Nạn nhân mua bán người sẽ được trợ cấp tiền khó khăn ban đầu

07/06/2024 - 15:47

PNO - Đây là đề xuất tại Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), trình Quốc hội chiều 7/6.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người, chiều 7/6
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người, chiều 7/6

Chiều nay, 7/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - đã trình Quốc hội Tờ trình về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên...

Dự án luật bổ sung quy định về hỗ trợ, bảo vệ với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, gồm hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân.

Bởi trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Công an, đây là nhóm đối tượng rất cần được hỗ trợ, bảo vệ; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng khi tiếp nhận những đối tượng này thực hiện các chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, ổn định tâm lý…) cho họ.

Đáng lưu ý, dự thảo luật bổ sung quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật hiện hành.

Cụ thể như, tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại, và tiền ăn để trở về nơi cư trú. Nạn nhân được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý; trợ giúp pháp lý.

Khi trở về, nạn nhân mua bán người được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống. Tất cả được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu…

“Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới” - Bộ trưởng Lương Tam Quang nói.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga ủng hộ sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người.

Các nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phòng chống mua bán người, Hiến pháp năm 2013; cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn một số quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP)… và các điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam ký kết với các nước như: khái niệm “mua bán người”, khái niệm “nạn nhân”…

Đồng thời, dự án luật cũng cần được rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác của hệ thống pháp luật.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI