Nam sinh giành 8.5 IELTS đam mê thiện nguyện

16/11/2021 - 07:07

PNO - Nguyễn Lê Đăng Khoa (18 tuổi), cựu nam sinh Trường THPT Quốc học Huế từng khiến giới chuyên Anh trầm trồ khi ngay lần thi đầu tiên đã đạt luôn 8.5 IELTS. Không chỉ giỏi tiếng Anh, chàng trai gen Z còn rất đam mê những hoạt động xã hội vì cộng đồng.

Làm thiện nguyện từ lớp 8

Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Lê Đăng Khoa đã có mong muốn được tham gia các hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng. Cơ hội đầu tiên để cậu bắt tay vào thực hiện mong muốn chính là lúc đang học lớp 8. Thời điểm ấy là năm 2017, Đăng Khoa vô tình đọc được dòng thông báo tuyển tình nguyện viên dạy tiếng Anh ở Làng trẻ em SOS Huế do nhóm tình nguyện Lá thực hiện. Sau khi suy nghĩ và nhận được sự khuyến khích của bố mẹ, cậu quyết định đăng ký tham gia. 

Sau nhiều vòng tuyển chọn, Đăng Khoa mới được làm thành viên của nhóm gồm 12 tình nguyện viên, hầu hết là các anh, chị học sinh cấp III và sinh viên đại học. Là thành viên nhỏ tuổi nhất, lại lần đầu tham gia hoạt động xã hội nên Đăng Khoa không khỏi lo lắng, nhất là khi chứng kiến sự năng động giỏi giang của các anh, chị. “Buổi đầu đứng lớp, em khá căng thẳng nên bị hụt hơi, không thể diễn đạt trọn vẹn ý nghĩ của mình với các em nhỏ đang ngồi trước mặt”, Đăng Khoa kể lại. 

Nguyễn Lê Đăng Khoa (x) tham dự và đạt giải xuất sắc tại YAS MUN tổ chức ở TP.HCM năm 2020
Nguyễn Lê Đăng Khoa (áo đen) tham dự và đạt giải xuất sắc tại YAS MUN tổ chức ở TPHCM năm 2020

Chính ánh mắt háo hức của các em nhỏ mồ côi đã giúp Khoa lấy lại tự tin, tập trung xây dựng giáo án, lên chương trình học cũng như dẫn dắt các em trọn vẹn suốt những buổi học tiếp theo. Cũng từ hoạt động tình nguyện đầu tiên này mà chàng trai thuộc thế hệ Z bắt đầu dấn thân vào các hoạt động vì cộng đồng như: dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo tại khu vực vạn đò của TP.Huế, nơi có nhiều trẻ em không được đến trường; sáng lập và điều hành các dự án phi lợi nhuận giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam…

Sáng lập mô hình MUN đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế

Một trong những dấu ấn rõ nét của Đăng Khoa trong các hoạt động cộng đồng là khi bước chân vào Trường THPT Quốc học Huế. Năm 2018, sau khi thi đậu lớp chuyên Anh của trường, Khoa với vài người bạn thảo luận về việc “làm một cái gì đó” cho học sinh trong trường. Nhận thấy các hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh ở Huế còn khiêm tốn, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1/1/2020, Đăng Khoa và hai cô bạn cùng lớp là Triệu Đình và Thảo Dung quyết định “khai trương” một sân chơi mới toanh lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế mang tên Quốc học MUN (Model United Nations). Đây là một mô hình mô phỏng Liên Hiệp Quốc tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, cạnh tranh học tập, trong đó học sinh có cơ hội tìm hiểu về ngoại giao, quan hệ quốc tế và Liên Hiệp Quốc. 

Ít ai hình dùng nổi những người đứng sau Quốc học MUN lại chính là những cô cậu học trò chưa có kinh nghiệm gì về mô hình đầy phức tạp này ngoài những kiến thức tự lượm lặt trên mạng internet cùng sự khát khao, nhiệt huyết và cả liều lĩnh của tuổi trẻ.

Ngay mùa đầu tiên, Quốc học MUN đã thu hút được 30 thành viên là những cá nhân xuất sắc của Trường THPT Quốc học Huế tham gia. Một loạt hoạt động đã được tổ chức như: hội thảo với các chủ đề về giáo dục, y tế, phát triển bền vững… mà Liên Hiệp Quốc đang theo đuổi; các buổi tranh luận giữa học sinh toàn trường về những vấn đề nóng của xã hội… Đặc biệt, Ban Điều hành Quốc học MUN còn tổ chức thành công hai chương trình Mock MUN với những phiên họp giả định do Liên Hiệp Quốc triệu tập các nước tham gia để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến toàn cầu.

Phan Đức - học sinh tham gia Quốc học MUN mùa 1 - chia sẻ: “Các hoạt động MUN đã mang lại cho em những kiến thức và kỹ năng quý giá như: lãnh đạo, làm việc nhóm, tranh luận, tư duy phản biện, thương lượng...”. Mặc dù thành lập chưa tới hai năm, Quốc học MUN đã đạt được không ít thành quả: tham gia hai lần tại OPEN MUN quy mô toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng, đạt giải cao. Riêng Đăng Khoa đã đại diện Quốc học MUN tham gia YAS MUN 2020 được tổ chức tại TPHCM và đoạt giải Đại biểu xuất sắc nhất Hội đồng WHO. Năm học 2020 - 2021, Quốc học MUN còn tổ chức thành công cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp trường với sự bảo trợ của Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế. Ngay sau sự kiện này, nhà trường quyết định đưa cuộc thi trở thành hoạt động hằng năm. 

Cô giáo Hoàng Thị Lệ, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Quốc học Huế, không giấu niềm tự hào khi nhắc đến cậu học trò của mình: “Đăng Khoa không chỉ xuất sắc trong học tập mà còn nổi trội với các hoạt động xã hội. Tôi đặc biệt ấn tượng với sự nhiệt tình, thái độ trách nhiệm với cộng đồng và khả năng lãnh đạo của em”.

Ước mơ phổ cập tiếng Anh cho trẻ em vùng sâu, vùng xa

Giờ đây, chàng trai tài năng xứ Huế đã trở thành tân sinh viên ngành quan hệ quốc tế, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Bên cạnh lịch học khá bận rộn, Đăng Khoa vẫn dành một phần thời gian cho các hoạt động thiện nguyện. Tháng 8/2021, Đăng Khoa đã cùng với Triệu Đình, người bạn thân hồi cấp III và hiện là sinh viên năm nhất Trường đại học Anh Quốc Việt Nam sáng lập Tò Te Mentorship, hỗ trợ học sinh phổ thông trên cả nước chuẩn bị hồ sơ nộp vào các trường đại học ở Mỹ và các nước khác trên thế giới.

 

 

Nguyễn Lê Đăng Khoa cùng các bạn trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia Trường THPT Quốc học Huế năm học 2020 - 2021
Nguyễn Lê Đăng Khoa cùng các bạn trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia Trường THPT Quốc học Huế năm học 2020 - 2021

“Tuy mới thành lập chưa đầy 3 tháng nhưng đã có hơn 100 hồ sơ của các bạn từ 30 tỉnh, thành trên cả nước gửi về nhờ hỗ trợ”, Đăng Khoa cho hay. Tò Te Mentorship hiện đang quy tụ 15 thành viên nòng cốt là những du học sinh tại các trường nổi tiếng trên khắp thế giới; sẽ mang kiến thức và trải nghiệm của bản thân để tư vấn, chỉnh sửa hồ sơ cho các bạn học sinh. Ngoài ra, sẽ có các buổi hội thảo với diễn giả là những nhân vật trẻ tiêu biểu chia sẻ, hướng dẫn về các chủ đề như hướng nghiệp, học tập, khởi nghiệp… “Mục tiêu của Tò Te Mentorship là xây dựng một cộng đồng học thuật lớn mạnh, nơi người trẻ gặp gỡ, trao đổi và giúp đỡ nhau cùng phát triển”, Đăng Khoa chia sẻ. 

Chàng trai trẻ xứ Huế sinh năm 2003 này cũng còn đang ấp ủ một dự án phi lợi nhuận khác với mong muốn phổ cập tiếng Anh cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người trong tương lai. “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa không khác gì một ngôi làng mở, nơi mà mọi người đều có thể kết nối và giao tiếp được với nhau nhờ internet và tiếng Anh”, Đăng Khoa nói và bày tỏ mong muốn một ngày nào đó, trẻ em ở các bản làng xa xôi của Việt Nam có thể tự tin đăng ký các khóa học tại những trường đại học tiếng tăm trên thế giới nhờ khả năng tiếng Anh của mình.

Nói về niềm đam mê được dấn thân vào các hoạt động vì cộng đồng, Đăng Khoa cho biết, ngay từ khi còn là một cậu bé tiểu học, cậu đã được bố mình là một cán bộ làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội thường xuyên cho đi cùng trong các chuyến công tác đến những địa phương hẻo lánh, khó khăn. Nhờ vậy, cậu đã tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh thiệt thòi, khó khăn vất vả của các nhóm yếu thế trong xã hội.  “Những gì được chứng kiến đã thôi thúc em phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Chắc chắn một cá nhân sẽ không thể làm tốt được công việc này. Vì vậy, em sẽ làm với những người bạn cùng chí hướng để lan tỏa tinh thần phụng sự vì cộng đồng”, Đăng Khoa nói. 

Các thành tích đáng nể của Đăng Khoa: 

- Đạt điểm 8.5 kỳ thi IELTS trong lần thi đầu tiên vào tháng 2/2021.
- Giải ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm học 2020 - 2021
- Finalist học bổng UWC năm 2020.
- Giải nhì môn tiếng Anh cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế bảng Chuyên năm học 2020 - 2021.
- Giải bài luận xuất sắc nhất cuộc thi Chlorophyll Writing Competition bởi OverSee và Inception năm 2020.
- Giải nhì cuộc thi "Tôi của tương lai" do Trường đại học RMIT Việt Nam tổ chức năm 2018.

Thủy Tiên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI