Năm sau không về quê ăn tết nữa?

20/02/2021 - 11:19

PNO - Hy vọng chuyện không vui nhanh chóng bị quên lãng, để tết năm sau, những người con xa quê lại nô nức mong về.

Sau tết, đám “bà tám” tụi tôi có dịp ngồi lại, hỏi han nhau về những ngày tết sum họp. Người đầu tiên lên tiếng là chị Trinh, chị nói thẳng, từ giờ chị sẽ không về tết nữa.

Quê chị Trinh ở ngoài Bắc, chị sống xa nhà đã mười lăm năm nên chỉ mong tết để về thăm nhà. Nhưng năm nay quả là năm cực hình với chị. Vé đã mua từ trước, đến gần ngày về lại nghe tin dịch COVID-19 bùng phát, mấy mẹ con chị cứ phân vân nửa muốn về nửa không, sợ về rồi không vào được. Đắn đo tính toán, thêm vụ vé máy bay không được hoàn nên mẹ con chị kéo vali về.

Cảnh vạ vật tàu xe thường thấy ngày tết - Ảnh minh họa
Cảnh vạ vật chờ tàu xe thường thấy mùa "tết COVID" - Ảnh minh họa

Ngày về, chị bị đau dạ dày đến vã mồ hôi, chắc do mấy ngày trước căng thẳng quá nên bệnh tái phát. Ra sân bay, chị nằm co quắp trên ghế chờ, đã vậy máy bay còn trễ giờ hơn 2 tiếng đồng hồ. Chị muốn hủy vé không bay nhưng nhân viên của hãng nói chỉ khi nào máy bay trễ ba tiếng vé mới được hủy.

Mấy ngày tết, mặc ai ra ra vào vào, chị cố thủ trên giường, hai đứa trẻ lạ nước lạ cái, người lớn thì còn bao việc phải làm nên cũng không để ý đến chúng được. Ba mẹ con chị cũng  ngại dịch nên sau khi đi ra xã khai báo y tế xong thì không đi đâu. Nhà ai cũng người già trẻ nhỏ, lỡ lây bệnh lại mất tết.

Thế là ba mẹ con chị ăn tết... trên giường, thậm chí chú bác còn không biết chị về. Giờ đã yên ổn rồi nhưng cứ nghĩ lại cảnh vạ vật ở sân bay bốn năm tiếng đồng hồ với những đề phòng, cảnh giác, bụng đau, con dại... chị toát mồ hôi. Chị nói với bố mẹ, từ năm sau sẽ không về nữa, chị sẽ chuyển qua về dịp hè cho thong thả. 

Chị Huyền thì có chút chạnh lòng khi kể về mấy ngày tết. Về nội, chồng Huyền như "cá gặp nước" khi gặp lại bạn cũ, đi thăm người này người kia. Huyền vì vướng con gái nhỏ, thêm sợ trời lạnh nên ở nhà. Bố mẹ chồng Huyền ở cùng gia đình cô út tên Liên. Liên đi tối ngày, hai đứa nhỏ quăng cho ông bà. Nên khi Huyền về, Huyền chỉ ở nhà trông trẻ và dọn dẹp. 

Thế nhưng đồ đạc nhà Liên vứt lung tung đã quen, khi dọn Huyền bỏ vào một chỗ, Liên tìm không thấy thì nháo nhào bóng gió "ai khiến!".

Liên đi đâu cũng chẳng báo, chẳng khi nào thấy Liên cầm cái chổi quét nhà hay nhặt cọng rau, tất cả do mẹ chồng Huyền cắm cúi từ sáng đến tối. Huyền phụ bà cơm nước thì y như rằng đến bữa sẽ được nghe lời bâng quơ "nấu thứ gì kỳ cục!", thậm chí là "ngồi yên một chỗ cho thái bình!"

Bố mẹ chồng Huyền áy náy, nói Huyền thông cảm, rằng Liên nuôi con một mình bươn chải vất vả nên có hơi chao chát, bẳn gắt. Liên đi làm nhưng vui thì đưa cho bố mẹ ít đồng, buồn thì thôi, ông bà vẫn đang phải cáng đáng ba mẹ con Liên, nhưng nhiều khi cũng cố nhịn cho yên nhà yên cửa.

Nhưng đến tối mùng Hai, khi chứng kiến Liên mắng mẹ vì cho con gái Liên ăn bánh chưng khiến con bé sốt rồi ói thì chồng Huyền không chịu được, anh thẳng tay tát em gái, lôi hết những gì anh thấy mấy ngày nay ra nói một lần. 

Liên đổ tội vì mẹ cho ăn bánh chưng mà con bé sốt, ói. Ảnh minh họa
Liên đổ tội vì mẹ cho ăn bánh chưng mà con bé sốt, ói - Ảnh minh họa

Rằng Liên bất hạnh trong hôn nhân không phải lỗi của bố mẹ, Liên học bạn bè buôn bán để rồi bị bạn lừa mất mấy trăm triệu đồng cũng không phải lỗi của bố mẹ.

Liên ôm con về mẹ, ăn không tốn, ở không tốn, không đụng tay đụng chân làm bất cứ việc gì. Đã không biết ý tứ dọn dẹp còn cành cao. Có con không chăm, bỏ "khoán" cho bố mẹ chăm, ngày tết con bé ăn nhiều bánh kẹo chứ đâu phải riêng miếng bánh chưng...

Chồng Huyền tuyên bố, hết tháng Giêng sẽ đón bố mẹ vào Nam sống cùng, giao nhà cho Liên tự làm, tự lo.

Câu chuyện chùng xuống, Huyền thấy cái tết thật buồn. Cô hy vọng là qua một năm, những chuyện này sẽ nhanh chóng bị quên lãng, để tết năm sau sẽ chỉ còn những điều vui.

Thảo Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI