Nạn camera quay lén tràn lan, phụ nữ Hàn Quốc sốc vì bị lạm dụng mọi nơi

13/10/2018 - 16:00

PNO - Từ hành vi quấy rối tình dục tại công sở, trường học, hay nạn quay lén, phụ nữ Hàn Quốc đã đứng lên chống lại sự bất bình đẳng giới tính tại xứ sở kim chi.

Nan camera quay len tran lan, phu nu Han Quoc soc vi bi lam dung moi noi
Phụ nữ và gia đình các nạn nhân bị quay lén, quấy rối tình dục xuống đường biểu tình tại Seoul.

Mới đây, hàng chục nghìn phụ nữ đổ xô xuống đường phố Seoul để phản đối các nội dung khiêu dâm ẩn danh, đây là cuộc biểu tình quy mô thứ năm chống lại nạn quấy rối tình dục ở Hàn Quốc.

Phong trào #MeToo bắt đầu tại Hàn Quốc vào tháng 1/2018, khi nữ công tố viên Seo Ji-hyeon lên tiếng vì bị một đồng nghiệp cấp cao có hành vi không đứng đắn. Vào tháng Tư, nhiều cáo buộc khác xuất hiện chống lại những người đàn ông có địa vị cao, bao gồm cả cựu ứng viên tổng thống Ahn Hee-jung.

Phong trào đã lan rộng đến mức ngay cả thanh thiếu niên và học sinh trung học cơ sở cũng bắt đầu tìm thấy tiếng nói của họ. Tuy vậy, nạn quấy rối tình dục không chỉ diễn ra ở công sở, trường học, mà còn bao phủ khắp nơi công cộng, thậm chí là nhà riêng.

Nan camera quay len tran lan, phu nu Han Quoc soc vi bi lam dung moi noi
Phong trào #MeToo đi vào cả trường học.

Một phụ nữ trẻ xưng là Kim đã dành hàng tháng thuyết phục cha mẹ để chuyển ra sống tại một căn hộ ở Seoul. Ở độ tuổi 20, cô sinh viên vừa tốt nghiệp muốn có một không gian riêng và bắt đầu làm việc cho một công ty địa phương.

Kim chuyển đến căn hộ trên tầng 22 của một khu chung cư trong một khu vực sầm uất, tràn ngập ánh sáng để tránh bị dòm ngó.

Nhưng mặc cho sự đề phòng của cô, chỉ một vài tháng sau khi dọn đến nơi ở mới, Kim phát hiện ra cô bị "theo dõi" ngay tại nhà riêng của mình.

Một đêm nọ, cảnh sát viên xuất hiện và thông báo cho Kim rằng một người đàn ông vừa bị bắt trong lúc quay phim cô từ tầng thượng của tòa nhà sáu tầng cách hơn 300 mét, và muốn kiểm tra xem những hình ảnh đó có phải của cô hay không.

Kim bị sốc đoạn phim cho thấy cô không mặc đồ, ung dung đi trong căn hộ của cô.

Ngày hôm sau, cô đến đồn cảnh sát để đưa ra cáo buộc, nhưng kẻ tình nghi đã được thả. Cảnh sát nói với cô rằng họ không thể tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào về vụ án hay cá nhân.

Cách cảnh sát mô tả vụ việc khiến cô Kim nghĩ rằng họ không coi đó là vấn đề nghiêm trọng.

Nan camera quay len tran lan, phu nu Han Quoc soc vi bi lam dung moi noi
Nhiều phụ nữ giơ cao khẩu hiệu "Cuộc sống của tôi không phải là thước phim khiêu dâm của anh".

Bức xúc trước vụ việc, Kim tạo tài khoản Twitter “mylifeisntyourporn” và trở thành một trong những tiếng nói phê bình gay gắt nhất về vấn đề quay lén.

Hiện có hơn 8 triệu camera giám sát công khai và tư nhân đang được sử dụng trên khắp Hàn Quốc. Một mặt, chúng giúp an ninh công cộng được củng cố, nhưng mặt khác, chúng đang được sử dụng để nhắm vào những phụ nữ như Kim.

Trong tiếng Hàn, thuật ngữ molka nghĩa là "bí mật", và "camera". Nó đề cập đến hành vi ghi hình lén bằng điện thoại di động, máy ảnh gián điệp, camera an ninh và công nghệ khác.

Theo tờ Telegraph, kể từ năm 2017, Hàn Quốc có hơn 6.500 trường hợp tội phạm molka được báo cáo.

Vào tháng 5/2018, phong trào chống molka đầu tiên của Hàn Quốc lan rộng khắp đất nước, khi các nhóm phụ nữ bắt đầu phản đối việc họ bị quay lén trong phòng vệ sinh, tàu điện ngầm, phòng học và phòng khách sạn.

Nan camera quay len tran lan, phu nu Han Quoc soc vi bi lam dung moi noi
Các tình nguyện viên ngăn cản nam phóng viên đi vào khu vực biểu tình dành riêng cho phụ nữ.

Hàn Quốc có luật chống lại các thiết bị ghi hình bí mật theo luật định, nhưng các chuyên gia nói rằng quy định vẫn còn lỏng lẻo và hình phạt hiếm khi được thi hành.

Năm ngoái, một người đàn ông được tha bổng khi quay lén một người phụ nữ trên xe buýt vì quần áo của cô hơi “khêu gợi”. Trước khi thủ phạm có thể bị truy tố thì hình ảnh đó phải được coi là “kích thích tình dục hay khiến nạn nhân xấu hổ”.

Cảnh quay lén thường được chia sẻ trực tiếp trên những nền tảng công nghệ và các trang web đen.

Trên các trang web này, nơi có hơn 1.000 video mới tải lên mỗi ngày, mỗi video có thể được mua với giá 100 won. Đó là một ngành công nghiệp béo bở với doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm.

Nan camera quay len tran lan, phu nu Han Quoc soc vi bi lam dung moi noi
Cuộc biểu tình chống lại nạn "molka" vào đầu tháng 10 thu hút khoảng 60.000 người tham gia, và sau mỗi cuộc biểu tình thì con số này lại tăng thêm.

Sau khi video xuất hiện, danh tính của nhiều phụ nữ cũng được chia sẻ, chẳng hạn như tên, tuổi, nơi họ làm việc và những gì họ làm. Điều này khiến nạn nhân thậm chí còn chịu đả kích, chửi bới trên phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều trường hợp dẫn đến tự sát.

Những người tham dự cuộc biểu tình chống molka thường là bạn bè và gia đình của nạn nhân. Tại sự kiện thứ năm được tổ chức vào đầu tháng 10, ban tổ chức cho biết có khoảng 60.000 phụ nữ tham dự.

Sự tức giận mỗi lúc một tăng thêm. Kim cho biết trên tài khoản mylifeisnotyourporn: "Nữ quyền cho thấy tội ác gây ra không phải là lỗi của bạn, từ những gì bạn mặc, cho đến hành động vào lúc đó. Phụ nữ đang được trao quyền, họ không sợ hay xấu hổ nữa".

Linh La (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI