“Năm nay lũ to, tụi bây khoan về…”

12/10/2020 - 09:04

PNO - Lũ tràn về cùng bao mất mát. Nhẹ thì ngập nhà, nặng thì bản làng cô lập, đường sá sạt lở, hoa màu, gia súc gia cầm bị nhấn chìm theo biển nước.

Từ nhỏ đến lớn, ngôi nhà cấp bốn nơi xóm nhỏ ven sông của tôi trải qua không dưới chục cơn lũ lớn nhỏ. Ngôi nhà bình thường có nền móng cao nhất xóm, nhấp nhô, ngất ngưởng, là “khắc tinh” của biết bao con nít và người già mỗi lần ghé chơi. Vậy mà lũ vẫn ghé. Quanh nhà, xung quanh mảnh vườn được cha trồng nhiều tre và cây lâu năm như mít, duối, xoan… là khu vườn tạp chẳng đáng đồng tiền nhưng lại có tác dụng chắn sóng, giữ đất mỗi mùa nước bạc.

Ở sát biền, có một cây sung già, gốc to mấy người ôm không xuể, đó là cột mốc, là vật chứng để cả xóm soi mực nước mỗi đận trời mưa dai dẳng, kéo dài. Hễ nước lên ngang tới phần nạng ba của cây là cả xóm bắt đầu hò nhau chạy lũ. Nhà nào có trâu bò thì đưa lên chỗ cao. Rồi heo, gà, chó mèo… bao nhiêu giường tủ, ghế bàn và vật dụng ngày thường được chùi cọ bóng loáng, giờ thành chỗ nằm của chúng hết. Miễn còn người thì còn của, nhưng chỉ khi còn của thì mới nhẹ nhõm lòng người. 

Những lúc chạy lũ, con trai thì theo cha í ới dọn dẹp, cứu nguy cho những tài sản có giá trị cao như gia súc, lúa má, bàn tủ trong nhà, còn những cô con gái thì lo chỗ đứng cho lũ gà mẹ gà con, tìm chỗ kê cao cho mấy bịch quần áo, chăn màn. Mẹ lo chuyện bếp núc, ăn uống trong mấy ngày nước ngâm như chuẩn bị một xô nước ngọt, một thùng gạo và những thứ đồ khô như mắm, muối, dầu hỏa, chụp đèn. Nội cũng nhanh tay gạt một ít tro bếp vào tấm liếp dày, trữ thêm đôi viên gạch hoặc cái chân kiềng để lo chuyện củi lửa. Mỗi người một tay, chẳng ai nề hà nặng nhẹ.

Lũ lụt chia cắt những tuyến đường miền Trung
Lũ lụt chia cắt những tuyến đường miền Trung. Ảnh Internet

Nhưng rồi, người tính không bằng trời tính. Năm nào lũ bói, lũ bé thì êm xuôi, còn năm nào đất trời nổi giận, mưa như trút mấy ngày liền dâng lên cơn đại hồng thủy thì nhà cửa chìm ngập, đồ đạc trôi xuôi, xóm làng tan tác. Tôi nhớ mãi mùa lũ năm 1999. Nước lên nhanh và ào ạt, nước rút thì chậm rề. Trong đêm tối, cha cứ bấm và soi đèn pin mãi vào vách nhà để xem nước rút từng khấc nhỏ. Đến chiều hôm sau, khi nước rút hết, ngoài một đường lằn đậm in trên vách tường thì nhà cửa chẳng còn lại gì đáng giá. Bao nhiêu lúa, đậu, áo quần, sách vở đều đã ngấm bùn. 

Sau lũ, những con nắng bao giờ cũng rực lên một màu vàng chanh trong suốt. Tôi nhớ lúc đó, các cậu và dì ở làng trên đã gom rất nhiều nắp thùng phuy và những tấm tôn mỏng chở về nhà tôi, cùng mẹ hì hục đốt than hong lúa.

Nắng giòn phía trên, than nóng phía dưới, những hạt lúa đã vút lên những sợi mùi rất thơm tho và ấm áp, thế nhưng những bát cơm hẩm thành phẩm sau đó thì chẳng hề ngon tí nào, cả nhà cứ trệu trạo vừa nhai vừa ngóng ra mảnh vườn ngổn ngang xác lá.

Sau lũ sẽ là bùn non, sạt lở. Ảnh minh họa Internet.
Sau lũ sẽ là bùn non, sạt lở. Ảnh Internet.

Năm nay nước lại tràn về. Tôi lấy chồng phương xa nên chỉ kịp ngắm xóm làng qua một vài bức ảnh đăng Facebook từ bà con xóm nhỏ. Cả vùng bạc xóa và mênh mông. Nước chảy xiết và dâng cao hơn cả mùa lụt năm trước, chỉ có sức khỏe của cha mẹ là đã vơi đi, số lượng thành viên trong gia đình cũng vì thời gian mà thay đổi.

Tôi gọi điện bảo cha cứ an tâm dìu mẹ lên sơ tán ở nhà cộng đồng thôn, cái ăn cái uống sẽ có chính quyền lo, còn bao nhiêu mất mát, bộn bề của cải thì chỉ cần nước rút chúng con sẽ bắt xe về phụ cha bù đắp, thu dọn. Cha bảo: “Tụi bây ở đâu thì yên đó, khoan về, năm nay lũ to nên bùn non sẽ rất dày, đi lại vất vả lắm!”. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI