Tại hội nghị báo cáo chuyên đề về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội do Hội LHPN Q. Tân Bình, TP.HCM tổ chức vào đầu tháng 1/2018, đại tá Lê Hoàng Châu - Trưởng công an Q. Tân Bình - đã dẫn chứng nhiều vụ việc và thủ đoạn lừa đảo, đồng thời lưu ý về nhiều loại tội phạm khác. Theo đại tá Châu, nạn nhân của các vụ lừa đảo đa phần là phụ nữ, do nhẹ dạ, cả tin.
Đông đảo hội viên, phụ nữ P.13, Q.Tân Bình lắng nghe đại tá Lê Hoàng Châu phân tích về thủ đoạn của bọn tội phạm - Ảnh: Phùng Huy
Sợ cũng mất tiền, “yêu” cũng mất tiền
“A lô, hiện gia đình quý khách đang nợ chín triệu tám trăm ngàn đồng. Nếu quý khách không thanh toán thì trong vòng hai tiếng đồng hồ, dịch vụ điện thoại bàn sẽ ngưng phục vụ. Nếu muốn tìm hiểu thêm, quý vị hãy nhấn phím 0…”. Nếu bất chợt nhận được cuộc điện thoại tương tự và người bị hại hoang mang, nhấn vào phím 0, lập tức số máy sẽ bị chuyển sang một số máy khác, là… cơ quan công an. Nạn nhân sẽ nghe tiếp giọng nói của một người đàn ông: “Nhà ông bà đang có nghi án dính líu vào một vụ rửa tiền (hoặc buôn ma túy); đề nghị cung cấp số tài khoản để chúng tôi tìm hiểu”. Những người nghe điện thoại là phụ nữ thường rất hoang mang, hoảng hốt, vội vàng đọc ngay số tài khoản của mình.
Trong năm 2017, tại P.12, Q. Tân Bình, một cô giáo đã mất sạch 1 tỷ đồng trong tài khoản do bị bọn tội phạm gọi điện thoại “khủng bố” ròng rã suốt hai tháng trời. Theo đại tá Châu, tại Q. Tân Bình, từ năm 2014-2017, đã có 56 vụ lừa đảo bằng công nghệ cao, với số tiền thiệt hại lên đến 14 tỷ đồng. Những vụ lừa đảo này được thực hiện qua máy chủ điều hành đặt ở nước ngoài, nên rất khó cho công tác điều tra.
Một hình thức lừa đảo khác là thông qua mạng xã hội. Như trường hợp chị X. (ngụ tại P.2, Q. Tân Bình) kết bạn với một người nước ngoài qua Zalo. Quen được hai tháng, anh ta khoe đang thừa kế 1 triệu USD, muốn chuyển về Việt Nam tặng chị X. và tổ chức đám cưới, nhưng thủ tục chuyển rất khó, cần có 5.000 USD làm thủ tục và yêu cầu chị X. ra ngân hàng chuyển tiền cho hắn. Chị X. đã làm theo.
Hai ngày sau, hắn báo 5.000 USD đã bị chặn ở hải quan, yêu cầu chị X. gửi thêm 3.000 USD để giải quyết việc này. Sau đó, chị X. nhận được cú điện thoại xưng là nhân viên hải quan, cho biết đã nhận được 3.000 USD, nhưng cần gửi thêm 2.000 USD nữa. Mấy ngày sau, chờ hoài không thấy tăm hơi người yêu, mở trang Zalo cũng bặt tăm, chị X. mới biết mình bị lừa.
Một trường hợp khác cũng từng xảy ra với nạn nhân ngụ tại P.13, Q. Tân Bình là chị H. Tội phạm đã đánh cắp mật khẩu tài khoản Zalo của chị T. - một người bạn của chị H., ngụ ở tỉnh Đồng Nai - và "mượn" 30 triệu đồng.
Đại tá Châu phân tích: “Cơ quan điều tra của công an không bao giờ làm việc qua điện thoại; nếu cần, sẽ gửi thư mời, giấy triệu tập đến trụ sở công an làm việc. Cũng không có cơ quan, đơn vị nào yêu cầu công dân chuyển tiền qua tài khoản. Để an toàn, khi nhận được điện thoại với nội dung “lạ”, nên cúp máy ngay lập tức; nếu không, sẽ rơi ngay vào kịch bản lừa đảo đã được dựng lên công phu, bài bản. Với mạng ảo, mọi người phải hết sức cảnh giác, bởi trên mạng, ta không nắm được “bạn” mình là ai, lai lịch thế nào; tốt nhất, chỉ lên mạng giải trí, xả stress. Riêng với khuyến mãi trúng thưởng, cần tìm hiểu đó có phải là hoạt động công khai, được sự cho phép của cơ quan chức năng hay chưa”.
Gặp khó khăn, nên tìm đến Hội
“Chị ơi, chị bán nhà hả? Chị cho em mượn xem giấy tờ nhà với. Em xin phép chụp lại giấy tờ bằng điện thoại nhé?”. Sau cuộc giao dịch mua nhà, khách ra về và hai, ba ngày sau, đến đặt cọc, đòi xem lại giấy tờ lần nữa. Ngay lúc ấy, sẽ có điện thoại, có việc nhà cần về gấp, khách hẹn chủ nhà lúc khác quay lại. Đây là kịch bản để tội phạm tráo toàn bộ giấy tờ nhà, rồi dùng giấy tờ thật rao bán căn nhà trên với giá rẻ.
Đã có khá nhiều vụ án tương tự xảy ra tại Q.Tân Bình. Lời khuyên của công an là: những ai đang rao bán nhà, khi có khách đến xem, bao giờ cũng phải đảm bảo có từ hai người trở lên ở nhà; không bao giờ cho ai tự ý tiếp cận giấy tờ mà thiếu người quan sát, chứng kiến. Nếu là người đi mua nhà, khi căn nhà được rao bán với giá quá rẻ, cần phải đặt nghi vấn, để tránh vướng vào vụ án phức tạp.
Gần đây, những vụ án cho vay nặng lãi xảy ra rộng khắp các phường 10, 11, 12, 13, 14, 15 của Q. Tân Bình và cơ quan chức năng rất vất vả khi giải quyết. Nguyên nhân ban đầu của các vụ này là nạn nhân cần tiền, viết giấy mượn nợ với lãi suất cao. Nếu đưa nhau ra tòa, người vay tiền vẫn thua kẻ cho vay vì đây là thỏa thuận tự nguyện của hai bên. Đại tá Châu khuyên, để phòng tránh tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ, khi gặp khó khăn, bức bách về kinh tế, phụ nữ nên tìm đến đoàn thể của giới mình là Hội Phụ nữ để nhờ giúp đỡ, hỗ trợ, thay vì tìm đến “tín dụng đen”.
Đại tá Châu cũng lưu ý: một loại tội phạm cứ “đến hẹn lại lên” dịp tết, đó là trộm cắp tại các khu nhà trọ. Với loại tội phạm này, cách tốt nhất là tạo mối liên kết tốt giữa những người cùng ở trọ, để cùng nhau bảo vệ tài sản.
Thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN TP.HCM, trong năm 2018, Hội LHPN Q. Tân Bình sẽ phối hợp với công an quận tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm rộng rãi trong các câu lạc bộ, tổ, nhóm thuộc hệ thống Hội ở 15 phường, với nhiều hình thức như báo cáo chuyên đề, tọa đàm, hội thi sáng tác và biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền… trong đó tập trung vào đối tượng đặc thù: học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu nhà trọ, nữ chủ nhà trọ, phụ nữ dân tộc, tôn giáo, nữ thanh niên.
Ngày 21/1, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam quận 3 tổ chức họp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).