Nạn đói vẫn là vấn đề kinh niên ở châu Á

14/12/2023 - 06:16

PNO - Đó là nhận định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO). Số người thiếu dinh dưỡng ở châu Á vào năm 2022 đã tăng thêm 55 triệu người so với lúc trước đại dịch COVID-19. Trong đó, hầu hết những người sống trong tình trạng thiếu ăn đều ở khu vực Nam Á và phụ nữ có xu hướng ít được đảm bảo an ninh lương thực hơn nam giới.

 

Theo FAO, 16% người dân ở khu vực Nam Á đang bị suy dinh dưỡng - Nguồn ảnh: AFP
Theo FAO, 16% người dân ở khu vực Nam Á đang bị suy dinh dưỡng - Nguồn ảnh: AFP

Nghiên cứu của FAO tập trung vào việc cung cấp, tiêu thụ thực phẩm và nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn; từ đó nắm bắt tình trạng thiếu năng lượng mạn tính làm cản trở sự tăng trưởng, làm giảm năng suất và chất lượng cuộc sống.

Tỉ lệ người dân ở châu Á bị suy dinh dưỡng đã giảm xuống còn 8,4% vào năm 2022 so với mức 8,8% của năm 2021. Con số này là 7,3% ở thời điểm trước khi đại dịch bắt đầu. Theo các chuyên gia, một số nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái và làm mất đi sinh kế của hàng triệu người. Ngoài ra, thiên tai và sự gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm, thường liên quan đến biến đổi khí hậu, đã làm tăng thêm những áp lực đó.

Dữ liệu của FAO cho thấy, tỉ lệ người dân trong khu vực châu Á bị đe dọa bởi tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải, đôi khi phải ăn ít hơn hoặc kém chất lượng hơn do đói nghèo dao động ở mức gần 30%.

Vấn đề tồi tệ nhất đối với 20% phụ nữ ở châu Á là thực sự phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Riêng ở Nam Á, tỉ lệ này là hơn 42% đối với phụ nữ và hơn 37% đối với nam giới.

“Giá lương thực, nhiên liệu, phân bón và thức ăn chăn nuôi cao hơn cũng như mọi thứ đình trệ thời đại dịch đã làm đảo ngược xu hướng giảm nạn đói mà chúng ta có được kể từ năm 2000. Đây là một vấn đề toàn cầu, đang trở nên tồi tệ hơn do sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, dầu ăn và phân bón, một phần do xung đột ở Ukraine” - trích báo cáo từ FAO.

Báo cáo còn thông tin: trên toàn thế giới, số người gặp khó khăn trong tiếp cận lương thực đã tăng lên gần 2,4 tỉ người vào năm 2022 từ mức hơn 1,6 tỉ người vào năm 2015. Liên hiệp quốc cho biết, ở châu Phi, cứ 4 người thì có ít nhất 3 người không đủ khả năng chi trả cho 1 bữa ăn lành mạnh vì “cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có”.

Trong số 735 triệu người được tài trợ thực phẩm trên toàn thế giới thì hơn một nửa sống ở châu Á - Thái Bình Dương, hầu hết ở Nam Á. Triều Tiên có tỉ lệ người dân bị suy dinh dưỡng lớn nhất trong khu vực với khoảng 45%; tiếp theo là Afghanistan với 30%… 

Tỉ lệ suy dinh dưỡng trung bình trên thế giới là 9,2%, trong khi ở các đảo châu Đại Dương - ngoại trừ Úc và New Zealand - tỉ lệ này là gần 21%, tức hơn 1/5 dân số. Báo cáo cũng ghi nhận ở khu vực Nam Á, khoảng 16% người dân bị suy dinh dưỡng.

Lệ Chi (Theo ABC News) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI