Nạn bóc lột người giúp việc nước ngoài trong những gia đình giàu có

25/06/2024 - 06:00

PNO - Xa nhà, người giúp việc nước ngoài phải làm việc quần quật từ 8-12 tiếng cho những gia đình giàu có ở Anh, Ả Rập Saudi, Hồng Kông (Trung Quốc)... Cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào lòng tốt của chủ nhà khi hệ thống pháp luật góp phần tạo ra kẽ hở cho sự bóc lột.

Làm việc quần quật và đồng lương còm cõi

Ngày 21/6, tòa án Thụy Sĩ tuyên án tù 4 thành viên của gia đình giàu nhất nước Anh vì bóc lột lao động Ấn Độ tại dinh thự của họ ở Geneva.

Gia đình Hindujas có tài sản ước tính lên tới 37 tỉ bảng Anh được tuyên trắng án về tội buôn người nhưng bị kết án về các tội danh khác. Prakash Hinduja và vợ - Kamal, mỗi người bị kết án 4 năm 6 tháng tù; con trai họ là Ajay và con dâu - Namrata, nhận mức án 4 năm tù.

Jhen - một người giúp việc từ Philippines - đang dọn dẹp một căn hộ ở Paris, Pháp vào năm 2021 - ẢNH: SPIEGEL/Thomas Morel-Fort
Jhen - một người giúp việc từ Philippines - đang dọn dẹp một căn hộ ở Paris, Pháp vào năm 2021 - ẢNH: SPIEGEL/Thomas Morel-Fort

Vụ án bắt đầu khi gia đình này đưa người giúp việc từ Ấn Độ đến Thụy Sĩ, sau đó tịch thu hộ chiếu của họ. Gia đình Hindujas đạt được một thỏa thuận riêng ngoài tòa án với 3 người giúp việc đưa ra cáo buộc chống lại họ.

Tuy nhiên, cơ quan công tố đã quyết định theo đuổi vụ việc do mức độ nghiêm trọng của cáo buộc. Hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng và chăm sóc sức khỏe, tập đoàn Hinduja có mặt ở 38 quốc gia và tuyển dụng khoảng 200.000 người.

Hành vi bóc lột của những gia đình giàu có đối với người giúp việc ngoại quốc không phải hiếm. Một cuộc khảo sát 200 người giúp việc nhập cư tại Anh do nhóm vận động Tiếng nói của người giúp việc gia đình cùng Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London thực hiện, công bố vào tháng 2/2024, cho thấy: gần như tất cả những người được hỏi đều cho biết họ từng phải làm việc suốt ngày đêm, có người chỉ kiếm được 52 xu (chưa đến 0,7 USD) mỗi ngày.

Hơn 80% cho biết họ thường xuyên bị bỏ đói, bị chủ giám sát và khống chế việc ra khỏi nhà. Hơn 50% phản ánh về tình trạng lạm dụng thể chất, khoảng 30% phản ánh về các trường hợp quấy rối hoặc lạm dụng tình dục.

Những người trả lời cuộc khảo sát chủ yếu từ Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Khoảng 79% chủ sử dụng lao động là người ở Ả Rập Saudi, Qatar, Trung Quốc và Anh. Khoảng 80% người sử dụng lao động liên quan đến việc bóc lột người giúp việc sống tại các khu dân cư giàu có nhất của London như Kensington, Knightsbridge, Belgravia và Mayfair.

Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Anh, có hơn 18.000 thị thực cho người giúp việc nước ngoài (ODW) được cấp vào năm 2022. Marissa Begonia - người sáng lập tổ chức Tiếng nói của người giúp việc gia đình - giải thích: sự bóc lột tồn tại do những sửa đổi luật từ năm 2012, hạn chế khả năng người giúp việc thay đổi nơi làm việc.

Theo luật, tình trạng cư trú của lao động nhập cư làm giúp việc gia đình chỉ có hiệu lực trong thời gian họ còn làm việc, tối đa là 6 tháng và không thể gia hạn. Điều này có nghĩa là trong trường hợp bị lạm dụng, người giúp việc gia đình có thể đi làm cho nhà khác nhưng sẽ không được phép gia hạn thị thực.

Kết quả là những người nước ngoài giúp việc không còn cách nào khác ngoài việc cố gắng chịu đựng. Florence Yilmaz - người đồng sáng lập Hiệp hội Người giúp việc gia đình Philippines tại Anh - tiết lộ, chỉ riêng năm 2023, tổ chức đã giải cứu hơn 50 người giúp việc gặp khó khăn.

Cô Yilmaz nói: “Khi chúng tôi giải cứu những phụ nữ này, họ rất đau khổ về tinh thần và cảm xúc. Mối quan tâm chính của họ là trốn thoát. Họ vẫn chưa thể nghĩ được điều gì sẽ xảy ra sau đó”.

Nhiều nỗi xót xa

Vào một buổi sáng tháng Ba, Lia Quirante (45 tuổi) mỉm cười khi nhìn thấy khuôn mặt của con gái - Jehm - hiện lên trên màn hình máy tính xách tay. Con gái 10 tuổi của cô vừa tham gia một cuộc thi sắc đẹp học đường đầu tiên ở thị trấn Nagcarlan, tỉnh Laguna, cách thủ đô Manila 48km về phía đông nam.

Jehm nhận giải thưởng thí sinh được khán giả yêu thích nhất, dù mẹ cô bé không thể chứng kiến khoảnh khắc ấy. Cô Quirante vẫn ở Hồng Kông (Trung Quốc), nơi cô làm giúp việc gia đình từ năm 2018.

Cô Quirante cho biết: “Tôi đã làm việc ở đây được 6 năm, mọi việc chưa bao giờ dễ dàng. Thật đau lòng khi tôi ở đây để chăm sóc con của người khác nhưng không thể làm điều tương tự cho con gái mình”. Jehm nhớ mình đã khóc vì nhớ mẹ.

Cô bé kể: “Em từng hỏi tại sao mẹ phải rời đi. Nhưng khi lớn lên, em biết mẹ dùng số tiền kiếm được để trang trải học phí cho em. Em hiểu tại sao mẹ phải làm điều đó”.

Nỗi xót xa của cô Quirante trước cảnh chia ly là cảm giác chung của hơn 2 triệu người Philippines rời đất nước mỗi năm để làm việc ở nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia về di cư thừa nhận những lợi ích kinh tế đáng kể, cho cả các gia đình và quốc gia, nhờ xuất khẩu lao động.

Nhưng các nhà quan sát cho rằng, những hậu quả bao gồm chảy máu chất xám và áp lực đối với mối quan hệ gia đình do sự xa cách kéo dài đã vượt xa lợi ích thu được, gây bất lợi cho đất nước về lâu dài.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã quyết định ngăn chặn làn sóng di cư lao động. Ông hứa hẹn tạo ra việc làm tốt hơn ở trong nước nhờ vào các khoản đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập của những người lao động Philippines hồi hương.

Linh La (theo The Guardian, Info Migrant, Freedom Collaborative, Straits Times)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi