Nam sinh “khuynh đảo” đầu ra Trường đại học Bách khoa TPHCM với thành tích học tập khủng

25/04/2025 - 06:37

PNO - Trong số 1.088 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp đợt 25 và 26/4, Lã Nguyễn Gia Hy - Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính là sinh viên có thành tích nổi trội. Tốt nghiệp trước hạn, xếp loại Xuất sắc với điểm trung bình tích lũy - GPA 4/4.0.

Sở hữu thành tích học tập khủng

Là một trong những sinh viên được tốt nghiệp trước hạn đợt cuối tháng 4 này của Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Lã Nguyễn Gia Hy, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo được nhà trường khen tặng huy chương Vàng khi đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Cụ thể, Gia Hy đạt điểm trung bình tích lũy tuyệt đối với 4.0/4.0; điểm rèn luyện toàn khóa 93 và chứng chỉ IELTS 8.0.

Nam sinh còn sở hữu hàng loạt thành tích khủng, như: danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc gia, cấp trường năm 2023, 2024; sinh viên xuất sắc toàn diện năm học 2023-2024; đạt học bổng khuyến khích học tập 6 học kỳ liên tiếp do Trường đại học Bách khoa trao tặng…

Gia Hy vốn là học sinh chuyên toán ở Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), được tuyển thẳng vào Trường đại học Bách khoa TPHCM khi đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn toán.

Thời học phổ thông, Gia Hy cũng từng “khuynh đảo” trong giới học sinh của trường khi sở hữu hàng loạt thành tích, danh hiệu, như: Huy chương Vàng môn toán lớp Mười kỳ thi Olympic 30/4, giải Nhất Học sinh giỏi cấp thành phố môn toán lớp Mười một, và đạt điểm tuyệt đối trong cuộc thi toán quốc tế Singapore & Asian Schools Math Olympiad (SASMO) năm lớp Mười.

Lã Nguyễn Gia Hy, khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo được nhà trường khen tặng huy chương vàng khi đạt thành tích xuất sắc trong học tập.  Cụ thể, Gia Hy đạt điểm trung bình tích lũy tuyệt đối với 4.0/4.0; điểm rèn luyện toàn khóa 93 và chứng chỉ IELTS 8.0 - Ảnh: N.Q
Lã Nguyễn Gia Hy tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa với điểm GPA tuyệt đối 4.0/4.0; điểm rèn luyện toàn khóa 93 và chứng chỉ IELTS 8.0 - Ảnh: N.Q

Nói về lý do theo đuổi chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI), Gia Hy cho biết, từ nhỏ đã hứng thú với những khả năng ấn tượng của AI. Đặc biệt là khi biết đến các hệ thống có thể chơi cờ, như AlphaGo của Google đánh bại kỳ thủ hàng đầu thế giới ở bộ môn cờ vây, vốn được xem là một trong những thử thách phức tạp nhất đối với máy tính.

“Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT hay Deepseek càng khiến mình tò mò và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cách những hệ thống này hoạt động. Ngoài ra, các môn học trên trường như học máy và nhập môn trí tuệ nhân tạo đã giúp mình tiếp cận nền tảng kiến thức bài bản, từ đó càng làm rõ hơn đam mê và định hướng lâu dài của em với lĩnh vực này”, Gia Hy chia sẻ.

Trong quá trình học, Gia Hy tham gia một số dự án nghiên cứu và kỹ thuật thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tiêu biểu như: chatbot tư vấn tuyển sinh của trường và hệ thống phân loại rác thải bằng AI.

Nam sinh tâm đắc nhất đề tài tốt nghiệp: nghiên cứu phương pháp phân loại rác thải thông qua học tự giám sát (self-supervised learning). Đề tài tập trung vào việc khai thác hiệu quả dữ liệu chưa gán nhãn bằng cách kết hợp giữa học biểu diễn và phân cụm, từ đó giúp mô hình tự động học đặc trưng hữu ích mà không cần quá nhiều dữ liệu nhãn.

"Hướng tiếp cận này không chỉ góp phần cải thiện độ chính xác của mô hình phân loại mà còn giúp giảm đáng kể chi phí gán nhãn - vốn là một trở ngại lớn trong các ứng dụng thực tế như xử lý rác thông minh ở môi trường có nhiều biến động”, nam sinh cho biết.

Hy đang là thành viên của nhóm nghiên cứu URA do phó giáo sư, tiến sĩ Quản Thành Thơ hướng dẫn nhằm phát triển các phương pháp nhằm cải thiện khả năng phản hồi và tính cá nhân hóa cho chatbot tuyển sinh của trường.

Tân cử nhân còn tham gia viết 1 bài báo khoa học với vai trò là tác giả chính. Hiện tại bài báo này đã được gửi đến 1 hội nghị quốc tế Rank B, chuyên về các hệ thống thị giác thông minh. Dự kiến sẽ có kết quả vào giữa tháng Năm này.

Nội dung bài báo đề xuất 1 phương pháp học không giám sát, tức là không cần nhãn từ con người, giúp mô hình tự học cách phân loại hình ảnh. Cụ thể, mô hình được huấn luyện theo 2 giai đoạn: đầu tiên là học đặc trưng hình ảnh thông qua việc so sánh các phiên bản khác nhau của cùng một hình ảnh, sau đó là gán nhãn tạm thời cho dữ liệu để mô hình học cách phân loại.

Lên kế hoạch học tập rõ ràng để tốt nghiệp sớm

Nói về thành quả học tập của mình, Gia Hy cho biết, đã lên kế hoạch học tập rõ ràng và tận dụng thời gian hiệu quả để có thể tốt nghiệp sớm mà vẫn duy trì kết quả tốt.

Đầu tiên, chủ động học trước các môn cơ sở và chuyên ngành vào kỳ nghỉ hè để có thêm thời gian ôn thi kỹ hơn vào cuối kỳ và dành thời gian cho các bài tập lớn. Với cách này, Hy có thể ôn lại kiến thức 2 lần: một lần trong hè và một lần trước kỳ thi.

Thứ hai, dành thời gian đọc kỹ giáo trình (khoảng 400-500 trang, tập trung vào các chương được giảng trên lớp) để hiểu bài một cách toàn diện, thay vì chỉ học qua slide; chủ động tìm thêm tài liệu từ YouTube và làm các đề thi của các trường khác để mở rộng góc nhìn.

Để tốt nghiệp sớm và đạt thành tích tốt, Gia Hy đã chủ động lên kế hoạch học tập rõ ràng - Ảnh: N.Q
Để tốt nghiệp sớm và đạt thành tích tốt, Gia Hy đã chủ động lên kế hoạch học tập rõ ràng - Ảnh: N.Q

Thứ ba, để tốt nghiệp sớm, Gia Hy tìm hiểu kỹ quy chế học vụ và xây dựng lộ trình phù hợp. Trong đó yêu cầu quan trọng là phải hoàn thành Đồ án chuyên ngành trước khi làm Đồ án tốt nghiệp. Vì vậy, Hy đã thực hiện đồ án này sớm vào học kỳ 2 năm 3.

“Đây cũng là giai đoạn thử thách nhất với mình khi cùng lúc phải học môn Nguyên lý ngôn ngữ lập trình là môn khó nhất ngành, đồng thời làm đồ án và tìm nơi thực tập. Tuy nhiên, nhờ hoàn thành Đồ án chuyên ngành sớm mà học kỳ cuối nhẹ nhàng hơn, do chỉ còn 7 tín chỉ. Mình đã tận dụng cơ hội này để học cải thiện một số môn chưa đạt kết quả tốt nhất. Dành nhiều thời gian ôn tập hơn giúp mình đạt điểm A cho tất cả, cải thiện đáng kể điểm trung bình tích lũy”, Gia Hy bật mí.

Nói về dự định của mình, tân cử nhân cho biết, sẽ theo học các chương trình sau đại học chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo tại những trường đại học có thế mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực này. Đồng thời mong muốn tiếp tục tham gia các dự án ứng dụng AI vào các vấn đề thực tiễn, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tác động xã hội tích cực như phân loại, xử lý chất thải, tự động phát hiện lỗi và tối ưu vận hành trong sản xuất.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI