Nan giải vấn đề phụ gia thực phẩm và công nghiệp dịp tết

15/01/2019 - 15:34

PNO - Người tiêu dùng vẫn thấp thỏm với câu hỏi: liệu thực phẩm mình ăn hàng ngày có được chế biến với phụ gia đảm bảo an toàn hay không?

Thưc hiện kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh thực phẩm dịp tết Kỷ Hợi và mùa lễ hội xuân 2019, sáng nay 15/1, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM - đã cùng đoàn kiểm tra công tác quản lý, kinh doanh chất phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên và tình hình kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, mứt tết tại chợ Bình Tây, thuộc Q.5, TP.HCM.

Trong số hơn 530 sạp với 314 hộ kinh doanh các mặt hàng tại chợ Kim Biên, hiện chỉ còn 16 hộ kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm… Qua kiểm tra, tất cả các hộ đều đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tham gia các lớp tập huấn kiến thức.

Nan giai van de phu gia thuc pham va cong nghiep dip tet
Đoàn kiểm tra tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) sáng 15/1

Trong năm 2018, BQL chợ đã tiến hành kiểm tra 23 lần, kết quả các hộ đều chấp hành tốt các quy định, dù vẫn còn một số hộ cập nhật hàng hóa nhập, xuất chưa đầy đủ, đã được nhắc nhở.

Tại chợ Bình Tây, đoàn đã thực hiện test nhanh ngẫu nhiên mẫu mứt dừa tại một sạp kinh doanh sản phẩm bánh kẹo phục vụ tết. Kết quả kiểm tra mẫu âm tính với phẩm màu công nghiệp.

Theo ông Cao Văn Thành - Phó BQL chợ Bình Tây, gần tết nguồn hàng về nhiều, BQL phải tăng cường lịch kiểm tra, bên cạnh đó luôn tuyên truyền cho tiểu thương nâng cao nhận thức kinh doanh mặt hàng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, kết quả kiểm tra đã khả quan hơn năm trước, các vi phạm chỉ dừng ở mức nhắc nhở.

“Chúng tôi đã tăng cường rất nhiều test nhanh, số lượng test tăng vọt cũng như đã chuẩn bị nguồn ngân sách để kiểm nghiệm nếu cần, mục đích là xử phạt đúng người, đúng tội”, bà Lan thể hiện quyết tâm.

Thế nhưng, một vấn đề hết sức nan giải suốt nhiều năm qua, theo bà Lan, đó là làm sao phân biệt giữa phụ gia thực phẩm và phụ gia công nghiệp. Người tiêu dùng vẫn thấp thỏm với câu hỏi: liệu thực phẩm mình ăn hàng ngày có được chế biến với phụ gia đảm bảo an toàn hay không?

Xuất phát từ đó, BQL ATTP thành phố đã tập trung nhiều vào vấn đề trên, với mong muốn làm sao lập lại được trật tự, bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm an toàn.

“Cụ thể việc kinh doanh phụ gia thực phẩm phải bảo đảm được các yếu tố như phụ gia phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, có các giấy tờ chứng từ mua bán, người bán hàng phải đảm bảo bán hàng nguyên chai có nhãn mác bao bì theo ban đầu được bao gói sẵn, không được quyền sang chiết lẻ để tránh tình trạng không thể kiểm soát được về chất lượng”, bà Lan cho hay.

Thời điểm cận tết, Trưởng BQL ATTP thành phố yêu cầu BQL các chợ tăng cường kiểm tra, phối hợp với các đội liên ngành tuyên truyền cho bà con tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phải đảm bảo an toàn.

“Đối với những trường hợp không đáp ứng sẽ đối chiếu theo Nghị định 115 để tăng mức xử phạt vi phạm ATTP để xử lý nghiêm, mang tính răn đe. Trong thời gian tới, lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm cho quận huyện, phường xã sẽ tiếp tục được tăng cường”, bà Lan nói.

Nan giai van de phu gia thuc pham va cong nghiep dip tet
Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương kinh doanh mứt tết tại chợ Bình Tây, Q.6.

Chiều cùng ngày, kiểm tra siêu thị LOTTE Mart (Q.7), BQL ATTP TP.HCM đã lấy mẫu bún tươi, chả lụa đang bày bán tại siêu thị kiểm tra nhanh chỉ tiêu hàn the, folmon và kết quả âm tính.

Theo kế hoạch, trong ngày mai (16/1), BQL ATTP TP.HCM sẽ tiếp tục kiểm tra một số cơ sở, doanh nghiệp tại các quận Bình Thanh, Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM) và kiểm tra hai chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn vào đêm 17, 18/1.

Bên cạnh đó, theo BQL ATTP TP.HCM, sẽ tăng nặng mức phạt đối với các vi phạm ATTP thức ăn đường phố vì loại hình dịch vụ ăn uống này luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thống kê của BQLL ATTP, trên địa bàn thành phố hiện có trên 20.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với trên 24.000 người tham gia kinh doanh. Thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vẫn chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về đảm bảo ATTP trong quá trình chế biến và kinh doanh, gây mất ATTP, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Quốc Ngọc - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI