Thực đơn đặc biệt
Từ rất lâu, các món ăn chế biến từ thịt chó được xếp vào danh sách món ăn yêu thích khắp nơi trên thế giới, từ Đông Á, Đông Nam Á đến Tây Phi, châu Âu và cả châu Mỹ.
Ngày nay, trong khi mâm cỗ truyền thống của nhiều gia đình không thiếu được món thịt chó với ước tính có khoảng 25 triệu con chó bị “thịt” mỗi năm thì làn sóng cấm kỵ, tẩy chay người ăn thịt chó càng tăng cao.
|
Những con chó chờ đến lượt bị làm thịt. |
Ở châu Á, đưa thịt chó vào danh sách những món ăn được ưa chuộng nhất có Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Những năm gần đây, các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới không ngừng gây áp lực kêu gọi chính quyền Trung Quốc can thiệp chấm dứt Lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm, Quảng Tây.
Thịt chó là một trong những món ăn lâu đời ở Trung Quốc với lịch sử tồn tại đến 7.000 năm. Ở sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, thịt chó là món đặc sản xuất hiện trong các thực đơn khắp các quán ăn lớn nhỏ. Mỗi năm, người dân Trung Quốc tiêu thụ đến hàng trăm ngàn con chó.
Tháng Sáu hàng năm, nơi này thu hút người dân cả nước đổ về tận mắt chứng kiến cảnh tượng bị chỉ trích là quá tàn nhẫn với khoảng 10.000 con chó bị giết chết tại chỗ phục vụ chế biến các món ăn.
Điều khiến nhiều người tức giận và rùng mình là phần lớn những con chó sẽ bị nấu sống, giãy giụa trong tuyệt vọng cho đến chết. Niềm tin lâu nay ở Trung Quốc là ăn thịt con chó càng hốt hoảng, sợ hãi trước khi chết thì thịt chó… càng bổ dưỡng?!
Hàn Quốc là một trong số những quốc gia người dân rất thích thịt chó. Thịt chó là loại thực phẩm được dùng nhiều thứ tư ở đất nước này. Các món ăn chế biến từ thịt chó có tên là gaegogi.
Từ 2.000 năm nay, người Hàn chế biến thịt chó thành các món nướng hoặc nấu súp trong những tháng hè tiết trời nóng bức vì họ tin thịt chó có tính mát, giúp điều hòa thân nhiệt. Gaejang-guk là món chó hầm cay rất được ưa chuộng ở xứ Hàn.
|
Hình ảnh vô cùng ám ảnh cảnh một con chó bị bắt nhốt trước khi bị làm thịt. |
Ở quốc gia Tây Phi Burkina Faso, thịt chó là món ăn dùng trong dịp vô cùng đặc biệt, xuất hiện trên bàn ăn dành cho các thành viên gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Hoặc khi ai đó có giấc mơ về cái chết, họ cũng sẽ chuẩn bị bữa ăn xem như là cách điềm xấu.
Thịt chó ở Ghana được chuộng cùng vì liên quan đến niềm tin lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ăn thịt chó là cách để giữ cơ thể khỏe mạnh và tránh vận xui.
Giới trẻ Cameroon thì gắn liền việc ăn thịt chó với trò chơi mà họ thấy hứng thú, đó là đặt bẫy chó. Một con chó sập bẫy đồng nghĩa với việc đó là “chiến tích”.
Bang Nagaland là nơi người dân hảo thịt chó nhất Ấn Độ. Mỗi năm có 30.000 con chó bị giết và làm thịt ở bang này. Trong khi đó, hầu hết các bang còn lại không ăn thịt chó và xem đây là điều cấm kỵ.
Ở Indonesia, món ăn nổi tiếng rica-rica với thành phần chủ yếu là thịt động vật, ớt, gia vị đậm. Thịt chó là một trong những nguyên liệu thường được chọn làm món ăn này bên cạnh các loại thịt thông dụng khác.
Người dân Ba Lan xem thịt chó là thức ăn chữa bệnh. Họ ưu ái chọn phần bắp thịt hoặc phần mỡ chế biến món ăn hỗ trợ người bệnh có vấn đề về thái hóa khớp hoặc đau nhức cơ thể. Một số vùng ở Ba Lan, người dân vẫn duy trì cách “trị bệnh” trên.
Khoảng 3% người dân Thụy Sĩ ăn thịt chó qua các món đã được chế biến như xúc xích.
|
Xúc xích chó được ưa chuộng ở một số quốc gia châu Âu. |
Thay đổi văn hóa ẩm thực
Giữa năm 2017, Đài Loan (Trung Quốc) là nơi đầu tiên ở châu Á ban hành luật cấm tiêu thụ thịt chó, mèo. Theo đó, bất cứ ai mua bán thịt chó, mèo hoặc có hành vi đối xử tàn nhẫn với hai loại động vật trên có thể bị phạt từ 1.600-65.000 USD hoặc chịu án tù. Đài Loan cho biết họ muốn gửi đi thông điệp mạnh mẽ cần bảo vệ động vật, đó cũng là sự thể hiện của một xã hội văn minh.
Ăn thịt chó là trào lưu ẩm thực phổ biến ở Đài Loan nhiều thập kỷ trước. Những năm gần đây, hình ảnh hành hạ, giết làm thịt dã man những con chó khiến người dân phẫn nộ, thay đổi cách nhìn đối với món ăn này. Luật ban hành được người dân rất ủng hộ.
Trước thềm Thế vận hội Olympic 2018, Hàn Quốc đã triển khai đóng cửa các khu chợ nổi tiếng là điểm tập trung thịt chó tiêu thụ trên cả nước. Một trong số đó là chợ Moran ở thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi.
Dư luận trong và ngoài nước liên tục đặt áp lực lên chính quyền Hàn Quốc vì hình ảnh những con chó bị chích điện, treo lên và đánh đập tàn nhẫn quá sức chịu đựng của những người quý chó, xem chó là con vật trung thành, thân thiết.
|
Tiêu thụ thịt chó đang là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia châu Á. |
Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hàn Quốc nỗ lực tác động đến chính quyền, yêu cầu phải sớm ban hành luật cấm ăn thịt chó. Họ cho rằng du khách quốc tế có thể phẫn nộ trước thói quen ăn thịt chó của người Hàn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh văn minh, thân thiện của quốc gia Đông Á này.
Ông Kim sống bằng nghề nuôi chó lấy thịt 20 năm qua. Bản thân nhận thấy việc kinh doanh này không còn phù hợp với xu hướng xã hội nên quyết định chuyển trại chó thành nông trại trồng rau.
Trang trại chó của ông ở thành phố Namyangju, tỉnh Gyeonggi, cách Pyeongchang – nơi tổ chức Thế vận hội khoảng 100km. Đây là một trong số 17.000 trang trại chó khắp Hàn Quốc với tổng số chó cung cấp cho thị trường là 2,5 triệu con mỗi năm.
|
Nhiều con chó từ trang trại của ông Kim đã được giải thoát. |
Ông Kim tiết lộ những con chó còn lại trong trại được ông chuyển cho các tổ chức bảo vệ động vật. Nhiều con trong số ấy bị nhiễm trùng bắt, bị bệnh về da, trên mình có những vết thương lớn nhỏ.
Trong khi đó, Triều Tiên thể hiện chiều hướng ngược lại. Năm 2016, nhà lãnh đạo Kim Jong Un khuyến khích người dân tăng cường ăn thịt chó vì ông cho rằng món ăn này chưa rất nhiều chất dinh dưỡng. Cuối năm ấy, Triều Tiên cũng đã tuyên bố thịt chó sẽ là siêu thực phẩm có thể phát triển kênh phân phối, xuất khẩu ra thế giới.
Tháng 12/2017, nhiếp ảnh gia người Indonesia Eko Siswono Toyudho theo chân người bạn là chủ nhà hàng bán thịt chó thâm nhập vào khu vực nuôi chó lấy thịt. Anh bàng hoàng và đã chụp được những khoảnh khắc đáng thương của hàng trăm con chó vô tội.
Gây ám ảnh với Eko nhất có lẽ là hình ảnh một con chú bị người nuôi lấy búa đập nát đầu cho đến chết, trước khi cho vào nước sôi.
|
Một trong những bức ảnh Eko chụp được. |
Eko chia sẻ: “Những bức ảnh chỉ là một phần câu chuyện. Tôi chỉ mong hình ảnh ấy có thể khiến những người thích ăn thịt chó suy nghĩ và tự đưa ra quyết định có nên tiếp tục thói quen này hay không”.
Anh Khôi (Theo Ranker, SoiDog, Daily Mail, Independent)