|
Nhiều bệnh nhân ngộ độc Pate Minh chay điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phải "ôm nợ" vì chi phí điều trị lớn |
Hơn 3 tháng sau khi vụ việc ngộ độc pate Minh Chay gây chấn động dư luận, tới nay, một bệnh nhân tại Hà Nội đã tử vong. Nhiều bệnh nhân từng trải qua cơn “thập tử, nhất sinh”, may mắn sống sót nhưng lại phải “ôm nợ” vì số tiền chi trả cho viện phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Mới đây, phản ánh tới Báo Phụ Nữ, 3 gia đình có con điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai bức xúc vì phía Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới không hề có “động thái” gì đối với những thiệt hại của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.
Phóng viên Báo Phụ Nữ đã liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Minh - người đồng sáng lập thương hiệu Minh Chay. Ông Minh cho biết, hiện nay phía công ty đã nhận được thông tin này và vào thăm các gia đình nạn nhân “nhiều lần”.
Ông Minh nói, tới thời điểm này, công ty chỉ lên các phương án để hỗ trợ các gia đình nạn nhân chứ không phải đền bù, bởi cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận cuối cùng về sự việc, điều tra lỗi sai ở đâu.
Với các gia đình đang phải ôm nợ vì điều trị do ngộ độc, ông Minh khẳng định đã làm việc để đưa ra mức hỗ trợ. Tuy nhiên, sau nhiều lần không thống nhất được con số cụ thể nên hai bên đã đưa ra quyết định là đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
Đáng lưu ý, vụ việc ngộ độc pate Minh Chay đã xảy ra tới nay hơn 3 tháng nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) - đơn vị cấp phép cho Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới hoạt động và công bố sản phẩm pate Minh Chay - các cơ quan bao gồm: ngành nông nghiệp, y tế, công thương vẫn “đang tiếp tục thực hiện”.
“Các cơ quan đang triển khai và xin ý kiến thành phố về các nội dung và các tỉnh cũng sẽ xin UBND của các tỉnh để thực hiện, xử lý trên địa bàn”, bà Hằng nói.
Bà Hằng cũng khẳng định, trách nhiệm thuộc về cơ sở sản xuất khi để xảy ra sự cố sản phẩm mất an toàn thực phẩm. Tức doanh nghiệp phải tiến hành bồi thường cho khách hàng.
|
Sản phẩm pate Minh Chay |
Việc chậm trễ của các cơ quan có trách nhiệm đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các gia đình bệnh nhân.
Điển hình, trường hợp bệnh nhân Trương Thị G. (26 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, tạm trú tại huyện Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai). Sau khi ăn pate Minh Chay bị biến chứng viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính và viêm phổi. Chị G. phải trải qua 3 nơi điều trị là một phòng khám đa khoa, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Từ ngày chị G. bị bệnh, ba mẹ chị phải bỏ công việc từ ngoài Huế vào chăm sóc con gái. Tới nay, dù chị G. đã hồi phục tốt về chức năng hô hấp, bắt đầu đi lại được nhưng vẫn phải ăn uống qua sonde. Gia đình bệnh nhân tiếp tục phải thuê phòng trọ gần Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để đưa con đi tập vật lý trị liệu hằng ngày. Cùng nỗi lo bệnh tật, cả gia đình chị đứng ngồi không yên với số tiền điều trị ước tính chưa dừng lại ở con số 300 triệu đồng.
Theo Ls Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư Hà Nội), theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm năm 2010, bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật an toàn thực phẩm. Trong đó, các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; bồi thường tổn thất tinh thần… theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.
Như vậy những cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm gây ngộ độc sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm dẫn tới bị ngộ độc cho khách hàng còn phải chịu các chế tài xử phạt từ các cơ quan có thẩm quyền.
Các tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
|
Huyền Anh - Lê Phong