Nạn bạo hành, sát hại phụ nữ ‘hoành hành’ tại châu Âu

10/12/2023 - 11:11

PNO - Một người đàn ông ở Bosnia ghi hình toàn bộ quá trình tấn công, sát hại vợ cũ và phát trực tiếp trên mạng xã hội Instagram. Tương tự, tại Serbia, những vụ bạo lực do kỳ thị giới tính đã cướp đi sinh mạng 27 phụ nữ riêng trong năm nay. Các quốc gia thuộc Tây Balkan (Đông Nam châu Âu) đã nỗ lực nâng cao nhận thức cũng như cải thiện luật pháp để bảo vệ phái yếu. Thế nhưng giới hoạt động nhân quyền lo ngại, làn sóng bạo lực nhắm vào phụ nữ đang dâng cao đến mức báo động.

Những năm gần đây, khắp khu vực Tây Balkan xuất hiện thêm nhiều vụ án quấy rối, cưỡng bức, hành hung, thậm chí sát hại phụ nữ. Trong phần lớn trường hợp, kẻ thủ ác là bạn đời của người bị hại. Không ít nạn nhân từng trình báo hành vi bạo lực với cảnh sát địa phương nhưng không nhận được hỗ trợ cần thiết.

Nền văn hóa - xã hội của các nước Tây Balkan lâu nay vẫn gây tranh cãi bởi tư tưởng bảo thủ kiên cố, khi nam giới gần như thống trị mọi mặt đời sống. Tuy nhiên, vấn đề trở nên ngày càng nghiêm trọng sau giai đoạn bất ổn chính trị, kinh tế từ thập niên 1990 đến nay.

Vụ án người đàn ông quay phim cảnh giết hại vợ cũ tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên diện rộng ở Bosnia. Ít lâu sau cái chết của cô, hàng ngàn người đã biểu tình ở nhiều thành phố để lên án nạn giết hại phụ nữ. Theo báo cáo điều tra công bố năm 2018 của một tổ chức xã hội, 48% nữ giới Bosnia từ 15 tuổi trở lên tiết lộ họ từng bị bạo hành. (Ảnh: RFE/RL)
Vụ án người đàn ông quay phim cảnh giết hại vợ cũ tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên diện rộng ở Bosnia. Ít lâu sau cái chết của cô, hàng ngàn người đã biểu tình ở nhiều thành phố để lên án nạn giết hại phụ nữ. Theo báo cáo điều tra công bố năm 2018 của một tổ chức xã hội, 48% nữ giới Bosnia từ 15 tuổi trở lên tiết lộ họ từng bị bạo hành - Ảnh: RFE/RL

Những tổ chức đấu tranh vì nữ quyền đã triển khai nhiều cuộc biểu tình nhằm kêu gọi cộng đồng đổi mới tư duy, cũng như thiết lập đường dây nóng, trung tâm bảo trợ nạn nhân bị tấn công - xâm hại. Dẫu vậy theo nhiều nhà hoạt động nhân quyền, các quốc gia chưa đủ cứng rắn trong việc thực thi pháp luật để bảo vệ phụ nữ tốt hơn.      

Công lý ở đâu?

Tháng 8/2023, dư luận Bosnia rúng động bởi một vụ án mạng tàn bạo: một phụ nữ sống tại thị trấn Gradacac (Đông bắc Bosnia) bị đánh đập và giết hại bằng súng bởi chồng cũ của cô. Toàn bộ cảnh tượng kinh hoàng được hung thủ phát sóng trực tiếp trên Instagram.

“Vụ án này đặc biệt ghê rợn, cũng thật bi thảm”, Jadranka Milicevic, Giám đốc sáng lập Cure - tổ chức đấu tranh vì bình đẳng giới (trụ sở tại Bosnia và Herzegovina), chia sẻ. 

Hầu hết quốc gia tại Tây Balkan đã thông qua các bộ luật và quy định phòng chống nạn bạo lực đối với phụ nữ. Thế nhưng việc triển khai chúng lại thiếu đồng bộ, theo ý kiến từ nhiều nhà hoạt động xã hội. “Bosnia là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Công ước Istanbul (Hiệp ước bảo vệ phụ nữ) của Ủy hội châu Âu. Nhưng nạn bạo hành, giết hại phụ nữ vẫn đang gia tăng mất kiểm soát”, Milicevic nói.

Nữ bác sĩ Vanja Macanovic, đang làm việc cho Trung tâm bảo trợ phụ nữ bị bạo hành có tên Phụ nữ Tự chủ (thành lập tại Serbia), bổ sung: “Hành vi thù địch, bạo lực vì kỳ thị giới tính tiếp diễn nhiễu nhương như hiện thời tại bán đảo Balkan biểu thị rằng, chính quyền các nước vẫn chưa kiểm soát tốt vấn đề. Tội ác rất dễ lan tràn nếu không có sự trừng phạt, lên án thỏa đáng”.   

“Nhiều người dân vẫn giữ quan điểm cho rằng bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi cặp đôi. Họ không hiểu, đây vốn là một vấn đề đáng lo ngại với toàn xã hội”, Milicevic cho biết. “10 năm trở lại đây, đã có 65 vụ án giết hại phụ nữ được ghi nhận chính thức tại Bosnia. Chỉ một trường hợp trong số này chịu án phạt nặng nhất là 40 năm tù”.   

Tình huống ở Kosovo, một quốc gia Balkan mang nặng tư tưởng gia trưởng, cũng không mấy lạc quan. Năm ngoái, vụ một bé gái 11 tuổi bị xâm hại bởi 5 kẻ đồi bại đã thúc đẩy hàng loạt sự kiện biểu tình rầm rộ. Cuối năm 2022, dư luận nước này lần nữa lên tiếng phẫn nộ sau cái chết thương tâm của một nữ giáo viên 63 tuổi, người bị chồng sát hại dã man bằng rìu. Mới đây, thủ phủ Pristina của Kosovo lại diễn ra một vụ án chấn động khác liên quan đến một thai phụ bị chồng truy đuổi, giết hại trên đường đến bệnh viện sinh nở.  

Một nạn nhân 26 tuổi bị bạn trai giam giữ, cưỡng bức, đánh đập tàn nhẫn trước khi quyết định bỏ trốn, tìm đến một trung tâm trú ẩn cho phụ nữ tại thủ đô Belgrade, Serbia. (Ảnh: AP)
Một nạn nhân 26 tuổi bị bạn trai giam giữ, cưỡng bức, đánh đập tàn nhẫn trước khi quyết định bỏ trốn. Cô đang tạm trú tại một trung tâm bảo trợ phụ nữ tại thủ đô Belgrade, Serbia - Ảnh: AP

“Cần thay đổi nền giáo dục”

Một nguyên nhân “gốc rễ” của nạn bạo lực, theo bác sĩ – nhà vận động nữ quyền Macanovic, nằm ở “kẻ hở pháp luật”. Cô lý giải: “Serbia đang thiếu một hệ thống pháp luật hoàn thiện, chỉn chu và bao quát. Phụ nữ, nhất là nữ giới thuộc những cộng đồng thiểu số, hiếm khi chủ động xin hỗ trợ từ cảnh sát, nhân viên xã hội hay tòa án cũng vì họ không cảm thấy thật sự được quan tâm và lắng nghe”.

Bạo lực “còn chưa có dấu hiện ngừng lại”, đây là nỗi lo của Vesna Stanojevic, Giám đốc điều hành một chuỗi trung tâm bảo trợ phụ nữ ở Serbia. “Đôi khi chúng tôi tiếp nhận những nạn nhân bị bạo hành tàn nhẫn đến mức họ không thể đi lại bình thường. Một số đến với chúng tôi khi vừa xuất viện. Một số phụ nữ thậm chí bị đánh đập khi đang mang thai”, bà nói.

“Những gã đàn ông đồi bại ấy học được hành vi bạo lực từ đâu? Trong tương lai, ai sẽ làm gương cho thế hệ con cháu chúng tôi?”, Stanojevic băn khoăn. “Nền giáo dục cần phải thay đổi, nhưng chúng tôi đang không làm được điều đó”.

Hiện có hơn 40 phụ nữ đang tạm trú tại hệ thống trung tâm bảo trợ của Stanojevic. Trong số họ, một phụ nữ 26 tuổi muốn giấu tên chia sẻ, cô quyết tâm trốn chạy khỏi người bạn trai bạo lực khi trông thấy những vết bầm tím trên chính đứa con sơ sinh của họ. Cô tiết lộ từng bị người này xâm hại, đánh đập và giam giữ cùng con nhỏ trong nhà hàng giờ mỗi ngày. Kẻ phạm tội hiện đã bị giam, nhưng nỗi đau của cô vẫn khó nguôi ngoai. “Lần cuối đánh tôi, anh ta ra tay rất độc ác. Tôi biết nếu cứ để mọi thứ tiếp diễn, tôi lẫn con mình đều khó lòng sống sót”.

 

Như Ý (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI