Nam sinh khiếm thị học 2 đại học, nghiên cứu thiết bị dò đường

14/01/2025 - 10:53

PNO - Học cùng lúc 2 đại học lớn, Huỳnh Ngọc Hiếu còn tham gia nghiên cứu thiết bị nhận biết vật cản cho người khiếm thị bằng tia laser.

Hiếu (thứ hai từ trái qua) và các thành viên nhóm B-WINGS đang trình bày về dự án thiết bị nhận biết vật cản cho người khiếm thị bằng tia laser - Ảnh: N.H
Hiếu (thứ hai, từ trái qua) và các thành viên nhóm B-WINGS đang trình bày về dự án thiết bị nhận biết vật cản cho người khiếm thị bằng tia laser - Ảnh: N.H.

Học để… trở thành người bình thường

Sinh ra với đôi mắt sáng như bao người khác, nhưng căn bệnh u não nguyên bào di căn từ lúc 7 tháng tuổi đã cướp đi đôi mắt của Hiếu. “Lúc đó còn quá nhỏ, nên trong ký ức, em không nhớ ánh sáng là gì” - Huỳnh Ngọc Hiếu (20 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) nói. Sau 5 năm ròng rã trong bệnh viện, đúng 6 tuổi, Hiếu đi học lớp Một ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Một năm sau, Hiếu chuyển ra học hòa nhập.

Hiếu còn nhớ như in: “Suốt những năm học phổ thông, ngày nào chở em tới cổng trường mẹ cũng ôm thật chặt và nói cố gắng học con nhé. Đến mức, câu nói như đồng hồ báo thức, mỗi lúc buồn ngủ trong giờ học hay gặp khó khăn, nó cứ văng vẳng bên tai, làm em cố gắng không ngừng”. Để theo kịp bạn, Hiếu tập trung ghi nhớ và hiểu lời giảng của thầy cô ngay tại lớp. Lên bậc THCS, khi số môn học nhiều hơn, Hiếu ghi âm rồi tối nghe lại. “Em nghe bài giảng nhiều tới mức cha mẹ em cũng thuộc bài luôn” - Hiếu hài hước kể.

Nỗ lực ngày đêm, Hiếu không chỉ theo kịp các bạn mà còn là học sinh giỏi 12 năm liền và đậu vào đại học. Bà Lê Thị Thu - mẹ Hiếu chia sẻ: “Năm 2023, lúc con nhận thông báo đậu Đại học Kinh tế TPHCM, tôi không kìm được nước mắt. Tôi không dám tin con có thể đậu đại học”. Trở thành sinh viên, Hiếu đã tự lập bước chân ra thế giới bên ngoài. Không những chủ động việc đi lại, Hiếu còn khiến gia đình, bạn bè và thầy cô nể phục khi trở thành sinh viên xuất sắc với kết quả học tập năm nhất lên tới 3.82/4.0.

Đang theo học ngành công nghệ marketing tại Đại học Kinh tế TPHCM, Hiếu nhận làm marketing truyền thông cho Dự án phi lợi nhuận Sắc Màu, thấy sự tương trợ giữa lĩnh vực marketing và truyền thông trong thời đại số hiện nay nên nuôi ý định học thêm ngành thứ hai. Với bài luận nói về dự định của mình và giấc mơ được du học để bước ra thế giới bên ngoài, cùng kết quả học tập xuất sắc tại Đại học Kinh tế TPHCM, tháng 8/2024, Hiếu giành được học bổng toàn phần ngành truyền thông của Đại học RMIT Việt Nam, và bắt đầu học cùng lúc 2 trường.

“Càng học em càng nhận ra rằng chỉ có học mới giúp em bước ra khỏi bóng tối của cuộc đời mình. Em khao khát có thể đi khắp thế giới, có thật nhiều tri thức để tự tin thực hiện những giấc mơ như một người bình thường” - Hiếu nói.

Nuôi ước mơ về thiết bị dò đường giá rẻ cho người mù

Đeo thiết bị dò đường trước bụng, nhiều đêm liền Hiếu trực tiếp ra công viên, khu vực công cộng để thử nghiệm - Ảnh: Nguyễn Loan
Đeo thiết bị dò đường trước bụng, nhiều đêm liền Hiếu ra công viên, khu vực công cộng để thử nghiệm - Ảnh: Nguyễn Loan

Không chỉ xuất sắc trong học tập, Hiếu còn tham gia nhiều dự án cộng đồng, các hoạt động xã hội. Đặc biệt, với ấp ủ tạo ra thiết bị dò đường cho người khiếm thị từ thời còn học phổ thông, gặp được Nguyễn Duy Khang (sinh viên ngành kỹ thuật cơ điện tử, Trường đại học Cần Thơ) Hiếu đã chia sẻ ý tưởng này. Cả hai lập ra nhóm B-WINGS với 7 thành viên để thực hiện dự án thiết bị nhận biết vật cản cho người khiếm thị bằng tia laser, có tích hợp GPS. Hiếu đóng vai trò là người đề xuất ý tưởng cũng như trực tiếp thử nghiệm, đánh giá và cải thiện thiết bị.

Tại chương trình Học bổng SCG Sharing the Dream mới đây (do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM và Tập đoàn SCG tổ chức), dự án thiết bị nhận biết vật cản cho người khiếm thị bằng tia laser của nhóm B-WINGS trở thành 1 trong 2 đại diện của Việt Nam tham dự ESG Ambassador 2024 tại Thái Lan.

Dự án còn được Trung tâm DRD Việt Nam và Hội Người mù Việt Nam ủng hộ. Hiện thiết bị đã khá hoàn thiện ở phiên bản thứ ba.

Để nghiên cứu thị trường, Hiếu đi khắp các cửa hàng, trực tiếp thử nghiệm hầu hết thiết bị dò đường cho người mù. Nam sinh nhận định, mỗi loại máy đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng và giá thành còn khá cao, 60-70 triệu đồng. Nhóm của Hiếu đặt ra mục tiêu thiết bị mình làm ra có thể khắc phục được các nhược điểm của những dòng máy đang có, sử dụng từ đồ tái chế, tiết kiệm chi phí và mức giá thấp chỉ ở mức 2-3 triệu đồng.

Nguyễn Duy Khang - Trưởng nhóm B-WINGS - chia sẻ: “Làm việc với Hiếu bọn em thấy được năng lượng tích cực luôn tỏa ra từ bạn cũng như ý chí và nghị lực học tập phi thường. Em học hỏi được rất nhiều từ nam sinh xuất sắc này”.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI