Nạn đói, thất học đe dọa hàng trăm triệu trẻ em

29/07/2020 - 11:13

PNO - Khi viện trợ quốc tế cạn kiệt, hàng trăm triệu trẻ em sẽ không còn được đến trường và đánh mất cơ hội thoát nghèo.

Khủng hoảng giáo dục

Đại dịch COVID-19 không chỉ gây tổn thất lớn về người và kinh tế toàn cầu, hơn thế, nó còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giáo dục, trực tiếp gây tổn thương những đứa trẻ nghèo và xa hơn là cả một thế hệ trẻ em vuột mất cơ hội đến trường.

Phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc nhiều trường học trên thế giới đóng cửa, ảnh hưởng đến gần 1,6 tỷ trẻ em. Nếu những đứa trẻ may mắn sinh trưởng trong gia đình giàu có, có nhiều lựa chọn thay thế như học trực tuyến, thì với những trẻ em nghèo đó là giấc mơ xa xỉ.

 

Cậu bé Hassan Merzam Muhammad bị suy dinh dưỡng nặng tại một bệnh viện ở Yemen
Cậu bé Hassan Merzam Muhammad bị suy dinh dưỡng nặng tại một bệnh viện ở Yemen

Dù lối thoát nghèo duy nhất của các em là học tập nhưng giờ đây mọi chuyện đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng cho tất cả trẻ em vào năm 2030 đã bắt đầu vượt tầm với. Thực tế, trước khi đại dịch xảy đến, mục tiêu này cũng khó đạt được khi gần 260 triệu trẻ em đã phải nghỉ học và 400 triệu trẻ bỏ học sau 11 tuổi.

Ở một số vùng nông thôn châu Phi cận sa mạc Sahara, rất ít trẻ em gái học hết cấp II do bị thúc ép lấy chồng. Khoảng 50 quốc gia chưa có luật cấm trẻ em kết hôn và một số nước không thực thi chặt chẽ lệnh cấm của họ. Chính điều này dẫn đến mỗi năm, khoảng 12 triệu nữ sinh trong độ tuổi đi học lập gia đình.

Theo ước tính của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), trước dịch bệnh, 50 quốc gia đã không chi tối thiểu 4% thu nhập quốc dân, hoặc 15% ngân sách công cho giáo dục. Cùng với đó, tài trợ không đầy đủ của nhiều chính phủ đẩy 30 triệu người tị nạn (phần lớn là trẻ em) không bao giờ được đặt chân vào lớp học, bất chấp nỗ lực kêu gọi của các tổ chức giáo dục toàn cầu.

Sau dịch bệnh, mọi chuyện chắc chắn còn diễn tiến trầm trọng hơn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán trong năm 2021, chi tiêu giáo dục ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể thấp hơn từ 100-150 tỷ USD so với kế hoạch đề ra trước đây. Hiển nhiên sẽ kéo theo hàng trăm triệu trẻ em bỏ học sau khi các trường được phép hoạt động trở lại.

Những kịch bản tồi tệ đang chờ đợi

Tại phiên họp thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền ngày 30/6/2020, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet nhấn mạnh: “Đại dịch có khả năng tạo ra những tác động sâu sắc và lâu dài đối với trẻ em”. 

Bà chỉ rõ theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trừ khi có hành động khẩn cấp để bảo vệ các gia đình khỏi tác động kinh tế sau đại dịch, nếu không số trẻ em sống dưới mức cùng cực có thể tăng 15% trong năm 2020. 

Đồng thời, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng ước tính số trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng cấp tính có thể tăng thêm 10 triệu trong năm nay. Ngoài ra, gián đoạn quá trình đào tạo đặt trẻ em đứng trước nguy cơ đối mặt với sự tụt hậu, bạo lực gia đình, lao động chân tay, tình trạng tảo hôn… Đặc biệt, “chúng tôi cũng đang chứng kiến những dấu hiệu gia tăng trong việc khai thác tình dục trực tuyến ở trẻ em” - Michelle Bachelet cảnh báo.

Hàng triệu trẻ em Yemen đang đói khát giữa nỗi lo mất an ninh lương thực, nhưng với áp lực cân bằng tài chính, WFP đã giảm một nửa viện trợ cho quốc gia này trong vài tháng qua. Theo Reuters, các tài trợ dinh dưỡng cho 2,5 triệu trẻ em Yemen cũng sẽ ngừng vào cuối tháng Tám.

Bên cạnh nạn đói, thất học ở trẻ dự báo đạt mức cao kỷ lục. Khả năng cao nhiều đứa trẻ sẽ phải gia nhập hàng ngũ 152 triệu trẻ em đang cật lực lao động kiếm tiền dù ở độ tuổi đi học.

Hơn một nửa số trẻ em dưới 10 tuổi trên thế giới - gần 900 triệu bé trai và bé gái - không thể đọc một văn bản đơn giản, xuất phát từ việc không được đi học và trang bị kỹ năng cần thiết. Chưa kể, các cô gái sẽ bị buộc phải kết hôn sớm. Điển hình, năm 2014, khi đại dịch Ebola bắt đầu lây lan khắp khu vực Tây Phi, chính phủ Sierra Leone đã đóng cửa nhiều trường học. Ngay lập tức, số lượng các nữ sinh từ 15-19 tuổi đã mang thai hoặc làm mẹ tăng hơn gấp đôi, từ 30% lên 65%. Hầu hết những em này sẽ không bao giờ quay trở lại trường.

Chung Thu Hương (theo CNA, Reuters và OHCHR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI