Nạn chèo kéo, chặt chém” đang làm hại du lịch

10/04/2024 - 15:03

PNO - Ngày 14/3, sau khi kết thúc chuyến du lịch Việt Nam, 2 du khách quốc tế có tên Luke và Naomi đã chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân về trải nghiệm không mấy vui vẻ khi đến TP Hà Nội.

Bịch táo nhỏ giá 200.000 đồng

Trong video, Luke và Naomi kể lại tình huống đưa tờ 200.000 đồng để mua bịch táo nhỏ của người bán hàng rong. Khi thấy người bán không có ý định thối lại tiền, họ quyết định không mua nữa, dẫn đến việc 2 bên giằng co. Người bán hàng rong chỉ “bỏ cuộc” khi có 1 nhân viên bảo vệ đến can thiệp. Toàn bộ vụ việc được 2 du khách này quay video và phát trên kênh. Dưới bài đăng, không ít du khách đã chia sẻ trải nghiệm tương tự khi đến các khu, điểm du lịch ở Việt Nam.

Youtuber có tên Charmie Lo kể, cuối năm 2023, khi cùng chồng đến TP Đà Nẵng hưởng tuần trăng mật, cô ghé vào một quán mì khá đông khách ăn là người địa phương. Khi tính tiền, cô thấy những vị khách bản địa chỉ phải trả 30.000 đồng/tô, trong khi cô phải trả 200.000 đồng/2 tô. Biết mình bị “chặt chém” nhưng do bất đồng ngôn ngữ và không muốn gây rắc rối, cô cùng chồng vẫn trả đủ 200.000 đồng và rời đi với cảm giác bực bội. Cô kể tiếp: “Ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai), tình trạng còn tệ hơn, nhưng lần đó, chúng tôi đã phản đối. Những trải nghiệm này khiến tôi mất lòng tin vào các hàng quán nhỏ. Nếu họ không niêm yết giá, chúng tôi luôn hỏi giá trước khi mua bất cứ thứ gì”.

Bịch táo mà người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội “chém” 2 du khách nước ngoài với giá 200.000 đồng  - Ảnh cắt từ video trên YouTube
Bịch táo mà người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội “chém” 2 du khách nước ngoài với giá 200.000 đồng - Ảnh cắt từ video trên YouTube

Ngày 20/3, một tiktoker (người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội TikTok) đăng tải nội dung tố người bán hàng rong ở phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đi theo ăn vạ, đòi nhóm bạn của tiktoker này trả tiền kem dù họ chưa hề mua hàng. Người bán hàng rong chỉ bỏ đi khi thấy nhóm bạn trẻ cầm camera quay lại cảnh vòi tiền.

Tháng 10/2023, Becky Chan - tiktoker người Đài Loan (Trung Quốc) làm việc ở TPHCM - đi thực tế để quay video cảnh báo hành vi của người bán dừa và đánh giày ở khu vực Bảo tàng TPHCM. Trong video, khi Becky Chan đi trên vỉa hè đoạn quanh bảo tàng, 1 người đàn ông gánh thùng xốp tiếp cận cô và bắt chuyện, chỉ đường. Sau đó, ông này lấy trong thùng xốp ra 1 trái dừa và báo giá 150.000 đồng. Trong video, còn có 2 khách du lịch khác đang miễn cưỡng chờ 2 thợ đánh giày dạo (1 người lớn, 1 trẻ nhỏ). 2 du khách này kể: “Họ đã cởi giày của tôi ra, ép chúng tôi phải đánh giày. Chúng tôi không có thời gian để phản ứng do đang loay hoay với người bán dừa”.

Trước video của Becky Chan, nhiều du khách cũng đã quay và công bố video về nạn nói thách ở chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM).

Phải quản lý người bán hàng rong

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội - cho rằng, hàng rong là một nét văn hóa đặc trưng thu hút du khách ở những điểm đến nhưng cần quản lý để hoạt động này không làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách. Ở Thái Lan, người bán hàng rong phải tham gia hội và có trách nhiệm giữ uy tín cho hội. Họ bán ở những khu vực không bị cấm và có lực lượng tương tự như đội trật tự đô thị ở nước ta giám sát. Do đó, rất hiếm khi xảy ra trường hợp “chặt chém” du khách.

Theo ông, hàng rong ở Việt Nam phần lớn hoạt động tự phát nên dễ xảy ra tình trạng chặt chém, hét giá. Đa số người bán hàng rong không xấu, nhưng chỉ cần vài người không tốt là tiếng xấu đồn xa. Do đó, cần có quy chế riêng cho hoạt động này; cần quy hoạch để việc bán buôn rong không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TPHCM - cho rằng, các cơ quan quản lý của các tỉnh, thành tổ chức tập huấn về cách ứng xử văn minh, phổ biến quy định pháp luật về kinh doanh cho những người buôn bán ở các khu, điểm du lịch, kể cả bán rong, cùng xây dựng hình ảnh chung ở điểm đến.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết, sở đã làm việc chặt chẽ với chính quyền các quận, huyện - nhất là các quận, huyện có nhiều điểm tham quan, di tích - nhằm kiểm soát việc chấp hành quy định về niêm yết giá, buôn bán trung thực để từ đó hạn chế tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách. Sở cũng yêu cầu các đơn vị lữ hành tăng cường tiếp nhận phản ánh của khách du lịch, kịp thời hỗ trợ du khách và báo với chính quyền địa phương về những trường hợp làm phiền du khách.

Ông nói: “Ở các điểm đến du lịch, chúng tôi bố trí lực lượng thanh niên xung phong kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ du khách. Do số lượng điểm đến hiện nay khá nhiều nên lực lượng trật tự viên du lịch không thể có mặt ở mọi nơi. Tuy vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách qua nhiều kênh để kịp thời can thiệp, hỗ trợ”.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, có trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, là mức cao hơn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Để duy trì và phát huy đà tăng trưởng du lịch, cần tăng cường quảng bá đi đôi với cải thiện chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh những hiện tượng làm xấu hình ảnh du lịch nước nhà.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI