PNO - Sau hơn 3 năm sáp nhập xã, việc xử lý hàng trăm trụ sở, trường học, trạm xá, nhà văn hóa dư thừa ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm 2020, 3 xã Việt Xuyên, Thạch Tiến, Phù Việt (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được sáp nhập thành xã Việt Tiến. Trụ sở xã Phù Việt cũ được sử dụng làm trụ sở hành chính của xã mới - xã Việt Tiến, còn trụ sở của xã Việt Xuyên và Thạch Tiến dù đều mới được xây dựng và nâng cấp song bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Một trong hàng trăm nhà văn hóa xóm ở tỉnh Nghệ An bỏ hoang, cỏ mọc um tùm sau sáp nhập
Ông Nguyễn Văn Hướng - Chủ tịch UBND xã Việt Tiến - cho biết, khu vực trụ sở xã Việt Xuyên cũ rộng hơn 1.000m2 được xã này quy hoạch thành vùng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, song đến nay chưa thể thực hiện được vì chưa xử lý được tài sản trên đất. “Muốn kêu gọi nhà đầu tư thì mình phải quy hoạch hạ tầng khu đó, và xử lý được tài sản trên đất. Nhưng để xử lý được tài sản trên đất thì không đơn giản. Tài sản này hiện đang có giá trị khấu hao lớn, nhưng lại không có giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp đầu tư vào” - ông Nguyễn Văn Hướng nói.
Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh giảm từ 262 xã xuống còn 216, hình thành 34 xã mới. Quá trình sắp xếp dẫn đến toàn tỉnh thừa 46 trụ sở xã. Huyện Đức Thọ là địa phương sáp nhập nhiều đơn vị hành chính nhất tỉnh, từ 28 xã, thị trấn xuống còn 16, thừa 12 trụ sở. Ông Trần Hoài Đức - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ - nói rằng, việc xử lý tài sản công không đơn giản. Huyện này đã trình phương án xử lý các trụ sở dư thừa sau sáp nhập và đang chờ hướng dẫn từ Sở Tài chính để thực hiện.
Tương tự, nhiều năm qua, hàng chục trụ sở xã, trường học, trạm y tế và nhà văn hóa xóm ở xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cũng rơi vào cảnh bỏ hoang. Năm 2020, xã Trung Phúc Cường được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập 3 xã Nam Phúc, Nam Cường và Nam Trung. Trụ sở xã Nam Phúc cũ được chọn làm trụ sở của xã mới vì nằm ở vị trí trung tâm. Tuy nhiên cơ sở vật chất của trụ sở xã mới lại không đáp ứng được nhu cầu do cán bộ, công chức tăng lên. Trong khi đó, nhiều trụ sở làm việc khác dù mới được xây dựng tiền tỉ, rộng rãi lại không được sử dụng và dần bị xuống cấp, hoang phế.
Ông Nguyễn An Toàn - Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường - cho biết, để tránh lãng phí tài sản công, chính quyền xã đã đề nghị cho bán đấu giá đất 1 trụ sở xã, 2 trường học, 2 trạm y tế và 19 nhà văn hóa xóm. “Riêng trụ sở xã Nam Cường cũ nằm ở khu vực cạnh đền chùa nên nếu có bán đấu giá đất ở thì cũng không ai mua. Do đó chúng tôi đề xuất cho thuê dịch vụ thời hạn 50 năm. Đây mới là phương án đề xuất của xã, còn có được thực hiện hay không thì phải chờ tỉnh cho phép” - ông Nguyễn An Toàn nói.
“Nếu không bán được thì phải… hạ giá”
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương rà soát lại việc sắp xếp - xử lý nhà đất, xây dựng kế hoạch để hoàn thành công việc của năm 2023 và hoàn thành việc thực hiện trong năm 2024. Trong thời gian chưa được phê duyệt phương án xử lý thì đơn vị đang quản lý, sử dụng tài sản đó phải bảo vệ, tránh để lấn chiếm, thất thoát.
Trụ sở Tòa án nhân dân TP Vinh, tỉnh Nghệ An nằm ở vị trí “đất vàng” nhưng bị bỏ hoang nhiều năm qua
Ông Nguyễn Trung Long - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính Nghệ An - cho biết, hiện đơn vị đang tổng hợp, tiếp nhận hồ sơ xử lý tài sản sau sáp nhập từ các huyện, thị báo cáo về. “Ưu tiên số 1 là vẫn bố trí các trụ sở làm nơi tổ chức các hoạt động của xã, huyện. Nhưng muốn giữ lại các tài sản này thì phải có mục đích. Trường hợp không sử dụng đến thì buộc phải bán” - ông Nguyễn Trung Long nói. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đang thừa hơn 300 trụ sở xã, trường học, nhà văn hóa xóm không có nhu cầu sử dụng, dự kiến sẽ được tổ chức bán đấu giá trong thời gian tới.
Theo ông, tài sản công muốn bán buộc phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất là quy hoạch sử dụng đất: để bán đất xây trụ sở xã, nhà văn hóa xóm sang đất sản xuất kinh doanh thì phải quy hoạch sang đất thương mại dịch vụ. Đây là vấn đề khó khăn nhất, bởi phần lớn quy hoạch đều chưa có, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai là rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Thứ hai là quy hoạch về xây dựng: tài sản được xác định bán buộc phải có quy hoạch đất khớp với quy hoạch xây dựng. Cuối cùng là xác định nguồn gốc tài sản đó như thế nào. Với những tài sản do dân đóng góp thì muốn bán phải có sự đồng ý của người dân địa phương.
Tỉnh Nghệ An thống nhất chủ trương cho các địa phương giữ lại 100% tiền bán đấu giá các nhà văn hóa xóm để tái tạo lại nhà văn hóa. “Nhưng muốn bán cũng không dễ. Miền xuôi bán còn dễ chứ miền núi thì sẽ rất khó. Họ không biết mua rồi sử dụng vào đâu, thương mại dịch vụ không làm được, đất ở nhu cầu cũng không cao” - ông Nguyễn Trung Long nói và cho hay, nếu sau 2 lần bán đấu giá thất bại sẽ phải hạ giá khởi điểm để tiếp tục bán tài sản.
Đây cũng là tình cảnh của hàng chục trụ sở các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau sáp nhập hoặc di chuyển. Nằm ngay tại vị trí “đất vàng” trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - tuyến đường có giá đất cao nhất TP Vinh, có lợi thế rất lớn cho hoạt động kinh doanh thương mại - song trụ sở của Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đang bỏ hoang nhiều năm qua, sau khi 2 cơ quan này chuyển đến trụ sở mới. Theo ông Nguyễn Trung Long, hiện nhiều trụ sở cơ quan ban ngành dư thừa được đưa vào diện bán đấu giá, song vì gặp vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch nên chưa được thực hiện. Hơn nữa, với những trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thì cần có văn bản, quyết định xử lý của cơ quan trung ương, tỉnh chỉ là đơn vị tiếp nhận, xử lý.
Yêu cầu sáp nhập phải có phương án xử lý cơ sở vật chất dôi dư
Giai đoạn 2023-2030, Nghệ An dự kiến sáp nhập 1 thị xã và 187 xã. Để tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét tạm dừng phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở tại những đơn vị hành chính dự kiến nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính khác trong quá trình xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện sắp xếp lại cũng được yêu cầu lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công đang quản lý. Ông Nguyễn Trung Long cho biết, rút kinh nghiệm giai đoạn trước, trong đề án sáp nhập lần này, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, xã thuộc diện sáp nhập phải đưa ra phương án “xử lý” cơ sở vật chất, con người dôi dư.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.