Cái chết đã giải thoát ông khỏi nỗi giày vò khi rơi vào tình trạng trầm cảm. Ông là một nhà đầu tư, rơi vào trầm cảm sau khi bị lừa mất 3 tỷ đồng khi đầu tư bất động sản.
Cõi tinh thần mong manh
Trong bóng đêm âm u của nội tâm, chẳng ai - kể cả người thân có thể bước vào, dìu họ đứng lên, bước ra vùng sáng lạc quan. Nạn nhân của trầm cảm - dẫu không tìm đến cái chết thì hầu như phải tuyệt vọng vẫy vùng trong luẩn quẩn những ý nghĩ không tìm thấy lối ra.
Bác sĩ K. (phòng khám tâm thần ở Q.Bình Tân) cho biết, chính ông từng điều trị cho một bệnh nhân khiến ông bất ngờ. Bệnh nhân là đồng nghiệp - một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện C. (TP.HCM).
|
Hiện trường vụ bệnh nhân nổ súng tự tử tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM |
Người này tìm đến bác sĩ tâm thần sau nhiều ngày rơi vào hoang mang, sợ hãi vì bị lừa mất tiền. Sau nhiều năm làm việc, vợ chồng tích lũy khoảng vài tỷ đồng. Chỉ một lần thành công sau “thương vụ” mua đất, vị bác sĩ vô cùng hào hứng với đầu tư đất đai.
Nghe lời chào mời xuống Bà Rịa - Vũng Tàu coi đất, ông không chút mảy may đề phòng. Thời điểm này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cơn sốt đất. Sau khi nghe môi giới ở đây “thổi lỗ tai” về khả năng sinh lời, ông quyết định đặt cọc ngay. Sự tự tin sau lần thành công mua bán đất đã khiến ông bỏ qua nhiều bước kiểm tra về tính pháp lý của mảnh đất.
Vị bác sĩ đã rơi vào bẫy khan hiếm do các “kịch sĩ” môi giới đất đai tạo ra. Những nhà đầu tư “chim mồi” giả vờ tranh nhau mua mảnh đất đã khiến ông buộc phải mua ngay lập tức.
Nhiều người không biết về trầm cảm Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thực hiện khảo sát rối loạn trầm cảm trên 373 bệnh nhân đến khám tại trạm y tế của TP.HCM, phát hiện: 1/2 người không biết gì về trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Tuy nhiên, kết quả là trong 373 người có 31 ca (7,76%) bị rối loạn trầm cảm, có 9 ca (2,41%) bị rối loạn trầm cảm kết hợp rối loạn lo âu. Có hơn 65% trường hợp tập trung vào lứa tuổi học tập, lao động (từ 16-45 tuổi). Bệnh nhân có vấn đề stress với yếu tố xung đột gia đình và kinh tế là chủ yếu (52,6% và 31,6%). Ý tưởng chán sống, tự tử chiếm tỷ lệ đáng kể: 34,5%. |
Sau này nhớ lại, vị bác sĩ chẳng hiểu vì sao sẵn sàng chuyển khoản đến 2 tỷ đồng để đặt cọc những mảnh ruộng mà không cần xem một tờ giấy nào. Thậm chí, người nhận tiền cũng chưa chắc là chủ mảnh đất.
Trên đường về, ông cảm thấy bất an. Hôm sau, ông lại càng cảm thấy lo lắng dữ dội. Vội đón xe trở lại Bà Rịa - Vũng Tàu tìm người nhận tiền thì hỡi ôi, chẳng biết người này ở đâu. Tìm đến công ty môi giới, ông bị hẹn lần lữa rồi chẳng thể tìm lại tiền.
Cảm giác tức giận vì bị lừa sau đó cũng nhanh chóng lắng xuống nhường cho cảm giác xấu hổ. Vì bản thân là một trí thức, có kiến thức và cả bản lĩnh nhưng chỉ một phút xiêu lòng đã bị lừa đến tiền tỷ.
Những cảm xúc tiêu cực ngày càng lớn dần mà chẳng dám chia sẻ với ai, vị bác sĩ ngày càng chìm sâu vào căng thẳng. Tình trạng kéo dài khiến những ca mổ của ông chệch choạc. Những đêm mất ngủ liên tục khiến sáng hôm sau bàn tay cầm dao mổ bắt đầu run rẩy. Khi nhận ra đã suy sụp, ông phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, vì lúc này chẳng ai còn có thể giúp được ông.
Từng bậc thang dẫn đến nấc “thiên đường”
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TP.HCM), nhận định: bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng trầm cảm, bất kể là trí thức hay người lao động. Sự “nham hiểm” của căn bệnh này là nó xâm chiếm bệnh nhân một cách chậm rãi, kín đáo.
Ở giai đoạn đầu, sau khi nhận một cú sốc tinh thần, bệnh nhân rơi vào trạng thái rối loạn lo âu. Tình trạng này được nhận biết dưới tên gọi nôm na là “buồn buồn, chán chán”. Khi có dấu hiệu của sự lo lắng, bứt rứt, đứng ngồi không yên, mất ngủ… là lúc nên tìm đến chuyên gia tâm lý.
|
Bệnh nhân (bìa phải) đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Sự can thiệp kịp thời của bác sĩ có thể giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng trầm cảm |
Nhưng theo bác sĩ Khuyên, con người thường rất chủ quan với sức khỏe, nhất là sức khỏe tinh thần. Người ta mặc kệ, tặc lưỡi cho qua những chấn thương tinh thần. Để rồi, khi chìm đắm đủ lâu, con người chính thức bị trầm cảm xâm nhập, chiếm lĩnh. Lúc này, dấu hiệu rõ ràng nhất mà người thân nhận biết là tình trạng mất ngủ của bệnh nhân.
Trong những đêm thao thức, họ liên tục trách mình trước các biến cố, dằn vặt vì sai lầm bản thân. Sau khoảng hai tuần mất ngủ, bệnh lý tinh thần đã bộc lộ thành bệnh lý thể chất như nhịp tim tăng, rối loạn tiêu hóa, khó thở, hồi hộp…
Thêm một bước nữa, khi trong tâm trí u tối, xuất hiện ảo giác và ảo thanh, là lúc người bệnh đã hoàn toàn trở thành nơi trú ngụ của tình trạng trầm cảm có loạn thần. Những tiếng nói liên tục xuất hiện trong đầu như: “hãy chết đi, sống làm gì”, “mi là người bất tài”…
Bệnh nhân bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến “đi xa” của đời mình. Điều này biểu hiện rõ bằng dấu hiệu bên ngoài là họ thổ lộ ý muốn tự tử. Nhưng có người dừng lại, không dám thực hiện vì sợ đau.
Rất nhiều người đã bước qua ranh giới này khi quyết định thử một lần nhưng bất thành. Ý nghĩ tự tử sẽ dồn dập xuất hiện, yêu cầu bệnh nhân phải thực hiện. Họ chỉ có một con đường để lựa chọn là thực hiện điều đó, từ cắt tay, nhảy lầu, uống thuốc… Sau một, hai lần bất thành, nếu không có sự hỗ trợ của bác sĩ, bệnh nhân sẽ thành công trong các lần thử tiếp theo.
Theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, khi bác sĩ phát hiện dấu hiệu này của bệnh nhân, phải chỉ định họ vào điều trị tại bệnh viện tâm thần. Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều hòa nhịp tim…
Thậm chí cho choáng điện để phá đi những ý nghĩ rồ dại của họ. Bệnh nhân phải được cố định ở giường hoặc luôn có người để mắt theo dõi. Nếu điều trị kịp thời, chỉ sau từ 3-6 tháng, bệnh nhân sẽ vượt qua giai đoạn trầm cảm, trở về với cuộc sống bình thường.
Theo Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, điều tra dịch tễ cắt ngang về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp trong dân chúng cho thấy, 16% dân số TP.HCM có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, trầm cảm chiếm 6%, rối loạn lo âu 7%.
Những biểu hiện thường gặp ở người trầm cảm Nét mặt trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi. Mất hứng thú trong cuộc sống. Đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích gần vợ gần chồng; thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm. Ăn ít, không ngon, lạt miệng. Trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe. Khó tập trung, do dự không quyết được. Hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết. Có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý; có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận, quạu quọ. Gắng gượng làm hết việc, cảm thấy bế tắc. Tự nghĩ chán đời như có lỗi với người thân, gia đình, tự ti vì thua người, trở nên vô dụng, không đáng sống, nghĩ về cái chết và đôi khi tìm cách chết. (Nguồn: Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) |
Hoàng Hoa