Nạn nhân bạo lực giới, sao không chịu tự cứu lấy mình?

28/10/2021 - 06:07

PNO - ​Bạo lực liên quan đến giới tính không phải là chuyện mới mẻ, nhưng gần đây nó đang có nhiều biến tướng hơn. Sau bài viết "Bị "cưỡng bức" yêu: Đừng tiếp tay trong im lặng!" (đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 25/10/2021) nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Phải chăng trong bối cảnh xã hội hiện đại đang cho phép bất kỳ ai cũng có thể có những công cụ hòng dễ dàng thao túng người khác? Làm sao các nạn nhân mới có thể cứu được bản thân và góp phần đẩy lùi vấn nạn này?

>>Bị "cưỡng bức" yêu: Đừng tiếp tay trong im lặng!

Phụ nữ hãy đứng thẳng dậy!

Ở khía cạnh giới, nếu như trước đây người đàn ông (chồng, người yêu mới lẫn cũ) chỉ có thể dùng lời nói hoặc vũ lực để đe dọa phụ nữ, thì hiện nay họ có thể đưa những hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội để khống chế một cách dễ dàng. Theo ông Đặng Khánh An - tâm lý gia lâm sàng tại phòng khám tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - đấy là biến tướng của tình trạng bạo hành tinh thần trên cơ sở giới. “Mục đích của hành vi này là đánh thẳng vào cảm giác tự tôn của phụ nữ. Nghĩa là bằng mọi cách làm cho người nữ bị đe dọa sẽ bị đánh mất cái tôn nghiêm, những hình ảnh tốt đẹp về bản thân, từ đó khiến họ phải quy phục những đòi hỏi, những nhu cầu của đàn ông” - ông An nói.
 

Chuyên gia tâm lý Đặng Khánh An đang tư vấn cho một nữ thân chủ
Chuyên gia tâm lý Đặng Khánh An đang tư vấn cho một nữ thân chủ

Trao đổi về các trường hợp chị em kêu cứu liên quan đến bạo hành tinh thần từ người tình hay chồng cũ mà Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp nhận, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Tú (Đại học Ottawa, Canada) cho rằng có nguyên nhân nằm ở mối tương quan. Sở dĩ có việc ép quan hệ tình dục hay “tống tiền” là bởi chính người đàn bà đã cho phép hành vi đó. Như thế nó mới có thể xảy ra và lặp lại. “Tôi nghĩ, nếu người nữ đó dám đứng thẳng lên, chỉ thẳng tay vào mặt, thậm chí tát thẳng vào mặt người đàn ông kia và rằng “tôi sẽ tố cáo những hành vi đó!”, thì anh ta sẽ không dám nghĩ tới chứ đừng nói là thực hiện” - bà Tú nêu. 

Nguyên nhân thứ hai của bạo lực giới còn nằm trong văn hóa “trọng nam khinh nữ” - người phụ nữ phải phục tùng đàn ông.

Và nguyên nhân khác, theo bà Tú, người nữ thường bị lệ thuộc vào tính dục và tài chính khiến họ ngày càng bị lún sâu vào bạo lực. “Tôi không hề bênh đàn ông, nhưng vấn đề bạo hành xuất phát từ cả hai phía. Bạo hành tinh thần hay thể xác đều có sự hợp tác của người phụ nữ mới dẫn đến sự thường xuyên và kéo dài. Điều này dễ thấy trong các đôi bạn tình của nhau. Ở phía người nữ, đó hoàn toàn là chọn lựa của họ. Có bốn yếu tố liên quan là trình độ học vấn, niềm tin, tài chính và sự nghiện ngập của nạn nhân. Ở đây là vấn đề nghiện tính dục. Có người vợ bị chồng đánh dập dụi nhưng chỉ sau vài ngày đi lánh nạn là lại đòi về nhà vì... nhớ chồng. Hỏi tại sao bị đối xử như vậy mà vẫn muốn quay về, chị ta trả lời: Sau khi đánh thì chồng lại ôm hôn và chị ta nhớ cái ôm hôn đó. Thế nghĩa là sự tự nguyện bị bạo hành” - bà Tú phân tích.

Và theo bà Tú, để giải quyết vấn đề này, ngoài sự can đảm của bản thân nạn nhân cần có sự can thiệp đủ mạnh của cộng đồng để giúp phụ nữ tỉnh ngộ. Khi “nghiện ngập” người ta không thể sáng suốt, nếu cộng đồng không có giải pháp tách họ ra, cho họ tỉnh. Một trong những giải pháp hữu hiệu là cần có thêm nhiều mái ấm cho nạn nhân bạo lực giới. Ở nơi đó, họ được tổ chức cho trú ngụ theo hình thức cấp cứu tinh thần một vài tuần. Tốt hơn nữa, các mái ấm có thể đào tạo, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho họ. Đó là mô hình vừa đón tiếp lúc khó khăn, vừa giáo dưỡng để tách nạn nhân ra khỏi tình trạng hiện tại.

Phải can đảm lên tiếng hỗ trợ mới hiệu quả

Ông Đặng Khánh An cho rằng, phần lớn nữ nạn nhân không nắm bắt đủ các quy định pháp luật liên quan đến xử lý bạo lực giới, bạo lực tinh thần, thể chất cũng như tình dục. Hơn nữa, mạng lưới hỗ trợ xã hội cũng còn mỏng manh. Đa số khi lâm vào các tình huống, ví dụ bị tống tiền hay bị đe dọa bằng một clip nóng có nguy cơ phát tán, nạn nhân thường không biết xử lý thế nào, không biết kêu cứu ở đâu, lúng túng trong tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ. Số ít tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ người thân nhưng cũng không dám nói hết sự thật. “Cần mở rộng các kênh giao tiếp và lên tiếng, nhất là với những nơi mình sẽ nhận được sự hỗ trợ về pháp luật như công an, các dịch vụ tư pháp. Các cơ quan đó sẽ có hướng dẫn cần thiết để nạn nhân xử lý sang bước tiếp theo và dần thoát ra khỏi sự kiểm soát của kẻ bạo hành, nắm được thế chủ động” - ông An khuyên các nạn nhân.

Thế nhưng, làm sao để người phụ nữ can đảm vượt qua nỗi sợ hãi khi phải lên tiếng, phải phơi bày sự việc? Theo ông An, trước hết cần cho nạn nhân hiểu “lên tiếng” là “ải đầu tiên” phải vượt qua trên con đường đấu tranh. “Ải” này không qua được, những bước tiếp theo sẽ không thể. “Trên thực tế, các hành vi bạo lực, đe dọa… luôn đi kèm mối quan hệ - tức thủ phạm phải có mối quan hệ gì đó với nạn nhân. Nạn nhân thông thường sẽ cảm thấy bị mắc kẹt trong mối quan hệ này nhiều hơn là căng thẳng liên quan đến nỗi sợ thông tin sự việc bị phơi bày. Họ sẽ nghĩ mối quan hệ với chồng cũ chẳng hạn có thể ảnh hưởng đến gia đình, con cái và thường sẽ lo cho những người thân này hơn là nghĩ tới nguy cơ cho bản thân. Và đây chính là điều mà kẻ bạo hành dùng để khống chế” - ông An dẫn giải. Do vậy, sự đồng hành của gia đình cũng hết sức quan trọng.

Tương tự quan điểm của bà Tú, ông An cho rằng, tại Việt Nam, “thủ phạm” thường không có tính toán, sắp đặt kế hoạch mà phần lớn xuất phát từ thói quen hoặc từ sự bột phát vì một nhu cầu nào đó. Cho nên, nếu nạn nhân hành xử đúng cách, kẻ bạo hành sẽ phải điều chỉnh hành vi. Ngược lại, nếu phụ nữ cứ để cho họ kiểm soát mình tức là mình tự nguyện “mắc kẹt” trong mối quan hệ đó và tiếp tay cho các hình thức bạo hành. “Trong nhiều trường hợp, bản thân phụ nữ cũng không cho phép mình bước ra khỏi sự thao túng của người khác và có nhiều cách lý giải cho điều đó. Nhưng nạn nhân phải can đảm lên tiếng cho những bất công thì những hỗ trợ của cộng đồng, người thân mới hiệu quả” - ông An cho hay. 

Thiếu nghiên cứu chuyên sâu về bạo lực giới

Theo tâm lý gia lâm sàng Đặng Khánh An, tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là những nghiên cứu về rối loạn nhân cách. Nhìn chung, tính cách của người Việt mang dạng thức ức chế. Chúng ta sống và bị ảnh hưởng nhiều bởi các luật lệ cộng đồng, thiên về các nguyên tắc ứng xử xã hội, nên có xu hướng làm những điều gì xã hội chấp nhận, mong đợi hơn là những điều liên quan đến động cơ cá nhân. Điều này giúp giảm bớt một số hành vi nguy hiểm, quá mức so với sự chấp nhận của xã hội. Vì thế chúng ta ít thấy những hành vi giết người liên quan đến bạo lực giới. Tuy nhiên, dù chưa hiểu rõ lý do vì sao nhưng theo ghi nhận, so với các thập niên trước, mức độ và hình thức giết người liên quan bạo lực giới gần đây có tăng lên.

Theo phỏng đoán, đang có những vấn đề liên quan đến rối loạn nhân cách nhưng lại không có những nghiên cứu nghiêm túc, bài bản, quy mô.

Tạm thời có thể hình dung hai vấn đề, rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách. Rối loạn hành vi thường chỉ dừng lại ở mức liên quan bạo hành. Đối với người rối loạn nhân cách, nhất là có những rối loạn mang tính chất bệnh lý nặng, họ có thể có những hành vi giết hại.

Cha mẹ hãy nhìn vào những đứa con để thay đổi quan niệm, lối sống

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Tú, trong một ca bạo lực giới trong hôn nhân, nếu cả hai nhìn thẳng vào những đứa con, chắc chắn ai cũng thấy đó là những nạn nhân đầu tiên của các xung đột. “Tôi mời gọi cha mẹ hãy nhìn vào những đứa trẻ của mình. Các cháu thiếu thốn, đói khát, khủng hoảng về tinh thần cũng như vật chất, người làm cha làm mẹ nếu có ý thức: những đứa con của mình sinh ra cần được yêu thương thì phải thay đổi quan niệm, lối sống. Đó là giải pháp cấp bách trong lúc này” - bà Tú nói.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI