Nam thanh niên luôn thấy có người ám hại mình mỗi khi hít vài chục quả bóng cười

16/07/2024 - 17:34

PNO - Mỗi lần “vào cuộc vui” với 30-40 quả bóng cười, nam thanh niên 22 tuổi phải nhập viện vì tê yếu hai chân, luôn hoang tưởng có người ám hại mình.

Nam thanh niên yếu chân, hoang tưởng có người ám hại mình vì thường xuyên hít bóng cười - ảnh minh họa
Nam thanh niên yếu chân, hoang tưởng có người ám hại mình vì thường xuyên hít bóng cười - ảnh minh họa

Chiều 16/7, tại chương trình truyền thông giáo dục sức khoẻ cho người dân với chủ đề “Bóng cười - Nước mắt sau những cuộc vui”, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đã tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện vì sử dụng bóng cười.

Điển hình là trường hợp của nam thanh niên 22 tuổi, đến khám chân yếu, tê bì, xuất hiện hoang tường. Khai thác tiền sử bệnh nhân, vài năm nay, nam thanh niên thường xuyên dùng bóng cười, mỗi lần 30-40 quả; thậm chí còn tự đặt mua trên mạng về nhà dùng.

Thời gian gần đây, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nhiều, tê bì, yếu hai chân. Đặc biệt, nam thanh niên luôn lo lắng, sợ hãi vì cảm giác có người muốn theo dõi, ám hại mình.

Bác sĩ Vũ Văn Hoài - Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết, bóng cười là bóng được bơm đầy khí N2O. Đây là một loại khí không màu, có mùi thơm và vị hơi ngọt. Ngoài ra, bóng cười còn có các tên gọi khác là “bigbaball”, “boom”, “pikachu” để che dấu hành vi phạm pháp.

Hiện, tỷ lệ sử dụng khí cười để giải trí đang gia tăng nhanh ở các nước trên thế giới với quan điểm sai lầm của giới trẻ. Giới trẻ cho rằng, hút bóng cười không gây hại, chỉ tạo ra cảm giác khác lạ, tăng sáng tạo, vui vẻ.

“Đây hoàn toàn là những quan điểm sai lầm. Việc sử dụng khí cười có thể gây các hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và tâm thần cho người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Vũ Văn Hoài nhấn mạnh.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã vạch ra mối quan hệ giữa việc tiếp xúc “khí cười” với các triệu chứng thần kinh. Trong đó, người sử dụng trên 10 quả bóng cười mỗi lần làm gia tăng các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cơ chế nhiễm độc cấp tính của bóng cười sẽ gây ra các biểu hiện như co giật, rối loạn nhịp tim, ngừng hô hấp, ngừng tim. Còn với biểu hiện tổn thương mạn tính do bóng cười gây ra là di chứng thần kinh, suy giảm cảm giác các chi, dáng đi không vững, yếu tứ chi, đặc biệt là chi dưới.

Sử dụng khí cười cũng có nguy cơ suy giảm trí nhớ ngắn hạn, suy giảm nhận thức cấp tính do khí cười; hoang tưởng, ảo giác, lú lẫn, rối loạn cảm xúc, thay đổi tính cách, bị nghiện sử dụng...

Trước những mối nguy hiểm này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng bóng cười vào mục đích giải trí để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI