Nán lại Sài Gòn chở kiểng, kiếm tiền triệu mỗi ngày

22/01/2020 - 07:00

PNO - Thay vì 24, 25 tháng Chạp là về quê ăn tết, Phú Hữu – một tài xế xe ôm cho biết năm nay anh về quê muộn hơn để ở lại Sài Gòn chở kiểng thuê, kiếm tiền tiêu tết.

Những ngày cuối năm, tại các điểm bán hoa như Công viên Gia Định, Lê Văn Tám, 23-9 hay điểm bán hoa kiểng tết ở Bến Bình Đông (Quận 8), đường Thành Thái (Quận 10),… nhộn nhịp người mua hoa kiểng và tài xế xe ôm, xe chở hàng, xe tải cỡ nhỏ sẵn sàng túc trực chờ chở kiểng cho khách.

Tập trung xe thành từng cụm tại các điểm bán quất, đào, mai, cúc ở Công viên Gia Định, nhóm tài xế sẽ tản ra khi có khách mua hoa kiểng để nhận chở về nhà cho họ. Anh Phú Hữu (quê Long An) cho biết, bình thường anh làm tài xế xe công nghệ, dù cận tết có nhiều cuốc xe khách hơn nhưng anh vẫn bỏ chạy, gắn thêm baga phụ sau xe để chở kiểng tết.

Với mỗi cuốc xe, anh lấy từ 100.000 đồng/cặp tùy thuộc chậu lớn, hàng cồng kềnh hoặc quãng đường xa - gần sẽ có cách tính khác nhau. “Nhiều khách thấy tôi đưa kiểng về nhà an toàn, không rơi rụng còn “bo” thêm tiền cà phê” - anh Hữu nói.

Nhiều tài xế xe ôm
Nhiều tài xế xe ôm "bỏ khách" để lượn quanh các điểm bán hoa, kiểng mưu sinh ngày cận tết. Ảnh: Quốc Thái

Theo anh Hữu, nếu ngày thường chạy xe ôm kiếm vài trăm nghìn, thì ngày giáp tết chở kiểng bằng xe máy, nếu chịu chạy cũng kiếm được hơn triệu đồng mỗi ngày, cao điểm có ngày anh kiếm được 2-3 triệu đồng.

“Mấy năm trước tôi về quê sớm lắm, cứ 23 cúng ông Táo hoặc trễ nhất 25 tháng Chạp là về rồi. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây là đến 29, 30 mới về vì cứ 3 ngày tết kiếm tiền gần bằng cả tháng chạy xe bình thường” - anh Hữu kể.

Làm nghề chạy xe thùng, chở hàng, chuyển trọ, anh Hùng (ở Quận 8) cho biết mấy ngày tết anh móc nối với các chủ bán hoa dọc Bến Bình Đông để chở quất kiểng, mai tết. Tuỳ thuộc vào quãng đường, món hàng, thời gian vận chuyển,… mà anh Hùng sẽ có mức giá khác nhau, dao động từ 250.000-800.000 đồng/cuốc xe.

Nhiều loại kiểng tết đặc thù phải chở bằng xe thùng thay vì xe máy vì rất dễ rơi, rụng. Ảnh: Quốc Thái
Nhiều loại kiểng tết đặc thù phải chở bằng xe thùng thay vì xe máy vì rất dễ rơi, rụng. Ảnh: Quốc Thái

Theo anh Hùng, vận chuyển cây cho các điểm bán kiểng có nhiều cái lợi cho người bán; khách và người bán tự thoả thuận với nhau về việc vận chuyển, ví dụ bớt tiền kiểng thì khách hàng trả tiền vận chuyển, nếu người bán "bao" phí vận chuyển thì hầu như sẽ cộng chi phí đó vào giá thành cây của khách.

“Đây cũng là chiêu bán được kiểng, nhiều người e ngại cây lớn, đường xa, công vận chuyển đắt nên khi được vận chuyển miễn phí, khách hàng sẽ bớt trả giá, nhanh tay xuống tiền cho món hàng hơn” - anh Hùng chia sẻ.

Những ngày cao điểm, anh Hùng kiếm được khoảng 3-4 triệu đồng nhưng khá vất vả vì nhiều chậu kiểng rất nặng, phải khênh lên và xuống xe cho khách.

“Nhiều khách nhờ khiêng lên 3-4 tầng lầu, chưa kể những phát sinh khi vận chuyển như rụng hoa hoặc trái, nặng hơn là gãy cành thì bị khách phàn nàn, đòi bớt tiền vận chuyển” - anh Hùng nói thêm.

Trả giá 2 chậu cúc vàng xuống còn 800.000 đồng, một khách hàng phải trả thêm 200.000 đồng cho 2km vận chuyển về nhà. Ảnh: Quốc Thái
Trả giá 2 chậu cúc vàng xuống còn 800.000 đồng, một khách hàng phải trả thêm 200.000 đồng cho 2km vận chuyển về nhà. Ảnh: Quốc Thái

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phương (ở Quận Gò Vấp) cho biết, tiền mua hoa đã đắt, tiền vận chuyển hoa còn đắt hơn, đặc biệt trong những ngày giáp tết. Chị chỉ 2 chậu cúc mua vào chiều 24 tết có giá 800.000 đồng nhưng tiền vận chuyển đã là 200.000 đồng, trong khi nhà chị chỉ cách điểm bán hoa chưa đầy 2km.

Theo chị Huyền, chủ điểm kinh doanh lan hồ điệp tại đường Thành Thái, thông thường khách đến đây mua sẽ được miễn phí giao hàng ở các quận trung tâm hoặc gần điểm bán, nhưng hạn chế của việc vận chuyển hoa bằng xe máy là tài xế không có kinh nghiệm quẹo cua, hoặc dễ va quẹt làm rụng hoa, gãy cành.

Quốc Thái

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI