Có nhiều nguyên nhân và cách lựa chọn cái chết khác nhau, nhưng cỗ xe đưa người trong cuộc sang thế giới bên kia chính là sự bế tắc, chán chường. Nhắc lại chuyện đã xảy ra mười năm trước, chị Nguyễn Thị Hương (ngụ P.14, Q.4, TP.HCM) vẫn không ngăn được nước mắt. Mới 16 tuổi, Hồng Thảo, em gái chị Hương đã bỏ học đi theo người yêu là một tay cờ bạc ở tỉnh Bình Dương. Chị Hương và gia đình can ngăn hết lời nhưng càng can ngăn, Thảo càng lao đi như con thiêu thân. Khuyên không nghe nên dần dà, gia đình bỏ mặc Thảo “khôn nhờ, dại chịu”. Kết quả cuộc tình nông nổi của Thảo là một đứa bé chào đời trong sự ghẻ lạnh, vô thừa nhận của cả hai bên nội ngoại.
Lời cảnh báo của gia đình không sai, Thảo chỉ hạnh phúc chóng vánh trong vài tháng rồi lao đao, khốn khổ triền miên vì chồng Thảo không chỉ cờ bạc mà còn là một con nghiện. Thảo thường bị chồng đánh đập để đòi tiền hút chích. Việc buôn bán nước giải khát của Thảo cũng gặp khó khăn do thiếu vốn, nợ nần. Dù vậy, Thảo chẳng dám mở lời than van hay nhờ người thân giúp đỡ. Không cam lòng, chị Hương có lần tìm đến chia sẻ và giúp đỡ Thảo tiền bạc nhưng chỉ như “muối bỏ biển”. Chị khuyên em gái, cuộc sống luôn có lối thoát, nếu không hạnh phúc thì ly hôn.
Dù cố gắng, nhưng chị Hương chẳng thể thường xuyên kề cận khuyên bảo em. Một ngày, Thảo nhá máy cho chị Hương nhiều lần. Bận việc, chị Hương chưa kịp gọi lại hỏi han. “Chị tới nhà trọ em nhe! Liền chị nhé! Em muốn gặp chị lần cuối” tin nhắn đến lúc giữa khuya, chị Hương không đọc kịp. Sáng ra, chị nhận hung tin Thảo đã ôm đứa con hai tuổi nhảy xuống sông tự vẫn. “Lúc thấy em có những dấu hiệu chán sống, mình không bỏ hết việc để chạy đến với em, để giờ đây phải day dứt, ân hận”, kể lại chuyện cũ, chị Hương bật khóc tức tưởi.
Nhà giáo Phan Thúc Xán (Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp - tâm lý - giáo dục trẻ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến người ta rơi vào tình trạng không thiết sống: cùng quẫn về kinh tế, bạn đời ngoại tình, bị bạo hành, căng thẳng kéo dài. Cuộc sống không bình lặng, đòi hỏi liên tục thích nghi khiến con người dễ rơi vào hụt hẫng, mất phương hướng, thất vọng. Đời sống tâm lý bị trục trặc, rối loạn…
Ý nghĩ kết thúc cuộc sống ập đến khi người trong cuộc bị căng thẳng tột bực, bị đối xử tệ bạc hoặc đứng trước tình trạng quá ngưỡng chịu đựng, cảm nhận mình đuối sức, không thể chống chọi với khó khăn của cuộc sống. Khi đó, người ta có xu hướng tìm đến cái chết như lối thoát, đồng thời lại nghĩ, con trẻ để lại không ai nuôi, cuộc sống chúng rồi cũng sẽ khổ, nên đã “giải thoát” cho con. Ở nhiều trường hợp, bên cạnh nguyên nhân tâm trạng bế tắc, người trong cuộc tìm đến cái chết như sự trả thù: “Với những gì đã gây ra, anh sẽ phải trả giá bằng nỗi đau lớn hơn”.
Có sự lẫn lộn về mặt giá trị trong suy nghĩ của thủ phạm - nạn nhân ấy. Quan điểm của họ ít nhiều lệch lạc, ích kỷ: “Tôi tạo ra con, tôi có quyền tước đi mạng sống của nó”. Nhưng, không ai được quyền quyết định thay cho cuộc đời của người khác, dù đó là sinh linh do mình tạo ra. Dù giữa mình với người bạn đời có thế nào đi nữa thì trách nhiệm với con vẫn là điều quan trọng hàng đầu.
Cần học cách hóa giải mâu thuẫn
Chị Trần Hoàng Tâm (chủ tiệm vàng, ngụ Q.6, TP.HCM) là người may mắn trở về từ “địa ngục”. Sáu năm trước, sau thời gian dài khổ sở vì ghen tuông, chị bắt quả tang chồng đang “mây mưa” với chính cháu gái của mình. Bàng hoàng, đau đớn, chị mua thuốc ngủ định kết thúc cuộc sống của hai mẹ con. Chị nói chuyện lần cuối mong nhận được từ anh những lời hối lỗi, nhưng không… Tức giận, chị nuốt hết vốc thuốc trước mặt chồng; anh ta chẳng can ngăn còn chửi bới, sập cửa bỏ đi. Tiếng sập cửa cùng sức nóng bắt đầu nhen lên trong ruột gan khiến chị choàng tỉnh: “Mình chết vì người như thế có đáng không? Người ta có hối hận không? Có nghĩ lại mà thương mình? Con mình thì sao, rồi cha mẹ?”. Chị vùng chạy ra đường bắt taxi đến bệnh viện cấp cứu…
Để phòng tránh lâm vào bước đường cùng, mỗi người cần mạnh mẽ vượt lên, tự chủ về mọi mặt, không lệ thuộc vào người khác. Một trong những cách giảm sốc là trang bị kiến thức, kỹ năng tiền hôn nhân, học yêu bản thân, hóa giải mâu thuẫn. Nhiều người ngộ nhận rằng hôn nhân là sự tiếp diễn của tình yêu, nên dễ vỡ mộng. Thực ra, kết hôn là bắt đầu bước vào giai đoạn mới của tình yêu, khi đó sắc thái của tình yêu đã đổi khác.
Có… 1001 khúc quanh khắc nghiệt của cuộc sống mà con người buộc phải đối mặt. Những dạng người nào dễ bị đẩy đến ngưỡng để phải tìm đến lối thoát tiêu cực ở khúc quanh ấy? Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), so với người nóng nảy, bốc đồng thì người tự tin, điềm đạm, đằm tính biết suy trước nghĩ sau, đánh giá đúng sự vật hiện tượng, nhìn nhận thấu đáo sẽ vững vàng, đỡ chông chênh hơn.
Ngay từ bé, cha mẹ nên dạy trẻ sự bao dung, chấp nhận những lời bình phẩm, chê trách hay tác động từ người khác. Trẻ thường hậm hực, tự ti, thiếu kiềm chế cảm xúc rất dễ bị sang chấn tâm lý. Cha mẹ cũng cần dạy con sống có trách nhiệm, sống chan hòa, biết chia sẻ, biết “cho”, tạo điều kiện để con rèn luyện kỹ năng vượt qua những trở ngại của cuộc sống.
Khả năng thích nghi là rất quan trọng đối với mỗi người. Trước những gút mắc, bất đồng, nên thẳng thắn bày tỏ để dung hòa, điều chỉnh. Nếu người bạn đời không thể thay đổi được thì có thể giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đó. Ly hôn là trải nghiệm không đáng có nhưng vẫn còn con đường ở phía trước và còn trách nhiệm với nhiều thứ. Mặt khác, mỗi người cần có điểm tựa tinh thần vững chắc để có thể chia sẻ, giải tỏa những vấn đề tưởng không thể vượt qua. Thực tế, khi vượt qua được những khúc quanh, ngoái đầu nhìn lại, sẽ cảm thấy điều ấy không đáng để mình đánh đổi cuộc sống quý giá.
TÔ DIỆU HIỀN
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM): Cần có sự quan tâm, trợ giúp kịp thời
Ngày xưa, đời sống thiếu thốn, vất vả hơn nhưng mỗi cá nhân đều được gia đình, dòng họ bao bọc, “lá lành đùm lá rách”… Khi giềng mối gia đình, dòng tộc, hàng xóm trở nên lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm lẫn nhau sẽ khiến “người trong cuộc” vô vọng, trong khi họ rất cần bờ vai, bàn tay trợ giúp kịp thời. Trong nhiều trường hợp, người trong cuộc đã gõ cửa nhờ người khác hoặc chính quyền, xã hội hỗ trợ… nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, đồng nghĩa với dập tắt chút khát vọng sống còn sót lại nơi họ.
Ở những nước phát triển có phúc lợi xã hội tốt, đảm bảo phần tối thiểu có thể sống được, giúp con người có thêm chiếc neo để giữ lại sự sống trong tình cảnh bức bí. Phúc lợi xã hội, nguồn trợ giúp từ các tổ chức tôn giáo, từ thiện được ví như chiếc túi khí đỡ cho người tuyệt vọng nhảy từ lầu cao không rơi xuống nền bê tông vô cảm, nghiệt ngã; không rơi xuống sự bi thảm tận cùng. Bên cạnh đó, có những đơn vị ứng cứu nhanh sẵn sàng đến giúp trong những trường hợp bức bách mà không cần tra hỏi nguyên nhân. Họ kịp thời giúp người đang tuyệt vọng vượt qua khỏi lằn ranh sinh tử, giúp họ vượt qua giây phút “sợ sống” này.
VI SƠN (ghi)
Theo số liệu của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần phân liệt có ý muốn tự sát cao đến 10-20% và 5% đã tự sát thành công; tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm có ý muốn tự sát đến 20-30% và đã tự sát thành công đến 10%. Có những người chưa mắc bệnh lý tâm thần nhưng bị những stress cấp, sốc trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát cũng muốn tìm đến cái chết. Trong những người tìm đến Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp - tâm lý - giáo dục trẻ TP.HCM để gỡ rối những vấn đề trong hôn nhân và cuộc sống, có khoảng 2-3% từng nghĩ đến cái chết.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".