edf40wrjww2tblPage:Content
Bà Lê Thị Minh - Mẹ của anh Hanh trình bày nghi vấn về vụ việc
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Mẹ Y.H. trả lời câu hỏi của phóng viên
TỰ TỬ HAY BỊ ĐÁNH?
Ngày 12/3, khi Hanh đang sống “thực vật” tại BV Phục hồi chức năng Q.8, TP.HCM, chị Lương Thị Thu Nguyệt (thường trú tại thôn Lâm Tuyền 2, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) - chị ruột của Hanh, đã gửi đơn đến Báo Phụ Nữ, nhờ giúp đỡ làm sáng tỏ vụ việc.
Chị Nguyệt kể: “Ngày mùng Bốn Tết Giáp Ngọ, Hanh xin gia đình đi họp lớp với bạn học phổ thông. Khoảng 16g30 chiều hôm ấy, gia đình nhận được tin của công an báo rằng em đã tự tử ở nhà bạn gái, đang cấp cứu ở trạm y tế Lâm Tuyền. Chúng tôi đến trạm thì thấy máu bắt đầu ộc ra đầy mũi miệng Hanh, phải chuyển em lên BV Đơn Dương, rồi BV tỉnh Lâm Đồng. Ba mẹ tôi đã xuống nhà Y.H., bạn của Hanh, hỏi thăm và nghe bà Nguyễn Thị Thanh Nga, mẹ của Y.H. kể: sau khi bị phát giác đang làm “chuyện người lớn” với Y.H., do bị gia đình Y.H. và công an thôn truy hỏi nên Hanh đã vào nhà vệ sinh của gia đình treo cổ tự tử. Mãi lo chạy chữa cho em trai, chúng tôi không để ý gì thêm”.
Sau đó, khi bà Lê Thị Minh, mẹ của Hanh đi chợ, một số người hàng xóm của nhà Y.H. cho biết: khi xảy ra sự việc, họ nghe tiếng các anh của Y.H. mắng chửi, tiếng đánh đập từ nhà Y.H. Lúc đó còn có anh trai, anh rể của Y.H. chứ không chỉ có Y.H., chị gái và mẹ. Họ đề nghị gia đình nên xem lại thương tích của Hanh. Ngày 14/2/2014, Hanh mở mắt và co giật, được bác sĩ cho chuyển ra phòng ngoài, đề nghị gia đình cử người theo dõi. Bà Minh lúc này mới xem kỹ người Hanh thì thấy lưng con trai đầy những vết trầy xước như bị đánh bằng roi, đầu Hanh cũng có nhiều vết thương, bên hông phải có vết lở nghi do bị đánh. Chị Nguyệt đã mời thợ ảnh chụp lại những vết thương này và viết đơn khiếu nại gửi công an thị trấn, huyện và công an tỉnh, đề nghị làm rõ vụ việc.
Em Lương Văn Hanh vẫn đang hôn mê…
NHỮNG NGHI VẤN
Theo hình ảnh do gia đình Hanh cung cấp, những vết thương trên người Hanh khá lạ, nói là treo cổ tự tử nhưng đầu, mặt, hông và lưng của em có rất nhiều vết thương. Đặc biệt, ở lưng có vô số vết thương chằng chịt. Chị Nguyệt nói: “Nếu chỉ là nói chuyện bình thường hoặc bị một hai cái tát, sao em tôi lại đầy thương tích? Nếu tự treo cổ, tại sao vết thương của em tôi hằn sâu cả hai bên và phía sau cổ chứ không chỉ là vết ngang yết hầu?”. Trong khi đó, kết luận trong bệnh án của tất cả các BV chỉ đơn giản là: “Thiếu oxy não do thắt cổ”.
Chúng tôi tìm đến nhà của Y.H. ở thôn Hamasin, nơi xảy ra vụ việc. Bà Thanh Nga miễn cưỡng tiếp chúng tôi. Bà cho biết: “Gia đình tôi đang rất đau buồn, con gái bị ô danh, gia đình lại rơi vào nghi vấn mưu hại người khác”. Bà kể, buổi trưa ngày xảy ra sự việc, do đi làm rẫy về mệt, sau khi ăn xong bà giao cho H. rửa chén và đi ngủ. Thức dậy, bà thấy chén vẫn còn nguyên nên gọi chị của H. đi tìm em. Người chị tìm không thấy em nhưng thấy một chiếc xe máy ai đó để trên đồi gần nhà đã khóa cổ nên về báo với bà Nga, hai mẹ con cùng khiêng chiếc xe từ trên đồi xuống sân nhà. Bà Nga kể tiếp: “Lúc này, tôi chợt nhớ ra lúc trưa bé H. xin tôi đi tắm hồ... Tôi bảo con đến tìm em chỗ đó. Đến nơi, con chị phát hiện H. và người thanh niên lạ kia đang làm chuyện bậy. Vừa la em, bắt em mặc quần áo, con bé vừa lấy chiếc điện thoại của em ném xuống hồ. Tôi bắt H. vào buồng nghỉ, trông ra ngõ thì thấy người thanh niên đó đang từ trên đồi đi xuống. Sợ anh này lấy xe đi mất, con gái lớn của tôi mới ngồi trên yên xe, đề nghị vô nhà nói chuyện. Cậu thanh niên không đồng ý, giằng co chiếc xe với chị của H. Lúc này, cháu gái tôi ghé thăm, thấy chuyện bất bình đã gọi thêm một cháu trai tên Tường đến. Trong lúc tranh cãi qua lại, Tường hai lần tát và một lần lấy chân đá người cậu ấy. Thấy cậu ta cứ quanh co không nói rõ cha mẹ, nhà cửa ở đâu, Tường gọi điện thoại mời anh Khánh công an thôn đến để nói chuyện. Anh Khánh vào nghe sự việc, đề nghị xem giấy CMND, thấy cậu ta họ này mà kể là bố họ kia nên bắt phải nói rõ ràng hơn, đề nghị cậu ấy mời ba mẹ qua nhà tôi nói chuyện. Đang nói chuyện, cậu ta xin vào nhà vệ sinh rửa tay. Tôi nhìn theo, thấy cậu vừa vào trong chốt cửa đã lấy hai tay luồn dưới áo như đang kéo vật gì đó ra. Sau đó tôi nghe tiếng gì như cậu đang ói rồi im luôn. Một lúc sau, anh Khánh vào hỏi cậu ta đâu, Tường gọi nhiều lần không lên tiếng nên xô cửa nhà tắm vào thì thấy cậu ta đã treo cổ trong đó. Anh Khánh dùng kéo cắt dây treo cổ, đưa cậu ra hô hấp nhân tạo, nhưng không thấy tỉnh mới đưa đi. Chuyện chỉ có vậy thôi”.
Khi vào xem nhà tắm của gia đình bà Nga, phóng viên nhận thấy bông gió bằng gạch đỏ phía trên nhà tắm vẫn còn nguyên (là nơi bà Nga nói Hanh treo dây buộc cổ), được gắn ở tầm cao khoảng 1,5m, trong khi Hanh cao hơn 1,6m. Điều khiến dư luận quan tâm chính là nghi vấn về sợi dây thắt cổ mà bà Nga cho là do Hanh đem theo. Nhiều người dân ở thị trấn Dran bức xúc: Một chàng trai hẹn hò với người yêu thì đem theo dây thừng làm gì? Tại sao đang nói chuyện thì Hanh lại xin đi rửa tay? Tại sao vết thắt dây lại vòng quanh cổ nạn nhân, mà vết đậm nhất nằm ở phía sau cổ...
LIỆU CÓ “CHÌM XUỒNG”?
Chúng tôi tìm gặp ông Vũ Đình Khánh, công an viên thôn Hamasin, ông Khánh cũng thuật lại vụ việc tương tự bà Nga. Ông nói: “Tôi chỉ được mời đến chứng kiến vụ việc khi gia đình Y.H. phát hiện việc Hanh và Y.H. làm “chuyện người lớn”. Trong khi chờ Hanh đi rửa tay, tôi ra sân hút thuốc, định là sẽ tiếp tục nói chuyện khi cậu ấy trở ra, không ngờ diễn biến như vậy”.
Trả lời câu hỏi: “Khi xảy ra sự việc, Y.H. (sinh ngày 18/8/1999), chưa đầy 15 tuổi, nếu Hanh có hành vi giao cấu với em, sao ông Khánh không đề nghị đưa vụ việc về xã giải quyết mà lại làm theo yêu cầu của người nhà nạn nhân là xử lý vụ việc tại chỗ?” - ông Phạm Thành Dũng, Phó trưởng Công an thị trấn Dran giải thích: “Anh Khánh chỉ là công an thôn, là lực lượng không chính quy, nên kiến thức không đầy đủ. Có lẽ rằng anh nghĩ chủ quan, là để hai gia đình “thương lượng” trước nên mới vậy”.
Từ nhà bà Nga, nhìn lên ngọn đồi, nơi bà cho là Hanh đã dựng chiếc xe máy khóa cổ, chúng tôi không hiểu làm cách nào mà bà và con gái khiêng nổi chiếc xe máy đã khóa cổ từ trên cao xuống nhà. Và tại sao đến tận lúc này, cơ quan công an vẫn chưa đến bệnh viện đề nghị trưng cầu giám định thương tật của Hanh?
Trao đổi với phóng viên, thượng tá Đặng Bảo Ánh, Phó trưởng Công an huyện Đơn Dương cho biết: “Vụ việc đang trong quá trình điều tra. Nạn nhân đang chết lâm sàng. Không có chứng cứ, nhân chứng gì nên rất khó. Chúng tôi đang chờ Hanh tỉnh lại để lấy lời khai”. Trả lời câu hỏi: “Vì sao công an không thụ lý vụ việc từ đầu, cho dù là một vụ tự tử?”, ông Ánh đề nghị Báo Phụ Nữ chuyển công văn để cơ quan điều tra công an huyện trả lời sau.
Giả sử Hanh không bao giờ tỉnh lại, vụ việc này liệu có “chìm xuồng” vì công an huyện không thể “chờ” được để lấy lời khai?
NGHI ANH
Luật sư Phạm Lĩnh Sơn (Phó văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ số 6) nhận định: “Vụ án này có hai hành vi phạm tội, một là hành vi của Hanh vi phạm điều 115 tội "giao cấu với trẻ em" (người bạn gái của Hanh mới 15 tuổi). Trường hợp xác định Hanh là kẻ phạm tội, sau khi bị phát hiện bắt quả tang, nếu bị những người nào đó đánh đập tra tấn... gây thương tích thì đây là hành vi phạm tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (điều 114 Bộ luật Hình sự). Ngoài ra, theo điều 82 đến 87, Bộ luật Tố tụng hình sự, đúng ra ông Vũ Đình Khánh, công an viên của thôn Hamasin, phải bắt giữ Hanh (người phạm tội bị bắt quả tang) áp giải về trụ sở, lập biên bản, sau đó chuyển giao cho công an huyện. Việc ông Khánh bỏ đi chỗ khác, sau đó để xảy ra sự việc là có lỗi. Gia đình Hanh có thể làm đơn khiếu nại đến viện kiểm sát, cơ quan điều tra công an huyện đề nghị làm rõ trách nhiệm của công an viên. |