Nạn nhân tiếp theo của vụ chạy thận

23/04/2018 - 07:00

PNO - Vụ chạy thận khiến bệnh nhân bị tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2017 đang thu hút sự chú ý chưa từng có của dư luận xã hội và giới chuyên môn y khoa.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất cáo trạng, trong đó bác sĩ Hoàng Công Lương bị đưa ra truy tố cùng với 2 bị can khác, với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Một năm qua chưa hết nỗi ám ảnh kinh hoàng từ cảnh hàng loạt bệnh nhân sốc sau lọc máu, chết la liệt. Mặc dù sau đó hơn 10 bệnh nhân đã được ê-kíp bác sĩ và nhân viên y tế cứu sống, nhưng con số 8 bệnh nhân khác đã chết đánh dấu đây là một trong những tai nạn bi thảm nhất của ngành y tế.

Nan nhan tiep theo cua vu chay than
 

Dư luận trông mong một quá trình điều tra nghiêm túc, xét xử đúng người đúng tội, nhưng cáo trạng của phiên tòa đã ít nhiều gây hoang mang. Có dư luận đã quyết liệt đến mức cho rằng, xử bác sĩ Lương chỉ là để “lấp chỗ trống”.

Trước khả năng phải nhận mức án từ 3 đến 12 năm tù giam, bị cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm và có thể vĩnh viễn không còn cơ hội hành nghề, bác sĩ Lương có thể được coi như nạn nhân tiếp theo của vụ tai nạn y tế này. 

Tất cả những chi tiết được đưa ra trong suốt quá trình điều tra vụ án, ý kiến của các chuyên gia, quan điểm của các bác sĩ đầu ngành, những chứng cứ bổ sung, bức thư của bác sĩ Lương gửi lên lãnh đạo cấp cao... đều đã được dư luận mổ xẻ. Đa số ý kiến thống nhất: trong trường hợp đó bác sĩ đã làm hết trách nhiệm của mình.

Nguyên nhân của tai nạn nằm ở chất lượng nguồn nước, ở lượng hóa chất tồn dư sau khi sửa chữa thiết bị lọc. Bác sĩ không thể kiểm soát hết độ an toàn của thiết bị và vật tư y tế, mà họ cũng không đủ phương tiện, thời gian, điều kiện để kiểm soát. Nếu bây giờ bác sĩ Lương bị kết án, việc này sẽ trở thành một tiền lệ treo lơ lửng trên đầu tất cả các nhân viên y tế: họ phải chịu tội thay cho sự tắc trách trong các khâu quản lý trước đó, từ nhập kho thiết bị, đến bảo dưỡng bảo trì các thiết bị y tế. Mà sự tắc trách này thì có ít đâu.

Thậm chí đến cả phần việc lau dọn vệ sinh trong bệnh viện, hiện đang được giao cho nhiều công ty tư nhân thầu, cũng có thể là một nguồn rủi ro không thể quản lý được. Vô hình trung, quá trình sàng lọc trách nhiệm của cơ quan điều tra vẫn đang để sót người sót tội. Rồi sẽ, như nguồn nước tồn dư độc chất đã gây ra vụ việc ở Hòa Bình, việc sót người sót tội này sẽ tiếp tục gây ra những cái chết thương tâm khác.

Cái giá phải trả cho tai nạn bệnh viện khiến 8 người chết không chỉ dừng ở việc bắt ai đó phải chịu trách nhiệm, phải đền tội, mà còn là tìm ra giải pháp, đưa ra được cách giải quyết để không một bác sĩ nào, một bệnh viện nào bị lặp lại sự cố đó, gây ra tai nạn đó. Xét ở khía cạnh này, bản án của bác sĩ Lương gần như vô tác dụng. Bản án đó không giải quyết được mục tiêu phòng tránh tai nạn trong bệnh viện, cũng chẳng phải là một kinh nghiệm y khoa có thể học hỏi được.

Một khi bệnh viện còn bị quản lý bởi một quy trình lỏng lẻo, nể nang; một khi quy trình quản trị bệnh viện không được xây dựng và tuân thủ nghiêm ngặt; một khi đồng tiền vẫn tác động được để mở những cánh cửa y tế, khiến những công ty không đủ trình độ, không có chức năng, không hiểu chuyên môn nhưng là “sân sau” của ai đó... được tham gia vào những khâu quan trọng và trách nhiệm trong quy trình, thì rồi chuyện chết người vẫn có thể xảy ra.

Nan nhan tiep theo cua vu chay than
 

Khi môi trường y tế đã không còn được vô trùng, trách nhiệm phải quy cho những người chịu trách nhiệm cao nhất đối với cả quy trình quản lý bệnh viện, chứ không phải đổ lên đầu một bác sĩ trong kíp trực.

Lỗi từ vị bác sĩ trên là một phần, nhưng xét cho cùng bác sĩ ấy cũng chỉ là nạn nhân. Không mổ xẻ đến cùng vụ việc này, rồi sẽ còn những nạn nhân kế tiếp nữa. Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân sẽ luôn luôn phải chịu đựng rủi ro này: từ nguồn nước để chạy thận, tới bộ dây truyền máu, hay chiếc găng phẫu thuật... đều hàm chứa rủi ro.

Điều làm người ta xót xa là đào tạo ra một bác sĩ thực sự không dễ dàng, hệ thống bệnh viện đảm bảo mọi điều kiện để bác sĩ tập trung vào chữa bệnh cứu người, sinh mạng bệnh nhân là trên hết, thế mà thực tế vụ việc này đang chứng tỏ điều ngược lại: các bác sĩ đang phải đưa sinh mạng nghề nghiệp ra đỡ đòn cho những tắc trách trong toàn hệ thống bệnh viện.

Đúng như lời giáo sư Nguyễn Nguyên Khôi, người đã có 40 năm trong nghề chạy thận, chia sẻ tại hội thảo “Những vấn đề pháp lý đặt ra về trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương” diễn ra chiều 13/4: sau sự việc này, “tôi và những người làm nghề lọc máu cảm thấy vừa buồn vừa sợ”. 

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI