Nấm ngứa da đầu, tại sao trị mãi không dứt?

28/03/2023 - 20:08

PNO - Nấm da đầu là một bệnh lý da liễu với những triệu chứng khó chịu và có khả năng lây nhiễm, song việc chữa trị dứt điểm tình trạng này luôn là “bài toán khó” đối với nhiều người.

 

Nấm da đầu không chỉ dễ lây nhiễm mà còn dễ bị tái đi tái lại.
Nấm da đầu không chỉ dễ lây nhiễm mà còn dễ tái đi tái lại

Nấm da đầu tuy không nguy hiểm nhưng rất khó trị dứt điểm. Bạn có biết vì sao?

Hãy cùng bác sĩ chuyên khoa I da liễu Trương Hoàng Anh Thư (từng công tác tại Bệnh viện Hòa Hảo) tìm hiểu về căn bệnh này.

Nguyên nhân gây nấm da đầu

Nấm ngứa da đầu là một dạng viêm nhiễm vùng da đầu và nang tóc do vi khuẩn nấm cư trú gây nên, như chủng nấm Trichophyton hay Pierdraiahortai và Trichosporon beigeli. Khi bị nấm da đầu, dọc theo chân tóc của bạn sẽ xuất hiện những nốt màu trắng/ nâu/ đen, da đầu bị tróc vảy hoặc ngứa ngáy khó chịu, tóc rụng từng mảng.

Vậy đâu là nguyên nhân? Nấm da đầu chủ yếu là do vệ sinh cá nhân kém. Việc gội đầu không đúng cách như chà xát hoặc gãi quá mạnh khiến da đầu bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong. Bạn cũng có thể bị nấm da đầu nếu dùng chung các vật dụng như khăn tắm, lược, mũ, gối... với người bị bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị nhiễm nấm da đầu từ các loài động vật như chó, mèo, gà hoặc ngựa… 

Liệu trình trị nấm ngứa da đầu sẽ kéo dài từ 1-2 tháng tùy triệu chứng nhẹ hay nặng của người bệnh.
Liệu trình trị nấm ngứa da đầu sẽ kéo dài từ 1-2 tháng tùy mức độ của bệnh

Vì sao nấm ngứa da đầu trị mãi không dứt?

Nấm là một dạng vi khuẩn có cấu trúc bền vững và khó tác động, nên khi điều trị nấm ngứa da đầu cần phải kiên trì trong thời gian dài để các sản phẩm trị nấm có thể xâm nhập, tiêu diệt vi khuẩn. Liệu trình điều trị sẽ kéo dài từ 1-2 tháng mới có thể đem lại kết quả rõ rệt. Trong thời gian này, nếu dừng liệu trình, vi khuẩn nấm có thể phát triển trở lại.

Nếu nhiễm nấm nhẹ, có thể dùng nước gội đầu pha với Sulfide Selenium hoặc sử dụng dầu gội đặc trị Nizoral để gội hàng ngày, loại bỏ tóc gãy rụng.

Với trường hợp nặng, khi gội đầu không nên gãi hoặc cào mạnh, vì như vậy sẽ gây xây xát da, dẫn đến bội nhiễm. Sau khi gội đầu, nên dùng khăn phủ trùm toàn bộ tóc. Cũng có thể cắt hết tóc ở vùng da đầu bị nấm, và bôi thuốc diệt nấm hàng ngày. Nếu tổn thương bội nhiễm, nên kết hợp thuốc bôi sát khuẩn tại chỗ và dùng kháng sinh.

Việc chăm sóc vùng da nhiễm nấm không đúng cách cũng như ngưng việc điều trị quá sớm có thể khiến bệnh tái đi tái lại. Vì vậy, nếu đang điều trị nấm da đầu, bạn nên cẩn trọng trong sinh hoạt. Có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa tái nhiễm.

Vệ sinh tóc thường xuyên: Dùng dung dịch kháng khuẩn hay dầu gội chuyên dụng với công dụng diệt nấm để gội và làm sạch da đầu.

Gội đầu vào ban ngày thay vì ban đêm, bởi vì việc bạn đi ngủ với mái tóc ẩm ướt sẽ tạo điều kiện “tuyệt vời” cho vi khuẩn nấm phát triển.

Giữ khô tóc: Tránh để mồ hôi đổ nhiều trên da đầu, cần lau và sấy tóc thật kỹ sau mỗi lần gội.

Tránh tiếp xúc hoặc dùng chung một số vật dụng với người bị nấm.

Hạn chế ôm ấp thú cưng, vệ sinh cơ thể sau mỗi lần tiếp xúc thú cưng.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thay/giặt chăn màn, drap gối.

Thực ra, nấm da đầu không khó chữa, chỉ cần nắm rõ các thông tin về bệnh lý cũng như cách điều trị phù hợp và các biện pháp phòng ngừa kết hợp, bạn sẽ không còn phải lo lắng về tình trạng nấm ngứa da đầu tái phát. 

An Huỳnh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI