Năm nay không ai thu tiền tổ chức Trung thu...

21/09/2021 - 17:12

PNO - Đang ăn trưa, chị dâu buột miệng: “Sao năm nay chưa có ai đi thu tiền Trung thu của tụi nhỏ nhỉ?”. Tôi bật cười: “Rồi ai đóng tiền phạt tập trung đông người”. Nhớ sao mà nhớ những mùa trăng năm cũ.

Ngày nhỏ, ở quê tôi, mỗi năm, cứ đầu tháng 8 âm lịch, tổ trưởng và tổ phó khu phố sẽ mang sổ, mang bút đến đến từng nhà, thu tiền "tổ chức Tết Trung thu cho tụi nhỏ".

Phần thu này gồm tiền mua cho mỗi đứa một túi bánh kẹo cộng thuê màn hình rộng về chiếu một bộ phim.

Ngày đó, chúng tôi được hướng dẫn làm lồng đèn từ mọi vật liệu. Ảnh minh họa
Ngày đó, chúng tôi được hướng dẫn làm lồng đèn từ mọi vật liệu - Ảnh minh họa

Những năm đầu, tổ trưởng khu phố thu 500 đồng một đứa trẻ. Thời đó, 500 đồng có thể mua được gói xôi hay ổ bánh mì cho bữa sáng. 2.000 đồng mua được ký gạo nên nhà nào ít con còn đỡ, nhà nào từ 4 đứa trở lên, hoặc sẽ kì kèo xin tổ trưởng bỏ đi suất của mấy đứa con trên 10 tuổi, hoặc khai sai số lượng con.

Nhà tôi không giàu nhưng má để ý chuyện đóng tiền này lắm. Cứ đầu tháng 8 âm lịch, thể nào má cũng xếp riêng 5 tờ 500 đồng (năm đứa con) trong một chiếc hũ nhỏ đặt ở chạn bếp, rồi dặn chị Hai: “Nếu ông tới thu tiền mà má không ở nhà thì con lấy đưa ông”.

Sáng ngày rằm tháng 8, mặt trời chưa kịp mọc, cả đám đã xúng xính thay quần áo rồi nắm tay nhau đến nhà văn hóa xã, xí chỗ ngồi đẹp nhất trong hội trường. Lũ bạn đến sau, hoặc không có chỗ ngồi đẹp để xem phim hoặc chen chúc chứ chị em nhà tôi dứt khoát không ngồi dồn cục, nhường chỗ.

Khi hội trường đông người, các cô chú sẽ gọi tên ba mẹ để các con lên nhận bánh. Mỗi đứa một túi nhỏ. Có nhà đăng ký 4 đứa nhưng đến 5 đứa lên nhận, cô chú phát bánh than vài câu, rồi tặc lưỡi, cho luôn mỗi đứa một phần, khiến bọn nó cười khoe mấy cái răng sún.

Tết Trung Thu
Đến bây giờ, ờ các trường miền quê, đêm Trung thu, học sinh sẽ tập trung ở sân trường, xem múa lân, văn nghệ, rước đèn và nhận bánh - Ảnh minh họa

Thời đó, bánh kẹo không nhiều, cũng không phong phú như bây giờ. Mỗi túi vài cục kẹo trái cây, vài miếng bánh men, thêm cái bánh Trung thu vỏ nhiều hơn nhân chỉ nhỏ cỡ ba ngón tay. Vậy mà khi nhận bánh, đứa nào đứa nấy mặt mày hớn hở.

Mà nhắc đến Tết Trung thu của quê tôi, ngoài "túi bánh quốc dân" thì còn có "món phim" chiếu cùng. Từ lúc nhi đồng đến thiếu niên, tôi “ăn” mười cái Tết Trung thu ở nhà văn hóa thì xem đến mười lần xem bộ phim “Phạm Công Cúc Hoa”.

Bộ phim kể về cặp vợ chồng tên Phạm Công - Cúc Hoa. Sau khi vượt qua rất nhiều gian khó, hai người mới có thể kết hôn, sinh được hai con là Nghi Xuân và Tấn Lực. Sau đó, không may, Cúc Hoa qua đời, để lại hai con nhỏ. Phạm Công cưới vợ lẽ rồi lên đường đánh giặc.

Ở nhà, mẹ ghẻ đối xử tệ bạc, thậm chí định giết bọn trẻ, nên chúng bỏ nhà ra đi, đến mộ mẹ khóc khiến mẹ hiện hồn về an ủi hai con và báo mộng cho chồng. Sau ba năm đánh giặc, Phạm Công trở về nhà, đuổi vợ lẽ đi rồi xuống âm phủ, cứu được vợ trở về. Cả nhà đoàn tụ.

Mấy năm đầu, đến đoạn Nghi Xuân, Tấn Lực khóc ở mộ mẹ, lúc Cúc Hoa báo mộng cho chồng, hay đoạn hội ngộ của cả nhà, thể nào trong hội trường cũng có tiếng khóc sụt sịt của những chị lớn và của các chị, các cô trong ban hỗ trợ phát bánh, quản lý lũ trẻ. Đến vài năm sau, khi tôi có thể thuộc lòng các câu thoại, chi tiết của bộ phim, thì tiếng khóc trong hội trường vẫn còn và vẫn là của… các cô, các chị trong ban hỗ trợ.

Năm 15 tuổi, khi số tiền thu của mỗi đứa trẻ đã tăng lên 5.000 đồng, không biết do lớn, do chán bánh, hay chán bộ phim xem đi xem lại, tôi bảo má loại tên mình ra khỏi danh sách những đứa lên nhà văn hóa “nhận bánh Trung thu”.

Rồi tôi lên đại học, lập gia đình, sinh con.

Trung thu năm nay, chị dâu tôi buột miệng: "Sao chưa thấy ai đến nhà thu tiền Trung thu?". Chị hỏi vậy, như một thói quen, chứ ở thị tứ quê tôi bây giờ, quán ăn, quán cà phê cả tiệm hớt tóc đều đóng cửa để phòng COVID-19, việc tổ chức Trung thu cho lũ trẻ là điều quá xa xỉ..

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI