Năm nay ăn tết đâu?

05/02/2021 - 05:45

PNO - Năm nay, câu trả lời “về quê” đã hơi chừng dè dặt, không rổn rảng dễ dàng bật ra như các năm trước.

Cận tết rồi, câu hỏi xôn xao trên miệng người: “Năm nay ăn tết đâu?”. Trong công ty, lớp trẻ tứ xứ đầu quân không phải ít. Chưa có nhà ở Sài Gòn, tết của họ cũng đồng nghĩa với về quê.

Nhưng năm nay, câu trả lời “về quê” đã hơi chừng dè dặt, không rổn rảng dễ dàng bật ra như các năm trước. Ai cũng trông mong thưởng tết dù biết rằng năm nay khó trăm bề.

Ai cũng biết là tiền thưởng giảm rồi, chấp nhận thôi, chỉ mong sao đừng giảm sâu quá. Chưa ai chắc được điều gì ngoài chuyện “tết này ở nhà thôi”! Mình ở đâu thì nhà mình là đó. 

Với người nhập cư, tết có nghĩa là về nhà - Ảnh minh họa
Với người nhập cư, tết có nghĩa là về nhà - Ảnh minh họa

Lũ nhóc trong nhà đang còn tuổi phổ thông đã thi học kỳ xong, thông báo điểm, họp phụ huynh chuẩn bị sơ kết lớp, chộn rộn hội xuân và sắm đồ tết. Bà chị dâu nói: cô thiệt sướng! Nghe không dám cười bởi cuối tuần chứng kiến chị ôm điện thoại nói chuyện với con gái mà nước mắt rơm rớm. Con gái chị đi du học, mới qua năm thứ hai, giờ đang kẹt lại ở một thành phố xa xôi, không có cơ hội có mặt trên chuyến bay giải cứu nào, chị chỉ còn biết dặn con cẩn thận giữ mình.

Về nhà là giấc mơ xa xôi, như niềm mong mỏi khi nào hết dịch bệnh để việc học trở lại bình thường. Hình dung con sống co cụm một mình trong phòng, có gì ăn đó, mùa đông lạnh ngắt xứ người vây quanh, cha mẹ nào đành lòng vui xuân, sắm tết. Chị bảo: chỉ mong con an toàn khỏe mạnh sống qua cơn dịch này, về nhà bình an.

Đọc báo, thấy tin từ mười năm nay, chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp cao đến vậy. Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam cho biết tính đến tháng 12/2020, số người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập trên cả nước là 32,1 triệu người, chủ yếu trong độ tuổi lao động.

Đáng nói, trong số 1,3 triệu người mất việc, có 51,6% là phụ nữ. Những con số đó gắn với bao nhiêu phận người, cũng có nghĩa là không còn tấm vé về quê; không còn khoản tiền lo tết hay chút quà cuối năm cho người thân, bạn bè; chấp nhận ở lại phòng trọ tìm việc làm thêm hay lặng lẽ chờ qua những ngày nghỉ tết. 

Nhiều cái khó chắn ngang con đường về tết. Nhưng cũng chính những khó khăn ấy làm người ta hiểu cái giá của chuyến trở về cuối năm. Gia đình trở thành nơi nương tựa trước cơn dịch bệnh, trước bao nhiêu bất trắc rủi ro.

Cái nôn nao trở về trong những ngày giáp tết càng làm người ta thấm thía ý nghĩa của chữ “nhà”. Ai đang ở xa nước, về nước nghĩa là về nhà. Ai đang ở xa quê, về quê nghĩa là về nhà. Còn ai đang rong ruổi đâu đó theo công việc, về nhà nghĩa là trở về với không gian riêng của mình. 

Tết rồi, về nhà thôi - Ảnh minh họa
Tết rồi, về nhà thôi - Ảnh minh họa

Về xa hay về gần, “nhà” cũng gắn với những người thân yêu, với gia đình, nơi người ta được gắn bó, sẻ chia, được bình tâm vượt qua khó khăn, tiếp tục sống. 

Cũng có chút gì đó nghịch lý trong việc vừa phải nhắc chừng nhau hạn chế đi lại, ai đâu yên đó, vừa rộn ràng những chương trình trao vé xe về quê ăn tết. Mà nghĩ lại, năm nay, những chuyến về nhà vẫn được san sẻ cho nhau nhưng đã cẩn thận hơn nhiều lắm.

Năm ngoái, khoảng thời gian sau tết cũng là khoảng thời gian trẻ em nghỉ học, người lớn nghỉ làm, giãn cách xã hội khiến mọi việc đình trệ. Năm nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang chuẩn bị phương án dự phòng, lỡ sau tết có chuyện gì cũng có thể linh hoạt chuyển đổi.

Về nhà thôi, nhắc chừng nhau mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ gìn cho mình và cho cộng đồng trên suốt đường về. Về nhà đi thôi, cùng bù đắp cho nhau những thiệt hại, thiếu hụt của năm nay bằng tình cảm, sự san sẻ, yêu thương và hy vọng cho một năm sắp tới. 

Những món quà tết năm nay chắc sẽ nhỏ hơn, ít hơn, bởi khó khăn còn đầy trước mắt. Giữ bình yên trong ngôi nhà của mỗi gia đình cũng là giữ bình yên cho ngôi nhà lớn. Về nhà có khó hơn mọi năm một chút nhưng rồi những nẻo đường sẽ vẫn rộn ràng người về, cho một cái tết có nhau - điều quý hơn tất cả. 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI