Nắm tay nhau đi khắp thế gian

28/08/2021 - 05:52

PNO - Khi được hỏi về bí quyết giữ hạnh phúc của ông bà là gì, ông bà vui vẻ trả lời: “Chồng nóng thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hạt nào”.

Nắm tay nhau đi khắp thế gian - đó là một chặng đường hơn 50 năm bên nhau của ông Lê Khéo và bà Nguyễn Loan. 

Họ cứu nhau và thương nhau

Năm 1964, họ là những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi hăng hái tham gia công cuộc sản xuất, xây dựng miền Bắc Việt Nam. Họ, những người con của các vùng quê khác nhau cùng tìm về vùng mỏ amiăng ở Kỳ Sơn - Hòa Bình để làm công nhân khai thác quặng. Ngày làm việc trên công trường, tối về rộn ràng tiếng ca để nuôi dưỡng tinh thần.

Nhờ những điệu lý, điệu chèo làm cầu duyên mà bao đôi nam thanh nữ tú đã nên duyên vợ chồng. 

Ông Lê Khéo và bà Nguyễn Loan luôn bên nhau trên đường đời
Ông Lê Khéo và bà Nguyễn Loan luôn bên nhau trên đường đời

Lê Khéo là một chàng trai Hà Nội, dong dỏng cao, ít nói nhưng đôi mắt sáng và nụ cười duyên đã làm bao cô gái ngưỡng mộ. Cô gái Nguyễn Loan, lớn lên từ vùng Hưng Yên, thanh mảnh, nhỏ nhắn với suối tóc đen tuyền chấm gót chân, hàm răng trắng đều như hạt bắp luôn ý nhị trong cuộc sống cũng khiến cho bao chàng trai tơ tưởng.

Một lần trên công trường, nàng không may bị ngã xuống giếng khoan thăm dò giếng sâu hun hút và ngộp thở… Chàng đã bất chấp hiểm nguy nhờ đồng đội thòng dây tụt xuống giếng cõng nàng lên.

Cũng một lần khác chứng kiến chàng bị điện giật, nàng nhanh trí cầm cây đòn gánh đánh bật sợi dây đang hút chặt tay chàng. Họ đã cứu mạng nhau và thương nhau từ dạo ấy. 

Mùa xuân năm 1970 cơ quan đã tổ chức lễ cưới cho cặp đôi được ví là: Thạch Sanh và công chúa. Đầu hè năm 1972 cặp đôi chào đón con gái đầu lòng. Con gái mới được hai tháng, anh Lê Khéo từ giã công trường, lên đường nhập ngũ và ra tiền tuyến ở miền Nam.

Cô gái Nguyễn Loan ở lại hậu phương chăm mẹ già và con nhỏ. Từ Hà Nội, cô xin chuyển công tác về Hòa Bình - một thị xã nhỏ thuộc miền núi Tây Bắc. Cuộc chia ly của hai vợ chồng trẻ đầy thương nhớ.

Anh Lê Khéo ngày đêm nhớ thương cô vợ trẻ và con thơ. Người vợ trẻ cũng biến nhớ thương và tình yêu chồng vào việc chăm mẹ già và con nhỏ. 

Sống sót từ chiến trường khắc nghiệt

Chiến trường đã cho chàng trai những trải nghiệm không thể nào quên. Cơn sốt rét rừng đã khiến anh mê man, bất tỉnh, đồng đội hành quân không thể cáng anh đi tiếp. Họ đành mắc võng để anh nằm lại giữa rừng, ghi rõ họ tên và quê hương trên mảnh giấy để vào một lọ nhỏ trong túi áo…

Tưởng rằng chàng trai ấy vĩnh viễn nằm lại trên đường hành quân, nhưng may mắn sao, có một đơn vị khác gặp anh khi họ đi qua. Anh được cứu sống và tiếp tục vào chiến trường Tây Nam.

Câu chuyện sống chết của anh quá ly kỳ, người biết chuyện đều cho rằng có lẽ nhờ tình yêu thương gia đình, lòng mong mỏi trở về gặp vợ con nên anh mới chiến đấu với tử thần để rồi may mắn được cứu sống như vậy. 

Ngày xuất ngũ, anh về nhà với “tài sản” thường có trong ba-lô người lính, đó là một xấp lụa tặng mẹ, con búp bê làm quà cho con và trên tay anh là bộ khung xe đạp làm quà cho vợ. 

Bù đắp những tháng ngày vắng nhau

Trở về địa phương anh nhận được vị trí cán bộ công đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Sơn Bình. Mặn nồng bên nhau, họ thêm hạnh phúc khi vợ sinh thêm hai con: một trai và một gái.

Cuộc sống càng khó khăn, vợ chồng càng yêu thương, gắn bó. Anh chăm chỉ ngày ngày đi làm, tối về nấu ăn, chăm con. Anh tự tay xây ngôi nhà nhỏ. Lúc nào anh cũng tự tìm việc nhà để làm, làm thật nhiều để đỡ đần cho vợ, mong bù đắp tháng ngày xa nhau. 

Ở một thị xã nhỏ miền núi đất rộng, người thưa, cả anh và chị cùng chịu thương chịu khó, học hỏi người dân bản địa, phát rẫy làm nương để tạo ra lương thực cải thiện đời sống thiếu thốn thời bao cấp. 

Thời gian trôi thật nhanh. Chàng trai Lê Khéo hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó và cô gái Nguyễn Loan dịu dàng, đảm đang năm nào đã lên chức ông bà của đại gia đình. Lúc này, ông bà chuyển nơi ở về thủ đô Hà Nội để gần gũi con cháu. 

Hai cụ cùng cô gái cưng của mình - nghệ nhân thiết kế áo dài Lan Hương (áo đỏ)
Hai cụ cùng cô gái cưng của mình - nghệ nhân thiết kế áo dài Lan Hương (áo đỏ)

Gần 30 năm công tác xã hội, cả hai vợ chồng luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Cũng trong thời gian đó, ông bà còn ý hợp tâm đầu trong việc nuôi dạy các con ăn học trưởng thành, làm gương cho các con với những đức tính “chăm chỉ, chịu khó, khiêm nhường”. 

Ông bà có chung nguyên tắc dạy con rất khắt khe, yêu thương con nhưng không chiều chuộng. Những điều bố mẹ dạy con được coi như là “của để dành” cho con sau này mang vào đời.

Nhà có hai cô con gái, ông bà khuyên: “Có những ông bố bà mẹ chọn dâu hay nhìn vào gầm giường và xó bếp. Vì vậy các con phải chú ý gầm giường, đảm bảo sạch sẽ. Còn góc bếp thì củi phải xếp ngay ngắn, kiềng không được bám tro, nồi xoong nhẵn nhụi, sạch bóng, treo đúng vị trí. Bát, đĩa úp thẳng hàng và đũa thì cắm đầu đuôi chuẩn từng chiếc”. 

Các con của ông bà đều là người thành đạt, sống có ích cho xã hội. Đặc biệt là cô con gái đầu lòng đã tiếp nhận trọn vẹn sự chăm chỉ, kiên nhẫn, tỉ mẩn từ bố mẹ. Cô trở thành nghệ nhân áo dài, chỉn chu trong từng đường kim mũi chỉ….

Cặp đôi người mẫu vedette

Cô con gái đó là Lan Hương, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Cảm động trước mối tình lãng mạn của bố mẹ, cô bật ra sáng kiến đưa hình tượng của bố mẹ mình vào hiện thực trình diễn thời trang ở nhiều vùng miền trên các châu lục.

Quả nhiên, ông bà rất xuất sắc trong vai trò người mẫu cao tuổi, là cặp đôi trình diễn nhiều bộ sưu tập áo dài Việt Nam trong nước cũng như quốc tế. Trong đó phải kể đến những chương trình giới thiệu các bộ sưu tập của cô con gái tại Paris, Roma, Seoul, Bắc Kinh…

Các chương trình này không thể thành công nếu thiếu cặp đôi người mẫu Lê Khéo - Nguyễn Loan. Có vô số album ảnh của hai cụ, rạng ngời hạnh phúc viên mãn trước sự ngưỡng mộ của bạn bè năm châu. 

Cặp đôi người mẫu Lê Khéo - Nguyễn Loan tự tin trên sân khấu thời trang, bên cạnh các người mẫu chuyên nghiệp
Cặp đôi người mẫu Lê Khéo - Nguyễn Loan tự tin trên sân khấu thời trang, bên cạnh các người mẫu chuyên nghiệp

Album Nắm tay nhau đi khắp thế gian đã ghi lại rất nhiều khoảnh khắc thăng hoa trong tình yêu bền chặt của ông bà ở các địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đó là những chuyến du ngoạn mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.

“Ông/bà là của các cháu, bố/mẹ là của các con và anh là của em…” - bà đặt ra quy ước như vậy để thấy rằng tình cảm ông bà dành cho nhau là vô đối. 

Hiện ông Lê Khéo đã 82 tuổi và bà Loan Nguyễn đã 77 tuổi nhưng họ vẫn gọi thưa với nhau “anh anh em em” rất ngọt ngào. Hai cụ luôn tình tứ bất cứ đâu. Những cử chỉ tình cảm ấy được thể hiện một cách tự nhiên như hơi thở.

Tình yêu chân thành, lối sống dung dị đã vun đắp cho hôn nhân của ông bà bền vững bên con cháu. Hằng ngày hai cụ vẫn chăm chút cho nhau, trìu mến, ấm áp, mặn nồng như thuở đôi mươi trên công trường amiăng.

Khi được hỏi về bí quyết giữ hạnh phúc của ông bà là gì, ông bà vui vẻ trả lời: “Chồng nóng thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hạt nào”.

Ông bà cũng thống nhất tinh thần: “Dẫu tuổi cao nhưng phải luôn tham gia các hoạt động đoàn thể để tuổi già sống có ý nghĩa hơn, đồng thời nâng cao sức khỏe thể chất. Ngoài ra, vốn sống của người già rất phong phú nên chúng tôi luôn tâm niệm kiên trì chỉ bảo dạy dỗ con cháu, giúp chúng xây dựng gia đình hạnh phúc, khuyến khích con cháu hướng tới những điều tốt đẹp”. 

Khánh Phương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI