Nằm than sau sinh, nhiều sản phụ bị bỏng nặng

18/02/2020 - 12:55

PNO - Chỉ trong 2 tháng, có đến 5 sản phụ bị bỏng nặng do nằm than sau sinh, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cấp cứu.

Sáng 18/2, tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp – Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, thời gian qua bệnh viện này liên tiếp cấp cứu cho nhiều sản phụ bị bỏng nặng do nằm than sau sinh con, trong đó có người đang sống tại TPHCM.

Cụ thể, ngày 8/1, Bệnh viện Chợ Rẫy được thông báo chuẩn bị tiếp nhận chị T.T.T.V.E. (31 tuổi, ở Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định chị E. bị ngộ độc khí Carbon monoxide (CO), bỏng độ 2, 3, bỏng sâu vùng mông, đùi, nhiễm trùng, hoại tử... phải điều trị hơn 1 tháng mới ổn định. 

Bác sĩ Hiệp kiểm tra lại vết thương cho chị G. trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ Hiệp kiểm tra lại vết thương cho chị G. trước khi phẫu thuật

Trước đó, chị E. sinh con thứ 2 được vài ngày và xuất viện về nhà. Cũng như lần sinh đầu, khoảng 9g sáng 7/1, gia đình chuẩn bị bếp than ở dưới giường cho chị nằm, sau đó chị E. bị ngộ độc khí, ngất xỉu rồi bỏng nặng.

Tương tự chị E., trong lúc nằm than sau sinh, một sản phụ ở huyện Bình Chánh, TPHCM ngất xỉu, cánh tay rơi trúng bếp than nóng rực phía dưới. Khi người nhà phát hiện đưa đến bệnh viện thì bàn tay trái của chị đã bị bỏng nặng, không thể cứu được các ngón tay. Bác sĩ khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình buộc phải mổ khẩn, xử lý loại bỏ cả bàn tay, cắt lọc da hoại tử, nhiễm trùng… để cứu mạng chị.

Gần nhất, ngày 13/2, chị P.T.G. (32 tuổi, ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với cánh tay trái, bàn tay phải đều bỏng sâu độ 3, bỏng diện tích 5%, vết thương hoại tử, nhiễm trùng… 

Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử lý cắt lọc các mô hoại tử, vệ sinh vết thương, giảm đau cho chị G. Khi các vết thương ổn định, chị G. sẽ được phẫu thuật ghép da bàn tay, nhưng tiên lượng sau này sẽ bị sẹo co rút, ảnh hưởng đến vận động.

Nằm trên giường bệnh, chị G. cho biết mình vừa sinh con thứ 2 được 3 ngày và cũng như lần sinh trước, chị vẫn nằm than như mọi người trong xóm. Thời điểm bị tai nạn, chị vừa nằm than vừa phủ mền xông hơi.

“Trong lúc xông hơi, tôi bị ngất xỉu nên không biết gì nữa. Đến khi tỉnh lại thấy người thân vây quanh, tìm cách dập lửa trên người tôi nhưng lúc này chiếc mền bén lửa cháy thêm khiến tôi bỏng nặng. Đợt sinh con lần trước, tôi nằm than, xông hơi hơn 1 tháng vẫn không ảnh hưởng gì.

Những người thân, hàng xóm của tôi vẫn sử dụng phương pháp này để lưu thông khí huyết, giữ ấm cơ thể sản phụ và em bé. Sau lần này, tôi sẽ vận động mọi người không nên như thế nữa, may mắn hôm xảy ra cháy, chồng tôi đã bế con ra ngoài, nếu không tôi sẽ rất hối hận” - chị G. nói.

Cả cánh tay chị bị băng kín vì té ngã vào bếp than
Cả cánh tay chị G. bị băng kín vì té ngã vào bếp than

Có nên nằm than sau sinh con?

Bác sĩ Ngô Đức Hiệp giải thích, theo thói quen của người Việt, phụ nữ sau sinh thường được nằm than để giữ ấm. Nhưng thực tế, nằm than không phù hợp và phản khoa học. Ở các nước châu Âu, khí hậu lạnh hơn Việt Nam rất nhiều nhưng họ không sử dụng phương pháp này vì mức độ nguy hiểm cao.

Bác sĩ Hiệp chia sẻ: “Cơ thể phụ nữ sau sinh rất yếu, mất nhiều máu và có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn người bình thường; do đó nếu nằm than, sản phụ cũng có thể bị ngộ độc CO. Chính khí CO làm cho lượng oxy trong máu mất đi gây ngất xỉu, hôn mê, chưa kể bị bỏng nặng. 

Bên cạnh đó, em bé mới sinh nên làn da mỏng manh, dễ bị bỏng do nhiệt độ của than dù không trực tiếp chạm vào lửa. Thay vì nằm than, sản phụ và bé chỉ cần mặc thêm áo giữ ấm, gia đình gắn lò sưởi thì tốt hơn”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI