Nạn nhân của nạn buôn người lên tiếng: Lời cảnh tỉnh cho những ai nhẹ dạ cả tin

16/10/2023 - 06:41

PNO - Sau khi Báo Phụ nữ TPHCM đăng loạt bài “Nạn mua bán người vẫn nhức nhối từng ngày”, nhiều bạn đọc là nạn nhân của hoạt động phạm pháp này đã lên tiếng. Họ mong muốn câu chuyện bi kịch của cuộc đời mình sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai đang muốn đổi đời bằng “việc nhẹ, lương cao”.

Ngày trở về trong nước mắt 

Sau 5 năm bị bán sang xứ người, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng chức năng nước sở tại, Tổ chức Rồng Xanh và Bộ đội biên phòng Việt Nam, Hồ Thị Th. (27 tuổi, dân tộc Pa Cô, trú tại xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã may mắn được trở về với người thân. 3 tháng sau khi được giải cứu, nhớ lại quãng đời tủi nhục, chị Th. rùng mình, nước mắt trào ra.

Ngày 30/6/2023 là một ngày đáng nhớ của đại gia đình Th. và bà con xã A Vao. Khi chuyến xe đưa chị Th. dừng lại ở đầu làng, cả bà nội, cha mẹ, anh chị em của chị đã bật khóc. Họ không thể tin được chị lại có thể trở về một cách an toàn sau 5 năm mất tích.

Bà Lu Thị Mỹ - mẹ anh T. - trò chuyện với phóng viên - ẢNH: HUỲNH LỢI
Bà Lu Thị Mỹ - mẹ anh T. - trò chuyện với phóng viên - Ảnh: Huỳnh Lợi

5 năm trước, vì mong có cuộc sống ổn định, Th. (22 tuổi) đã để lại con nhỏ cho chồng vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Nhưng do sức khỏe yếu và nhận thức thấp nên chỉ sau 20 ngày, Th. bỏ việc. Đang trong lúc không biết làm gì để duy trì cuộc sống thì “một người anh tốt bụng” làm cùng công ty giới thiệu Th. đi làm việc cho nhà chị gái với mức lương 6 triệu đồng, bao ăn ở.

Sau cuộc điện thoại, “chị gái” gửi cho Th. 1,3 triệu đồng để mua vé xe ra Bắc. Cho đến lúc được đón và đưa lên Lạng Sơn, Th. vẫn tin là mình đang cùng mọi người đi lấy hàng cho công ty ở Trung Quốc. Sự thân mật trong những câu chuyện với “người dẫn đường” càng khiến Th. tin rằng mọi thứ tốt đẹp đang đến với mình. Qua biên giới, khi người dẫn đường hỏi “ở Việt Nam, chúng nó đưa cho cha em bao nhiêu tiền?” thì Th. mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Th. lấy điện thoại gọi cầu cứu chị chồng, nhưng không kịp nói hết câu. Bị dọa nạt, chị chỉ còn biết ngoan ngoãn nghe lời.

Sau khi lội bộ qua biên giới, lên xe ô tô, rồi tàu hỏa và di chuyển suốt “3 lần mặt trời lặn”, Th. được đưa vào 1 phòng kín. Nhận thấy gia đình mua mình có ô tô, nhà cửa khang trang, Th. cũng cảm thấy an tâm phần nào và nghĩ rằng, nơi này không đến nỗi tệ. Tuy nhiên, ngay hôm sau, chị nhận ra mình đang rơi vào “địa ngục trần gian”. Th. bị nhốt trong nhà, không có điện thoại, không có tiền. Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng, Th. phải thức dậy để nấu ăn, khi mọi người ăn xong, còn thừa, chị mới được ăn, hết thì nhịn đói. Th. phải đi làm ngoài ruộng và luôn có người canh chừng. Khổ cực là thế nhưng Th. luôn bị những người trong nhà mắng nhiếc, chửi rủa. Gần như đêm nào Th. cũng khóc. Khóc vì nhớ nhà, khóc vì tủi nhục cho thân phận của mình. Chị bảo, chị không biết ngày tháng, chỉ khi đến tết thì biết 1 năm đã trôi qua.

Th. đã từng bỏ trốn, nhưng lần ấy, vừa tới trước cổng cơ quan công an nước sở tại thì nhà chủ cũng tìm đến bắt chị về. Họ đe dọa, nếu trốn lần nữa sẽ không bao giờ có cơ hội sống. Cuộc sống địa ngục kéo dài, nhưng nỗi nhớ cha mẹ đã tạo động lực để chị kiên nhẫn chờ đợi cơ hội thoát thân. Và vận may đã tới, tối hôm ấy cả nhà ăn tiệc, ai cũng ngà ngà say nên đưa cho chị chùm chìa khóa bảo khóa cổng. Cơ hội đã tới, dù rất hồi hộp nhưng chị vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh đi ra cổng. Nhưng chị không khóa cổng mà tiếp tục dọn dẹp, rồi tắt điện. 1 giờ sáng, đoán mọi người đã ngủ say, Th. trở dậy, nhẹ nhàng mở cửa, không mang theo bất cứ thứ gì và theo lối mòn mà chạy. Đến nơi đông người, sau khi hỏi thăm, vài người đã hỗ trợ chị tìm đến đồn công an. Sau đó, chị được trở về quê hương như một kỳ tích.

Suýt bỏ mạng nơi xứ người

Từ cuộc gọi của bạn đọc, chúng tôi đến khu dân cư ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) để ghi lại câu chuyện của Trần Văn Hào - 19 tuổi, người từng bị kẻ xấu lừa bán sang Campuchia. Trong căn nhà cấp 4, Hào vẫn còn khiếp sợ mỗi khi nhớ đến những lần bị tra tấn, đánh đập dã man nơi xứ người. Hào kể, do kinh tế gia đình khó khăn, trình độ thấp, không thể đi làm cho các công ty, nên vào tháng 3/2022, thông qua mạng xã hội, Hào được giới thiệu “việc nhẹ, lương cao” mà không cần trình độ, nên đã nghe theo.

Anh được hẹn đến khu vực vườn nhãn nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng để được đưa lên TPHCM, rồi đưa sang Campuchia. “Ở đây, em bị giam lỏng, bị yêu cầu làm việc từ 17-18 tiếng mỗi ngày bằng hình thức lập nhiều nick Facebook giả phụ nữ để lôi kéo, chào mời những người đàn ông trung niên, giàu có trên khắp thế giới nạp tiền vào app trò chơi trên mạng (danh nghĩa là hùn vốn làm ăn, nhưng thực chất là lừa đảo), đánh bạc trực tuyến, chơi tiền ảo… với doanh số phải đạt khoảng 20.000 USD mỗi tháng. Nếu không hoàn thành sẽ bị bọn chúng đánh đập bằng cây sắt, roi điện, bỏ đói hoặc bị bán qua các công ty khác” - Hào kể.

Anh cho biết thêm, do trình độ học vấn thấp và khả năng am hiểu về công nghệ không cao nên anh thường không đạt chỉ tiêu doanh số, nhiều lần bị đánh đập và bị bán qua tay cả chục công ty với giá hàng ngàn USD mỗi lần, số tiền chuộc vì thế cũng được bọn chúng nâng lên từ 5.000-7.000 USD nếu muốn hủy hợp đồng lao động. Thấy không thể “sống được” nơi xứ người với nhóm lừa đảo, Hào đã lén giấu điện thoại trong quần lót và tìm cách liên lạc với gia đình. 

Chị Hồ Thị Th. (thứ tư từ trái sang) về lại mái ấm gia đình ở xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị sau 5 năm bị lừa bán sang Trung Quốc - ẢNH: THUẬN HÓA
Chị Hồ Thị Th. (thứ tư từ trái sang) về lại mái ấm gia đình ở xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị sau 5 năm bị lừa bán sang Trung Quốc - Ảnh: Thuận Hóa

Nhận được thông tin của Hào, sau khi cân nhắc, cha của anh đã trình báo với cơ quan công an để nhờ giải cứu. Ngày 11/9/2022, các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu phối hợp với lực lượng nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia và tổ chức trẻ em Rồng Xanh đã giải cứu Trần Văn Hào. 

Cũng tại Bạc Liêu, ở vùng biển Đông Hải, anh Giang Quốc T. (42 tuổi, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) đã suýt mất mạng cũng vì nghe lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” ở Myanmar. Dù được về nhà đã vài tuần nhưng anh T. vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì đã xảy ra nơi xứ người. Anh cho biết: “Trước đây tôi mưu sinh bằng nghề lái xe. Nhưng do công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, nên muốn tìm công việc khác. Một người phụ nữ Myanmar đã giới thiệu tôi sang bên đó làm việc công ty với thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi tháng, nên tôi nghe theo. Nhưng sự thật không như vậy. Bọn chúng đưa tôi vào một tòa nhà cao tầng, ở chung với một số lao động Việt Nam khác, họ ép tạo các tài khoản game để lừa đảo mọi người ở khắp nơi. Tôi không làm nên bị bọn chúng đánh đập, nhốt không cho ăn suốt 4 ngày, đồng thời yêu cầu gia đình gửi hàng trăm triệu đồng qua chuộc”. 

Bà Lu Thị Mỹ - mẹ của anh T. - rơm rớm nước mắt: “Khi nghe tin đứa con trai duy nhất của mình bị giam giữ ở Myanmar và đòi tiền chuộc cả trăm triệu đồng, cả nhà phải chạy đôn chạy đáo vay nợ, nhưng không đủ. Cùng đường nên gia đình phải cậy nhờ công an”. Bà Mỹ được ngành chức năng hướng dẫn các biện pháp bảo vệ và bình tĩnh tìm cách ứng phó. Tại Myanmar, khi phát hiện nhóm người bảo vệ sơ hở, anh T. đã tìm cách trốn ra ngoài và gặp được 1 người phụ nữ Việt Nam giúp đỡ liên lạc về nước. Ngày 25/8/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với tổ chức trẻ em Rồng Xanh giải cứu anh T. khỏi đường dây lừa đảo ở Myanmar và đưa về Hà Nội. Ngày 7/9/2023, anh T. được trở về gia đình. 

Thuận Hóa - Hà Trúc - Huỳnh Lợi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI