Dù không đồng đều ở các mảng nhưng bức tranh chung tươi sáng cho thấy nỗ lực của các đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực, của cơ quan quản lý trong việc tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa.
Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần I - HIFF 2024
Sau Hà Nội, Đà Nẵng, đến lượt TPHCM tổ chức liên hoan phim (LHP) quốc tế (HIFF 2024). Điều này nằm trong đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, trong đó ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là 1 trong 8 ngành trọng tâm.
|
Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần đầu được tổ chức, góp phần nâng cao vị thế điện ảnh thành phố, quảng bá hình ảnh TPHCM với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế |
Lần đầu diễn ra, HIFF 2024 đã thu hút hơn 400 phim dự thi, 53 dự án tham gia Chợ dự án (Project Market) và 87 kịch bản tham gia Vườn ươm kịch bản Việt (VietScript Lab). Đây là tín hiệu đáng mừng đối với mục tiêu xây dựng một LHP xứng tầm quốc tế không chỉ ở quy mô số lượng các hoạt động và phim trình chiếu.
Trong 8 ngày diễn ra (từ 6 - 13/4), ngoài việc trình chiếu phim, chợ dự án, vườn ươm kịch bản, HIFF còn có triển lãm điện ảnh ngoài trời Vẻ vang 77 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, đêm nghệ thuật Nhạc trong phim.
Liên hoan đã đón tiếp nhiều nghệ sĩ trong nước và 200 nhà làm phim quốc tế; trong đó, có các tên tuổi nổi bật như đạo diễn huyền thoại Kore-eda Harizuki (Nhật Bản), nhà dựng phim của La la Land người Mỹ gốc Việt từng đoạt giải Oscar Tom Cross, cựu giám đốc nghệ thuật Directors’ Fortnight của LHP Cannes Oliver Pere, đạo diễn phim kinh dị A tale of two sisters Kim Jee-woon (Hàn Quốc), đạo diễn phim Noryang Kim Ha Min (Hàn Quốc), nhà sản xuất phim The Good, The Bad, The Weird Jay Choi (Hàn Quốc), nữ diễn viên người Mỹ gốc Philippines Liza Soberano...
Phim nội trỗi dậy
2024 đánh dấu năm thành công rực rỡ của điện ảnh nội khi doanh thu lần đầu vượt qua con số 1.500 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng 2 bộ phim - Mai và Lật mặt 7: Một điều ước đã thu về hơn 1.000 tỉ đồng. Với đà này, nhiều kỳ vọng sẽ có một phim vươn tới mốc doanh thu 1.000 tỉ đồng.
Năm nay cũng là năm hiếm hoi các phim nước ngoài, kể cả “bom tấn” Hollywood, liên tục thất thế trước phim Việt. Không chỉ gây dấu ấn ở phòng vé, phim Việt ngày càng cho thấy sự tiến bộ về mặt kỹ thuật, đầu tư, chiến lược truyền thông… nên đã được khán giả nhiệt tình ủng hộ.
Ngoài 2 “mùa vàng” quen thuộc trong năm là tết Nguyên đán và lễ 30/4 - 1/5, năm nay, lần đầu phim Việt được thêm một “mùa vàng” mới là dịp lễ 2/9 khi 2 phim ra rạp dịp này là Làm giàu với ma và Hai Muối đạt doanh thu khả quan (128 và 40 tỉ đồng).
|
Phim Mai (trên) và Lật mặt 7: Một điều ước (dưới) đã thu về hơn 1.000 tỉ đồng doanh thu |
Ngoài thành tích của các phim tư nhân, lần đầu tiên phim nhà nước cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ ở phòng vé với thành công bất ngờ của Đào, phở và piano. Dòng phim độc lập cũng có sự chuyển mình khi ra rạp bằng việc chủ động, tích cực hơn trong khâu quảng bá.
Kỳ vọng “cú hích” chuyển mình cho sân khấu TPHCM
Với chủ đề Khát vọng phương Nam, Liên hoan sân khấu TPHCM lần I được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đồng thời, liên hoan cũng được kỳ vọng trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, mang bản sắc TPHCM.
Tuy lần đầu tổ chức nhưng liên hoan đã quy tụ đến 19 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập, dự thi 24 tác phẩm kịch với đủ các đề tài đa dạng như: lịch sử, cách mạng, tâm lý - xã hội, gia đình, thiếu nhi, trinh thám… Liên hoan có quy mô không thua kém bất kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc nào. Đây là kết quả đến từ thực tế sôi nổi của các sàn diễn cùng nỗ lực của người làm nghề và quản lý ngành văn hóa TPHCM nhiều năm qua.
Nhiều nghệ sĩ khẳng định, đã không ít lần đi thi, TPHCM cũng từng đăng cai nhiều liên hoan nhưng đây là lần đầu họ có cảm giác cả giới sân khấu cùng chung tay chăm chút cho sự kiện hội nghề chung này. Mỗi đơn vị đều ý thức mang đến tác phẩm tốt nhất của mình, mỗi diễn viên đều tập trung cho màn trình diễn thật thăng hoa, không chỉ hướng đến khán giả mà còn là dịp “khoe nghề” với giới chuyên môn, với đồng nghiệp.
Khán giả đã được thưởng thức hàng loạt tác phẩm chất lượng cùng lực lượng biểu diễn hùng hậu hội tụ. Đáng mừng hơn khi phần lớn tác phẩm dự liên hoan đều có đời sống thực, các suất diễn vẫn được bán vé và đông kín khán giả. Đến nay, nhiều vở diễn vẫn tiếp tục sáng đèn hằng đêm.
|
Vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử của nhà hát kịch IDECAF |
Qua liên hoan, một lần nữa có thể khẳng định, TPHCM có một thị trường biểu diễn sân khấu hiệu quả và số doanh nghiệp trong lĩnh vực sân khấu nhiều nhất nước. Cũng vì quy mô lớn của một nền sân khấu đa dạng loại hình mà liên hoan lần này chỉ dành riêng cho kịch nói, còn lại cải lương, hát bội hay loại hình khác sẽ đến với liên hoan lần sau.
Nhiều người kỳ vọng, liên hoan sẽ tạo “cú hích” chuyển mình cho sân khấu TPHCM khi được dịp nhìn lại nội lực và tiềm năng phát triển, trước mắt là ý thức nâng cao chất lượng, dung hòa giữa yếu tố nghệ thuật và giải trí của giới làm nghề.
Âm nhạc bùng nổ, nghệ sĩ thế hệ Z vượt trội
Âm nhạc Việt Nam đã ghi dấu nhiều thành công vượt bậc trong năm qua, đặc biệt về công nghiệp biểu diễn. Quý cuối của năm, thị trường concert (những sự kiện biểu diễn trực tiếp) bùng nổ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, TPHCM và TP Hà Nội vẫn là điểm hẹn của các đêm nhạc lớn.
Không thể không nhắc đến 2 chương trình - Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai đã “làm mưa, làm gió” trên truyền hình, phủ sóng trên mạng xã hội. Từ bước đệm về truyền thông rất tốt này, nhà sản xuất của cả 2 chương trình đã thực hiện nhiều đêm nhạc thu hút hàng chục ngàn khán giả mỗi đêm.
|
Concert Anh trai vượt ngàn chông gai gây ấn tượng với sân khấu hoành tráng - Ảnh do ban tổ chức cung cấp |
Cho đến nay, Anh trai say hi đã tổ chức 4 đêm diễn với hơn 150.000 khán giả ở cả 2 miền Nam - Bắc. Anh trai vượt ngàn chông gai đang dừng ở con số 2 concert và dự kiến đêm nhạc thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 3/2025.
Sự thành công của Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai tạo “cú hích” cho toàn thị trường âm nhạc vào cuối năm. Với lượng nghệ sĩ tham gia rất lớn - hơn 60 người - và nhiều cá nhân trong đó sở hữu lượng fan “khủng” nên khi đến đâu, các “anh trai” cũng khuấy động không khí, tạo hiệu ứng truyền thông rất tốt.
Nếu tính các concert hay chuỗi đêm nhạc đình đám khác riêng tại TPHCM phải kể đến Hò dô 2024 với 3 đêm “máu lửa”; GENfest với dàn khách mời chất lượng từ trong nước đến các nghệ sĩ của Hàn Quốc; 8WONDER; Những thành phố mơ màng; Hội thuần hội 2024...
2024 cũng là năm đánh dấu sự “trỗi dậy” mạnh mẽ hơn của các tài năng âm nhạc thuộc thế hệ Z (sinh từ 1997-2012). Nhiều năm qua, các thế hệ tiếp nối của nhạc Việt đã xuất hiện, nhưng để nói về việc định hình phong cách âm nhạc và tài năng thì phải đến năm 2024, họ mới tạo ấn tượng mạnh.
Trong nhóm này có HIEUTHUHAI (Trần Minh Hiếu), Rhyder (Nguyễn Quang Anh), Captain Boy (Hoàng Đức Duy), Dương Domic (Trần Đăng Dương), Wren Evans (Lê Phan)... Khác với trước, thế hệ nghệ sĩ hiện nay đa năng hơn khi vừa có thể sáng tác, sản xuất, chơi nhạc cụ, trình diễn, vũ đạo... Cộng với nền tảng truyền thông và sự hỗ trợ từ các ê kíp quản lý, sản xuất, tin rằng các tài năng thế hệ Z có thể tiến xa hơn.
Âm nhạc trong năm 2024 cũng cho thấy cục diện “dương thịnh, âm suy” khá thú vị. Khi các chương trình “anh trai” thành công, những tưởng Chị đẹp đạp gió sẽ thành công tương tự thì cái kết lại khiến khán giả bất ngờ. Sức lan tỏa không mạnh, dù chương trình vẫn có những tiết mục biểu diễn khá chất lượng.
Nhìn rộng hơn ở thị trường, 2024 là năm mà nghệ sĩ nữ mờ nhạt hơn, ít sản phẩm ấn tượng. Có thể nhìn thấy rất rõ điều này ở các hạng mục đề cử của Làn sóng xanh 2024.
Thời trang vươn ra quốc tế mạnh mẽ
Thời trang Việt có bước chuyển mình mạnh mẽ ra quốc tế, theo nhiều hướng. Trang phục của nhà thiết kế (NTK) Việt được hàng loạt ngôi sao quốc tế diện trên sân khấu, thảm đỏ, đến các dự án nghệ thuật toàn cầu.
Thiết kế của Công Trí được loạt tên tuổi lớn của thế giới như: Adele, Katy Perry, Joey King, Selena Gomez, Anyar Taylor Joy… chọn lựa. Bên cạnh đó, trang phục của Đỗ Mạnh Cường còn xuất hiện trong Emily in Paris mùa thứ tư, cũng như poster phim được quảng bá toàn cầu.
|
Ca sĩ Adele (trái) diện trang phục của Công Trí và diễn viên Lily Collins (phải) diện trang phục của Đỗ Mạnh Cường trên poster phim Emily in Paris mùa thứ tư |
Trong khi đó, các thiết kế của Trà Linh lại được lòng các ngôi sao khu vực châu Á, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc như: Chung Hân Đồng, Lý Nhất Đồng, Mai Davika… Váy của Lê Thanh Hòa được Eugenia Kuzmina, Isabella Menin mang lên thảm đỏ LHP Cannes, nhận nhiều lời khen. SZA diện váy của Đỗ Long nhận giải Grammy 2024. Không chỉ những NTK kỳ cựu mà những gương mặt trẻ cũng bắt đầu được chú ý như Phan Huy, Phan Đăng Hoàng…
Tại các sân chơi hoa hậu, trang phục của NTK Việt ngày càng phủ sóng. Ở Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Hòa bình quốc tế… có đến hàng chục thiết kế của Nguyễn Minh Tuấn, Thượng Gia Kỳ, Nguyễn Tiến Truyển, Lê Ngọc Lâm, Huỳnh Bảo Toàn, Phạm Sĩ Toàn… được các người đẹp chọn diện để thi thố. Trong đó, nhiều trang phục tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh vì đẹp, kỳ công và được diện trong khoảnh khắc đăng quang của hoa hậu.
Các NTK Việt cũng xuất hiện dày đặc tại các tuần lễ thời trang lớn, nhỏ để tiếp cận những thị trường mới: Đỗ Mạnh Cường (Tuần lễ thời trang Thượng Hải), Phan Đăng Hoàng (Tuần lễ thời trang Milan), Trần Hùng (Tuần lễ thời trang London)… Nhiều bộ sưu tập được đăng tải trên Vouge, nhận nhiều lời khen của giới chuyên môn, mộ điệu. Cũng từ các show diễn này, những NTK Việt có cơ hội mở rộng quan hệ, hợp tác với các ngôi sao, stylist, ê kíp sản xuất phim…
Xuất bản và cơ hội mới từ chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong ngành xuất bản đã bắt đầu từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, năm qua, chuyển đổi số được đẩy mạnh và phát triển tích cực: giúp đa dạng các phương thức phát hành sách, mở rộng thị trường; kết nối nhanh chóng với bạn đọc, tạo cơ hội trải nghiệm và tiếp cận sách trên nhiều nền tảng… Chuyển đổi số cũng được xem là động lực tăng trưởng mới của TPHCM, với ngành sách nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung.
Tuần lễ sách và chuyển đổi số là sự kiện quan trọng được Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức trong quý IV/2024. Nhiều không gian sách trực tuyến, hàng ngàn tựa sách điện tử (ebook) và sách nói (audio book) cho độc giả trải nghiệm…
Live stream bán sách cũng là một trong những dấu ấn mới của chuyển đổi số trong năm qua. Đây sẽ là phương thức phổ biến và hứa hẹn tiếp tục lan tỏa hiệu quả tích cực trong năm mới. Cùng với sự phát triển của chuyển đổi số là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thu thập thông tin, đọc podcast/vodcast, hỗ trợ viết và biên dịch sách…
Một trong những dự án quan trọng chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn có việc xây dựng thêm các không gian văn hóa sách, đường sách tại quận Bình Tân, quận 7 và huyện Củ Chi. Những không gian văn hóa đọc mới này dự kiến sẽ khánh thành trong quý I/2025.
Văn học: Dấu ấn trẻ và những kỳ vọng
Hội nghị Những người viết trẻ TPHCM lần V năm 2024 được tổ chức trở lại sau 7 năm, cho thấy một diện mạo khác của văn chương trẻ.
|
Một số tác phẩm của người trẻ tạo dấu ấn trong năm qua |
Thế hệ người viết mới nổi bật với những gương mặt gen Z cùng các tác giả nhí, có nhiều cây bút tạo dấu ấn từ khi còn là học sinh - sinh viên. Thế hệ cầm bút có khả năng trở thành “công dân toàn cầu” của hôm nay cho thấy tài năng và dấu ấn khá rõ nét từ tác phẩm của mình, với các vấn đề đương đại/toàn cầu cùng những phong cách sáng tác mới mẻ, sáng tạo…
Không chỉ góp phần tạo thành dòng chảy mạnh mẽ của văn chương trong nước, nhiều tác giả trẻ đã “ra thế giới” theo nhiều cách: bán bản quyền, tác phẩm được chuyển ngữ và phát hành tại các quốc gia và khu vực, xuất hiện tại các chương trình/diễn đàn giao lưu văn hóa - văn học tại các nước…
Lực lượng cầm bút được “trẻ hóa” ở các lĩnh vực: văn xuôi, thơ, văn học thiếu nhi và lý luận phê bình. Tạo dấu ấn thế hệ với những sáng tạo “bứt phá mới”, trở thành chủ nhân của “tương lai văn học”, sẽ là lực lượng góp phần đưa sách Việt ra thế giới… là những kỳ vọng dành cho người viết trẻ hôm nay.
BAN VĂN HÓA VĂN NGHỆ