Nam thanh niên phát 'trọng bệnh' vì... lo đám cưới, nhiều bệnh viện chẩn đoán không ra

05/04/2019 - 06:00

PNO - Trước khi chuẩn bị đám cưới gần 1 năm, anh N.H.T. bỗng có biểu hiện lo sợ rồi dần dần mất ngủ, khó thở, không ăn uống được. Anh cũng không dám lái xe ra đường vì sợ gặp tai nạn.

Cách đây gần một năm, khi chuẩn bị đám cưới, anh N.H.T. (tài xế, sinh năm 1991) bỗng trở nên căng thẳng. Anh vốn là con cả trong gia đình, lại hay lo nghĩ, cầu toàn. Anh luôn trăn trở lo âu sợ không có đủ tiền tổ chức đám cưới. Cuộc sống hôn nhân sẽ ra sao? Kinh tế, con cái của hai vợ chồng như thế nào?

Thậm chí, anh lo sợ cả những điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình. Anh lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra đường.

5 tháng sau khi đám cưới được tổ chức, những biểu hiện lo lắng của anh T. không giảm. Anh khó ngủ, dễ thức giấc, đêm đến hay giật mình. Trời tối, anh cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn. Mỗi khi "lên cơn mệt", anh lại hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi.

Nam thanh nien phat 'trong benh' vi... lo dam cuoi, nhieu benh vien chan doan khong ra
Bệnh nhân T. phát "trọng bệnh" vì lo lắng thái quá cho đám cưới. Ảnh minh họa

Bệnh nhân còn thấy nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, phải gắng sức để thở, ăn uống kém hơn. Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh chỉ còn 55kg. T. hay nóng ruột gan, đầy tức bụng khó tiêu, ăn không ngon, khó tập trung, khó thư giãn, đau căng tức đầu.

Thấy sức khỏe giảm sút, anh T. nghỉ việc và đi khám ở khắp các bệnh viện, từ tuyến tỉnh đến trung ương, khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không phát hiện bất thường.

Khi đến Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), anh T. được chẩn đoán: Rối loạn lo âu lan tỏa.

Cũng thường xuyên lo nghĩ, cầu toàn như bệnh nhân T., chị N.H.H. (38 tuổi, làm kế toán cho một công ty lớn) phải nhập Viện Sức khoẻ tâm thần sau khi xuất hiện các biểu hiện lạ.

Lập gia đình từ năm 26 tuổi, chị H. đã có 2 con, cuộc sống ổn định. 4 năm trước, vợ chồng chị quyết định xây nhà riêng nhưng nợ tới 1/4 tổng số tiền.

Lo chăm con, lo trả nợ, sau một thời gian, chị có cảm giác đau 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém. Chị thường xuyên chỉ ngủ được 1-2 tiếng mỗi đêm. Khi gặp căng thẳng, chị thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược, khó tập trung, giảm trí nhớ gần…

Chị H. đi khám khắp nơi, uống đủ loại thuốc, bệnh vẫn không khỏi, số tiền khám bệnh ngày càng nhiều, hơn cả tiền mượn xây nhà. 

Mới đây, gia đình đưa bệnh nhân vào Viện Sức khỏe tâm thần điều trị và được chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể.

TS.BS Dương Minh Tâm - Viện Sức khoẻ tâm thần - giải thích: trường hợp của anh T., chị H. chỉ là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân rối loạn tâm thần, stress mà Viện này điều trị.

Thống kê của Bộ Y tế năm 2017 cho thấy có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress.

Nam thanh nien phat 'trong benh' vi... lo dam cuoi, nhieu benh vien chan doan khong ra
BS Dương Minh Tâm cho biết có tới 15% dân số mắc các bệnh rối loạn liên quan tới stress.

Theo tiến sĩ Tâm, các rối loạn liên quan đến stress ngày càng gia tăng. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam. Mỗi ngày Viện Sức khỏe tâm thần khám từ 200-300 bệnh nhân.

Ở Việt Nam, đa số bệnh nhân lo âu đều đi khám các chuyên khoa tim mạch, thần kinh (nhiều lần) trước khi được chẩn đoán "rối loạn lo âu".

Các chuyên gia phân tích, stress có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân.

Theo đó, người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cầu toàn có thể dễ bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục.

Để nhận diện bệnh nhân mắc phải căn bệnh này, các bác sĩ cho hay có thể dựa vào biểu hiện như: cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh, dễ bị tổn thương. Bệnh nhân cũng dễ xúc động, khó làm chủ bản thân, trầm trọng hóa các stress, đánh giá thấp bản thân và đánh giá cao những khó khăn…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI