. “Là diễn viên nữ gốc Á, quấy rối tình dục là thứ tôi phải tập đối mặt hằng ngày. Đến mức giờ đây tôi đã bị ‘chai sạn’ khi nói đến vấn đề này”.
|
Biên kịch, nghệ sĩ sân khấu người Mỹ gốc Á Margaret Cho là nhà bảo trợ, hoạt động xã hội tích cực đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ và nhiều bất công xã hội khác |
Hành vi bạo lực, xâm hại vốn phụ nữ châu Á vẫn phải thường xuyên chịu đựng, dù là một thực trạng không hề mới, lại hiếm khi được truyền thông đại chúng đề cập. Theo một nghiên cứu gần đây triển khai bởi nhóm chuyên gia thuộc Học viện châu Á Thái Bình Dương (đại học Michigan) về Bạo lực từ Kỳ thị Giới tính, cho thấy 56% phụ nữ Philippines và 64% phụ nữ Ấn và phụ nữ Pakistan từng trải nghiệm hành vi bạo hành bởi chính bạn đời của họ. Thế nhưng, vì sao chúng ta chưa thể lắng nghe nhiều hơn câu chuyện của họ? Vì sao nạn bạo hành phụ nữ tồn tại nhiễu nhương trong văn hóa phương Đông?
Tư duy gia trưởng, thứ “cắm rễ” từ lâu nơi xã hội châu Á, là một nguyên nhân giúp biện giải tệ nạn xâm hại. Khi “cán cân” vị thế lệch hẳn sang phía nam giới, phụ nữ có thể phải chịu bất lợi nếu đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của riêng họ.
Cựu hoa hậu, diễn viên người Ấn, Tanushree Dutte, sau khi tố cáo ngôi sao Bollywood, nam diễn viên gạo cội Nana Patekar – về hành vi quấy rối tình dục, đã bị chỉ trích bởi nhiều đồng nghiệp trong ngành. Một tình cảnh mà hàng loạt sao nữ Hollywood cũng từng chịu đựng khi công khai kể lại trải nghiệm bị xâm hại, tiêu biểu như Rose McGowan hay Ashley Judd.
|
Nữ diễn viên kỳ cựu Ashley Judd phát biểu trên sân khấu sự kiện kỉ niệm 10 năm Hội nghị Vai trò Phụ nữ Toàn cầu, diễn ra tại trung tâm hội nghị Lincoln, New York, ngày 11/4/2019 |
Nỗ lực đấu tranh cho quyền lợi cá nhân, với không ít phụ nữ châu Á, thường bị gắn mác “vô đạo đức” hay “Tây hóa”. Mặc khác, chính sách hỗ trợ pháp lý, bảo trợ nhân quyền cho phụ nữ, xét riêng tại một số quốc gia Nam Á đông dân như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, hãy còn rất thiếu hụt. Làn sóng #MeToo và #TimesUp, may thay, đang khích lệ phụ nữ Á Đông lên tiếng mạnh mẽ hơn về nạn xâm hại.
Quấy rối, bạo hành tình dục có thể để lại di chứng tâm sinh lý nặng nề. Không chỉ dừng lại ở những tổn thương nhất thời, nạn nhân bị xâm hại thường phải đối mặt hội chứng trầm cảm, mất ngủ, sợ hãi kéo dài, từ đó dẫn đến nhiều mối nguy tiềm ẩn đối với công việc lẫn sức khỏe, đời sống.
“Chúng ta đang rất cần một sự thay đổi tư duy, bắt đầu bằng việc giáo dục về quyền lợi phụ nữ cho trẻ nhỏ”, tiến sĩ Jasleen Salwan, làm việc tại đại học Johns Hopkins, người thường xuyên tiếp xúc và điều trị cho những nữ bệnh nhân bị xâm hại tình dục, nhận định. “Hãy cùng chung tay tạo ra một xu hướng văn hóa tư duy không biện hộ hay thiên vị giới tính”.
|
“Tôn trọng sự tồn tại của tôi, hoặc chờ đợi sự phản kháng của tôi”. Một cô gái trẻ gốc Á giơ tấm áp phích cổ động trong sự kiện diễu hành Quốc tế Phụ nữ tại Amsterdam, Hà Lan, ngày 9/3/2019 |
Mới đây, một diễn đàn Sức khỏe Cộng đồng người Mỹ gốc Á đưa ra bài báo cáo xã hội đáng suy ngẫm, cho thấy tỉ lệ tự tử cao vượt trội ở những phụ nữ trẻ gốc Á, so với đàn ông cùng nhóm sắc tộc tại Hoa Kỳ. Trầm trọng hơn, theo số liệu từ diễn đàn, phụ nữ đồng thời là nhóm có tỉ lệ sử dụng dịch vụ sức khỏe tâm thần thấp nhất.
Thống kê kể trên góp phần phản ánh cách đức tin truyền thống, ảnh hưởng văn hóa vẫn đang tạo sức ép lớn, khiến nhiều phụ nữ e ngại tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết trước vấn đề nhạy cảm như bạo hành gia đình hoặc xâm hại tình dục. Chiều hướng kỳ thị nhắm vào những người có trục trặc về sức khỏe tâm lý, ở không ít xã hội phương Đông, là một “rào cản” vô hình khác.
Bất kể những bài nghiên cứu, thống kê cùng nhiều câu chuyện chân thật đau lòng, chúng ta vẫn có quyền kỳ vọng, trông đợi đổi thay tích cực trong tương lai. Margaret Cho bày tỏ: “Tôi nghĩ phụ nữ đang ở trong một kỷ nguyên cởi mở, an toàn hơn để lên tiếng tranh đấu trước bao nỗi bất công”. Cho cũng khích lệ những ai từng trải qua nghịch cảnh kỳ thị, kể về câu chuyện của họ.
“Đừng giữ bí mật về sự xâm hại”.
Như Ý (Forbes)