Nhập 30 tấn nấm Trung Quốc mỗi ngày
Là một “tín đồ” của món lẩu nấm, chị Nguyễn Thanh Phương (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) không giấu được bức xúc khi không thể tìm được nấm Việt tại chợ. Ngoài nấm sò (hay còn gọi là nấm bào ngư) thì toàn bộ các mặt hàng khác như nấm kim châm, nấm đùi gà, nấm hải sản, nấm tuyết… đều “made in China”.
Chị Phương than thở: “Trước đây, tôi vẫn mua được các loại nấm nhập khẩu từ Hàn Quốc, hoặc nấm rơm, nấm hương tươi của Việt Nam. Nhưng thời gian gần đây, những mặt hàng này gần như “biến mất” tại các chợ lớn, bé. Muốn ăn nấm Việt, không còn cách nào khác là phải vào các siêu thị lớn, mà không phải lúc nào cũng có ”.
Tại chợ Phùng Khoang (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), khi cầm một bịch nấm kim châm có nhãn hiệu Everlife, chúng tôi được người bán hàng mau mắn giới thiệu: “Đây là hàng xuất chứ không phải hàng Tàu đâu, chất lượng đảm bảo”. Bao bì của loại nấm này được ghi bằng tiếng Việt rất rành mạch, từ tên nấm, slogan “Tốt cho sức khỏe” cho đến cách sử dụng, bảo quản… Thậm chí, sản phẩm có số chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) của Cục ATTP - Bộ Y tế Việt Nam. Tuy nhiên, để ý thật kỹ thì bên hông của bao bì lại có dòng chữ “product of China” (sản phẩm của Trung Quốc (TQ)). Ngoài tên doanh nghiệp (DN) sản xuất, không hề có tên DN nhập khẩu và phân phối sản phẩm này.
|
Nấm Việt gần như biến mất tại các chợ. Ảnh: Phùng Huy |
Ngoài nấm kim châm, ở cửa hàng này cũng chỉ có các loại nấm TQ khác như nấm hải sản, nấm đông cô, nấm đùi gà. Tại các cửa hàng rau trong chợ, cũng chỉ lác đác vài điểm có nấm sò, còn lại đều bán các loại nấm trên. Khi chúng tôi thắc mắc về sự “biến mất” của một số loại nấm nhập khẩu từng được bán khá phổ biến tại các chợ, tiểu thương tại đây cho hay: “Hàng đó bây giờ họ ít giao, mà giá cao lắm, không bán được”. Nấm kim châm TQ 200g có giá 8.000 - 10.000đ/gói, trong khi giá của mặt hàng này nhập khẩu từ Hàn Quốc tại các siêu thị lên tới 15.000đ/ gói 150g. Như vậy, mỗi một ký nấm TQ rẻ bằng một nửa nấm Hàn Quốc, chỉ có giá 40.000 - 50.000đ.
Tại một số chợ của TP.HCM, các loại nấm như kim châm, đùi gà... cũng có nguồn gốc chủ yếu từ TQ, Hàn Quốc, phần lớn là hàng TQ, đựng trong bịch hút chân không có trọng lượng trung bình từ 150 - 300g, hàng chữ “made in China” (sản xuất tại TQ) được in rất nhỏ, người mua phải để ý kỹ mới thấy.
Nhiều tiểu thương còn cố ý tránh nói nấm TQ mà giới thiệu là nấm Hàn Quốc. Theo quan sát của chúng tôi, trên bao bì các loại nấm nhập khẩu chỉ định rõ là bảo quản ở nhiệt độ 5 - 70 C, nhưng được tiểu thương các chợ bày bán trong điều kiện sơ sài, giữa nắng nóng nhưng các túi nấm vẫn tươi nguyên.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 11, tổng lượng nấm tươi nhập khẩu từ TQ vào Việt Nam là 893 tấn. Như vậy, mỗi ngày, ước tính có gần 30 tấn nấm TQ được nhập vào thị trường Việt Nam.
Khó cạnh tranh
Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Lê Hà Mộng Ngọc - Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Nấm Việt - cho hay, những loại nấm phổ biến của TQ nhập vào Việt Nam hiện nay như nấm kim châm, đùi gà là nông sản ưa tính hàn nên rất khó trồng ở Việt Nam. Nấm TQ có giá trung bình khoảng 50.000đ/kg, trong khi nấm Việt Nam nếu trồng theo phương pháp hữu cơ thì giá lên tới 150.000 - 200.000đ/kg, rất khó cạnh tranh.
“Tại Việt Nam, muốn trồng những loại nấm này, phải làm nhà kính, đảm bảo nhiệt độ từ 12 - 180 C, chi phí rất cao. Trong khi đó, nhiều vùng của TQ có khí hậu phù hợp, họ lại có kỹ thuật trồng nên không phải đầu tư nhiều. Tại Việt Nam, đã có DN đầu tư trại trồng, có hệ thống làm lạnh trị giá bốn - năm tỷ đồng, thuê chuyên gia từ Hàn Quốc sang nhưng nhanh chóng thất bại vì không cạnh tranh được về giá so với nấm cùng loại nhập từ TQ. Hơn nữa, các loại nấm này trồng ở Việt Nam bảo quản tốt lắm cũng chỉ được ba - bảy ngày, không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng từ TQ”, bà Ngọc phân tích.
Hiện, DN của bà Ngọc sản xuất những loại nấm phù hợp với khí hậu Việt Nam như nấm linh chi, mèo trắng, nấm hương, nấm bào ngư, nấm hoa hồng, nấm ngọc thạch… Tuy nhiên, các sản phẩm này đều phân phối trực tiếp vào các siêu thị, không bán ra chợ truyền thống, kênh tiêu dùng vẫn đóng vai trò chủ lực trên thị trường.
Lý giải về điều này, bà Ngọc cho hay, bản thân DN cũng không dám thử nghiệm ở phân khúc này, dù nhu cầu của thị trường là có: “Nấm Việt Nam sản xuất thông thường chỉ bảo quản được khoảng ba ngày, áp dụng theo phương pháp sơ chế hiện đại nhất cũng chỉ đến bảy ngày. Nấm cũng rất dễ bị giập, nát nếu vận chuyển không đúng cách. Chính vì vậy, ngoài yếu tố giá, điều kiện bán lẻ tại các chợ không cho phép”.
Trong khi đó, nấm TQ có giá rẻ, mẫu mã, màu sắc bắt mắt, lại thường có hạn sử dụng một tháng, thậm chí có thể giữ đến ba tháng, sáu tháng mà không hư hỏng. Tại sao nấm TQ có thời hạn sử dụng dài như vậy thì vẫn là mộ t câu hỏ i chưa được giải đáp. Bà Ngọc cũng cho biết thêm, một trong những hạn chế của DN Việt hiện nay là yếu về khâu kỹ thuật; cụ thể là vẫn chưa có một hệ thống kỹ thuật chuẩn về sản xuất nấm, các DN chủ yếu phải tự mò mẫm. Mặt khác, để sản xuất nấm sạch (không sử dụng hóa chất), đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, khoảng 30 - 40 tỷ đồng cho nhà xưởng, thiết bị công nghệ, giống… Nhưng, khâu đáng lo nhất vẫn là kỹ thuật: hiện DN Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất kiểu thủ công nên khó cạnh tranh về giá.
Theo một số hộ trồng nấm bào ngư, nấm rơm... tại Đồng Tháp, họ chưa có điều kiện trồng các loại nấm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; sản phẩm trồng ra không được đóng gói, chủ yếu được đưa ra thị trường qua thương lái. Thương lái lại luôn tìm cách gian lận về trọng lượng bằng cách bơm nước vào nấm, khiến nấm nhanh bị hư hỏng.
Còn theo ông Trần Văn Quý, chủ cơ sở sản xuất nấm Phú Quý (H.Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), nhiều DN trồ ng nấm trong nước không “mặn mà” với kênh phân phối truyền thống vì sẽ phải tiêu tốn không ít chi phí đầu tư về nhân sự, quản lý và xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, các DN nấm Việt hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư.
“Trong bối cảnh cứ 10 DN nấm mở ra, có tới chín DN chết thì hầu hết các DN đều chọn con đường an toàn. Ngay cả việc sản xuất hiện tại cũng phải làm theo thị trường, có biến động là lập tức điều chỉnh số lượng nấm nuôi trồng chứ không phải lúc nào cũng duy trì được công suất”, chủ DN cho hay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020, việc sản xuất và tiêu thụ nấm tăng lên một triệu tấn/năm, tạo thêm một triệu việc làm cho lao động nông thôn và đưa giá trị xuất khẩu nấm lên 450 - 500 triệu USD/ năm”. Không biết mục tiêu này đã được “hiện thực hóa” đến đâu, nhưng hiện tại, ngay tại thị trường trong nước, các đơn vị sản xuất nấm Việt Nam vẫn đang gồng mình giành giật lại thị phần từ nấm ngoại, mà cụ thể nhất là TQ.
Huyền Anh - Đăng Thư
Nấm Trung Quốc để lâu bất thường
Nhiều loại nấm TQ để được lâu một cách... bất thường. Theo cá c nhà nuôi trồ ng nấ m, thông thường, nấm tươi chỉ có thời hạn sử dụng khoảng 7-10 ngày nếu bảo quản lạnh, còn để trong môi trường tự nhiên thì chỉ khoảng ba - năm ngày kể từ ngày hái, quá thời gian này, nấm ngả sang màu vàng, chảy nước và có mùi hôi. Trong khi đó, nấm TQ có hạn sử dụng lên đến ba tháng hoặc lâu hơn. Theo nhiều người trồng nấm tại Việt Nam, nấm TQ có thể được dùng chất kích thích, chất bảo quản... nên thời gian trồng ngắn, để được lâu. Nhưng đến nay, các cơ quan bảo vệ thực vật vẫn chưa xác định được chỉ số “bất thường” trong nấm có nguồn gốc TQ.
|