Năm thứ hai triển khai chương trình mới: Vẫn ngổn ngang lo sĩ số, giáo viên

24/03/2021 - 06:22

PNO - Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng vẫn còn đó ngổn ngang những nỗi lo...

TP.HCM là địa phương có nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp nhưng cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới, do tốc độ xây dựng trường lớp không theo kịp tốc độ tăng của trẻ vào lớp Một. Thế nên, dù đảm bảo chỗ học cho toàn bộ học sinh (HS), nhưng tỷ lệ HS được học hai buổi/ngày ở nhiều quận, huyện rất thấp. Trong khi đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình mới.

Nhiều học sinh chỉ được học 5 tiết/ngày

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM cho hay, mỗi năm, trung bình TP.HCM tăng khoảng 15.000 HS không có hộ khẩu TP.HCM. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp, HS tham gia học hai buổi/ngày giảm.

Hiện, TP.Thủ Đức và các quận, huyện đang tổng rà soát, chuẩn bị cho kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Theo số liệu thống kê ban đầu, hầu hết các quận, huyện đều tăng HS so với năm trước. Tại Q.Tân Phú, một quận gặp áp lực lớn về dân nhập cư hằng năm, theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận, thống kê ban đầu cho thấy, có khoảng 7.000 HS 5 tuổi chuẩn bị vào lớp Một, so với năm học trước ít hơn (năm trước là 7.700 HS) nhưng có thể còn tăng thêm trong thời gian tới. 

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12) chỉ học một buổi/ngày - Ảnh: Quỳnh Phạm
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12) chỉ học một buổi/ngày - Ảnh: Quỳnh Phạm

Năm học trước, báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, thành phố vẫn còn thiếu 443 phòng học. Riêng ở bậc tiểu học, TP.HCM có 551 trường, trong đó có 484 trường công lập. Tuy nhiên, do số dân tăng cơ học cao nên việc đáp ứng chỗ học hai buổi/ngày gặp nhiều khó khăn. 

Theo quy định của chương trình mới, HS lớp Một phải được học tối thiểu 35 tiết/tuần. Nhưng năm học này, chỉ có 475 trường với 99.836 HS được học đủ số tiết 35 tiết/tuần. Còn lại, khoảng 18 trường với gần 5.000 HS lớp Một học 25 tiết/tuần, hơn 20.000 HS học 26-29 tiết/tuần. 

Tại H.Bình Chánh, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, do dân số cơ học tăng cao nên sĩ số HS/lớp, số lớp/trường còn khá cao so với quy định, tỷ lệ học hai buổi/ngày ở các cấp còn thấp. Riêng hai xã Vĩnh Lộc A (dân số trên 140.000 người), Vĩnh Lộc B (dân số trên 130.000 người) gặp khó khăn về giải quyết chỗ học. Hằng năm, địa phương đều có kế hoạch quy hoạch trường, lớp nhưng vẫn còn tình trạng thiếu chỗ học, HS chưa được học hai buổi/ngày ở các khu vực này. 

Tại Q.12, mỗi năm, có khoảng 10.000 - 11.000 HS vào lớp Một, cần 300 phòng học để dạy hai buổi/ngày với sĩ số 35 HS/lớp. Năm học 2020-2021, quận này thiếu gần 200 phòng học để thực hiện chương trình. 

Thiếu cả giáo viên

Thiếu giáo viên (GV) cũng là vấn đề khó giải của TP.HCM, nhất là GV tiếng Anh, tin học. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, thành phố đã triển khai dạy hai môn tiếng Anh, tin học đối với bậc tiểu học từ năm 1998. Trước đây, hai môn học này thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Nhưng theo chương trình mới, các môn này sẽ triển khai bắt buộc từ lớp Ba và tự chọn đối với lớp Một, Hai. Khó khăn lớn nhất đối với các trường là tuyển dụng GV do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.

Ngoài ra, Luật Giáo dục mới quy định, GV tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện dạy ở bậc tiểu học. Do đó, chuẩn GV tiếng Anh tiểu học của thành phố hiện chưa đạt. Đó là chưa kể, năm học nào các quận, huyện cũng gặp khó khăn về tuyển dụng GV tiếng Anh.

Trước thực tế đó, sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên khi thực hiện chương trình mới, đặc biệt là hai môn tin học và tiếng Anh. Các địa phương cần có đầy đủ căn cứ pháp lý để chỉ đạo và hướng dẫn các trường xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với hai môn học này, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định.

Ngoài ra, GV các môn âm nhạc, mỹ thuật trong nhiều năm nay vẫn thiếu. Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, các trường luôn có nhu cầu tuyển dụng GV dạy âm nhạc, mỹ thuật. Nếu không tuyển được thì các trường phải chia sẻ GV với nhau. 

Trước thực tế gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình, nhiều quận, huyện tìm đủ cách xoay xở, trong đó ưu tiên nhất vẫn là để 100% HS lớp Một được học hai buổi/ngày.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12, cho hay đang thực hiện theo hai phương án, nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học hai buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45 hoặc 50 HS/lớp; nơi nào không đủ phòng tổ chức hai buổi/ngày có thể tổ chức học sáu buổi/tuần, tức học cả thứ Bảy.

Tại Q.Tân Phú, theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD-ĐT quận, địa phương này tập trung ưu tiên trường, lớp để bảo đảm 100% HS lớp Một được học hai buổi/ngày; sau đó giảm dần ở các năm tiếp theo, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu.

Q.Gò Vấp mỗi năm có khoảng 8.000 HS vào lớp Một. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết, nếu tập trung cho lớp Một, khả năng sẽ phải cắt hai buổi/ngày và bán trú ở các khối lớp trên nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài. Vì thế, quận chia đôi khối lớp Một, mỗi khối học 3,5 ngày; nửa khối học vào thứ Hai, Tư, Sáu và nửa khối còn lại vào thứ Ba, Năm, Bảy.

“Thực tế, HS lớp Một mỗi ngày chỉ học 7-8 tiết, mỗi tiết 35 phút. Kéo dài thời gian học mỗi ngày thêm vài tiết cũng không sao. Giờ hoạt động, vui chơi có thể bố trí xen kẽ. Như vậy, vừa hoàn thành chương trình mà vẫn không xáo trộn các khối khác trong tình hình trường, lớp chưa xây kịp”, ông Thủy nói. 

Quyết liệt bố trí đất cho giáo dục 

Tại buổi làm việc của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức với Sở GD-ĐT TP.HCM gần đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học đã gần đạt được. Tuy nhiên, đây là tính chung cho toàn thành phố. Một số quận, huyện vẫn không thể đạt được chỉ tiêu này, do áp lực dân số tăng cơ học. Vì vậy, sở mong muốn lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt từng quận, huyện tổng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi, quy hoạch đất cho giáo dục. 

Quỳnh Phạm
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI