“Nắn chỉnh” bất thường ở bàn chân trẻ

04/04/2023 - 06:02

PNO - Khi thấy con có bàn chân, ngón chân vẹo hoặc tướng đi khác lạ, nhiều phụ huynh cho rằng lớn lên sẽ hết nhưng thực sự đó là những bất thường, chờ lớn lên mới can thiệp thì đã muộn.

30% bệnh nhi đến khám ở giai đoạn muộn 

Mỗi tuần, Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) tiếp nhận trên 40 trường hợp liên quan tới các bất thường về bàn chân, cẳng chân. Điều đáng nói là 30% số bệnh nhi này đến khám ở giai đoạn muộn, trễ mất thời gian vàng điều trị.

Cử nhân vật lý trị liệu Đinh Thị Kim Vân - Khoa Vật lý trị liệu của bệnh viện - cho hay, nguyên nhân do cha mẹ nghĩ chân trẻ sẽ tự hồi phục khi lớn. Một số khác ban đầu có đến khám, nhưng sau đó bỏ tái khám vì thấy tình trạng của con không quá cấp bách và nghiêm trọng. Việc điều trị cho những bé này vô cùng phức tạp, trẻ sẽ phải trải qua cuộc đại phẫu gây hạn chế sinh hoạt, vận động nhưng chưa chắc hiệu quả như mong đợi. Khi trưởng thành còn phải đối diện với nhiều biến chứng về cơ xương khớp.

Thạc sĩ Lê Tường Giao đang khám bệnh lý bàn chân cho trẻ - Ảnh: Thanh Huyền
Thạc sĩ Lê Tường Giao đang khám bệnh lý bàn chân cho trẻ - Ảnh: Thanh Huyền

Mới ngày 22/3, chị Kim Vân tiếp nhận trường hợp bé gái P.T.T.D. (14 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp). D. được mẹ đưa tới can thiệp vật lý trị liệu bởi con hay kêu đau vùng cổ chân, bàn chân.

Khi kiểm tra, bé được xác định bị chứng bàn chân bẹt (mặt bàn chân phẳng), gót chân vẹo ra ngoài gây co rút gân gót. Chính điều này đã khiến khi bệnh nhi đứng hai đầu gối chụm vào nhau. D. cũng không thể ngồi xổm được. Mẹ của D. kể hồi con 4 tuổi đã từng đi khám và bác sĩ dặn cần theo dõi thêm một thời gian để xác định có phải bé bị chứng bàn chân bẹt hay không.

Thế nhưng do gia đình ở tỉnh, đi lại phức tạp nên chị đã ngưng cho con tái khám.

Một trường hợp khác là bé N.T.A. (3 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) được mẹ đưa tới can thiệp vật lý trị liệu vào ngày 23/3. Ngay từ khi sinh ra, hai bàn chân của A. đã gập vào trong, mép ngoài của bàn chân cong. Thế nhưng gia đình bé cho rằng khi trẻ lớn chân sẽ bình thường trở lại. Tại thời điểm tiếp xúc, chị Kim Vân cho biết bé bị dị tật bàn chân khoèo. Khớp bàn chân đã cứng, vì mu ngoài của bàn chân chịu lực nên ảnh hưởng tới dáng đi.

Điều trị muộn gây biến dạng bàn chân

Đối với bệnh lý bàn chân khoèo, thời gian vàng điều trị từ 7-10 ngày tuổi sau khi trẻ chào đời. Lúc đó, trẻ sẽ được bó bột nắn chỉnh, phẫu thuật gân gót, mang giày nẹp (lúc đi lại) và nẹp Ponseti khi ngủ tới 5 tuổi thì hiệu quả điều trị tới 96%. Thế nhưng để trễ giai đoạn vàng, trẻ đã biết đi thì hiệu quả điều trị chỉ đạt 50 - 60%. Với những trẻ bị bàn chân khoèo can thiệp sau 5 tuổi thì sự biến dạng đã cố định, bé sẽ bị teo cơ, yếu hai chi dưới, thiểu sản cơ bắp. Lúc này, trẻ buộc phải trải qua cuộc đại phẫu phức tạp.

Theo thạc sĩ Lê Tường Giao - Trưởng khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - trẻ có những bất thường ở bàn chân là do tư thế trong bụng mẹ gây ra, và sẽ tự hồi phục khi lớn lên. Tuy nhiên, không phải lúc nào phụ huynh cũng phân biệt được bất thường bàn chân do sinh lý hay bệnh lý nên dẫn tới đưa trẻ đi khám trễ. Chẳng hạn như bàn chân áp và bàn chân khoèo có những điểm tương đồng, chỉ bác sĩ mới phân biệt chính xác được. Nếu là bàn chân áp (bàn chân hướng vào bên trong nhưng không co rút gân gót, bàn chân vẫn mềm dẻo) thì không cần can thiệp vì trẻ sẽ tự hồi phục được nhưng bàn chân khoèo lại cần xử trí càng sớm càng tốt. Bàn chân khoèo điều trị muộn sẽ gây hậu quả biến dạng bàn chân, thoái hóa cơ xương khớp và khớp gối.

Tương tự, để xác định một đứa trẻ có bị bàn chân bẹt hay không phải dưới sự đánh giá, theo dõi của bác sĩ, chuyên gia trong thời gian dài. Thông thường trẻ em sinh ra bàn chân sẽ bẹt. Trải qua thời gian, vòm và lòng bàn chân trẻ sẽ dần dần phát triển và định hình ở lúc 8 tuổi. Thấy chân con bất thường, kêu đau, không có vòm lòng bàn chân thì cha mẹ cần đưa đi khám để có các biện pháp hỗ trợ, theo dõi và can thiệp kịp thời. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI