Một năm với những áp lực, muộn phiền, bực mình từ gia đình, cuộc sống, công việc… đã được nhiều người buông bỏ, bước qua. Thanh lọc nội tâm, tinh thần, không để bụng những điều không vui là lối sống xanh, tư duy tích cực… đã và đang được rất nhiều người lựa chọn.
Một câu nói, giận ngàn thu
Người ngoài nhìn vào, ai cũng nghĩ vợ chồng chị Võ Thị Nhung và anh Phạm Đức Lâm hạnh phúc vẹn tròn. Vợ vừa làm đầu bếp, vừa quản lý nhà hàng tiệc cưới; chồng kinh doanh bất động sản; kinh tế gia đình vững vàng và con gái 12 tuổi, con trai 10 tuổi, chăm ngoan, học giỏi.
Thế nhưng, tuy sống đủ đầy, chị Nhung vẫn thấy mình bất hạnh với lòng đầy tổn thương.
Chồng chị Nhung rất yêu thương vợ con. Đi ra ngoài ăn ngon, anh mua về cho vợ hoặc sau đó dẫn cả nhà đi ăn. Thấy vợ mặc chiếc áo sờn vai, anh ra cửa hàng thời trang mua về hơn chục bộ đồ. Vợ la làng “nhiều tiền quá”. Chồng cười: “Anh không có gì ngoài vợ con và tiền”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chính vì vậy, chị Nhung đã bị sốc khi làm mất hơn 100 triệu đồng, nhưng chồng không tin và trong cơn say anh đã nói: “Mày ăn cắp tiền tao, đem về cho ông bà già mày”. Chị Nhung vỡ vụn, ôm quần áo và bỏ đi ngay trong đêm. Chị đến nhà cô bạn thân và chỉ nghĩ đến ly hôn.
Qua hôm sau, chồng tỉnh rượu nên gọi điện, nhắn tin và đi tìm vợ năn nỉ. Sau hơn 1 tuần, chị Nhung mới chịu quay về vì thấy chồng đã hối lỗi.
Nhưng từ đó, cuộc sống của chị không thể trở lại như xưa. Chị bị ám ảnh, câu nói của chồng giày vò chị mỗi ngày. Dù anh Lâm vẫn quan tâm, yêu thương vợ như ngày trước, chị Nhung nghĩ tất cả đều là giả dối. Chị suy diễn: “Chồng yêu thương, quan tâm mình, chẳng qua vì mình là cái máy in tiền cho gia đình”; bởi nhà hàng tiệc cưới của chị rất đông khách, doanh số mỗi tháng bạc tỉ.
Càng suy diễn, chị Nhung càng bị tổn thương và chìm trong đau khổ. Người chị gầy guộc, mất ngủ, trở nên cáu gắt và bị bệnh tật tấn công.
Tháng 4/2022, chị phải nhập viện vì viêm loét dạ dày nặng. Những ngày nằm viện, chồng kề bên chăm sóc, chị thấy đời mình thật thảm. Và chị nhận ra, cái thảm này không phải do chồng, mà chính là bản thân chị. Chồng đã sai khi thốt ra câu đó và 3 năm qua, anh chưa làm điều có lỗi với vợ. Chị đã tha thứ cho chồng, nhưng lại không quên mà nuôi nỗi đau ngày một lớn, để nó hành hạ chị mỗi ngày. Khi xuất viện, chị Nhung quyết định rũ bỏ câu nói xúc phạm của chồng, xem đó chỉ là lời nói trong lúc thiếu kiểm soát. Và từng ngày, chị đã buông bỏ sự tổn thương để giờ vui tươi, yêu đời như trước.
Nhìn ưu, bỏ khuyết
Mới cưới 2 năm nhưng vợ chồng chị Lê Thị Ngọc Thảo - Nguyễn Văn Thông, ở phường 16, quận 8, TPHCM giận nhiều hơn vui. Chị Thảo rất khó chịu trước tính nói nhiều của chồng. Ai bàn đề tài nào, từ đá banh, đến chính trị, thời trang… chồng chị cũng thao thao bất tuyệt như chuyên gia. Nhưng vì nói nhiều, nói nhanh nên rất nhiều lần anh Thông tự đưa mình vào thế tẽn tò khi thông tin không chính xác, hoặc “líu lưỡi” biến câu nói bình thường thành tục tĩu. Mỗi lần vậy, chị Thảo rất xấu hổ và khó chịu.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Về nhà, chị “nhai” chồng cả đêm: “Khi muốn nói gì, anh phải uốn lưỡi 10 lần rồi hãy nói. Anh nói từ từ chứ có ai cướp lời của anh đâu”. Anh Thông cãi: “Gặp người thân quen nói chuyện thoải mái cũng không được nữa”. Thấy chồng không tiếp thu, chị Thảo càng ra sức nói. Anh Thông thường nhường nhịn vợ, nhưng có lần nổi nóng: “Ngày xưa, em thích anh vì anh vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Vậy mà giờ em chê bai, chỉ trích anh đủ điều. Em còn hơn má anh”.
Sau đó, anh Thông ít khi đi cùng vợ, kể cả về thăm gia đình. Anh đi gặp bạn cũng không đưa vợ theo như trước. Những lần đi một mình hay phải nằm nhà, chị Thảo chợt nhận ra: vì muốn biến chồng thành một người đàn ông hoàn hảo trong mắt mọi người, nên chị quá xét nét với anh. Chồng làm gì chị cũng thấy không vừa ý, vì sợ mọi người soi, nhận xét không tốt về chồng; trong khi ngoài nói nhiều, chồng chị là người đàn ông điểm 10: công việc tốt, đi làm lương bao nhiêu đưa hết cho vợ.
Về nhà, chồng chị sẵn sàng vào bếp nấu ăn, lau nhà, hiếu thảo với gia đình hai bên… Chị từng nghĩ “may mắn lắm mới lấy được người như chồng”. Vậy mà giờ chị lại đi chỉ trích sự may mắn đó.
Thấy tình cảm vợ chồng ngày càng căng thẳng, chị Thảo nghĩ mình cần phải thay đổi. Chị tự nhủ: “Thà nói còn hơn im ỉm”. Khi không còn xét nét chồng nói nhiều, chị Thảo thấy chồng thoải mái và chính chị cũng thoải mái. Bản thân chồng chị, cũng tự thấy không khí gia đình căng thẳng một phần vì mình, và anh dần thay đổi, dù không được như vợ mong đợi.
Chị chia sẻ: “Trước đây, khi vợ chồng tôi đi gặp ai, tôi luôn “me” chồng, coi cử chỉ, lời nói của anh có chuẩn mực không để về chỉnh sửa. Sau này, tôi không để ý, không ghim chuyện anh nói nhiều nữa. Trong lúc chồng nhậu, tôi và các bà vợ ngồi tám thoải mái, vui vẻ, nên nửa năm nay, vợ chồng tôi hết gây rồi”.
Con người cũng giống như ngôi nhà, sau nhiều ngày không quét dọn, nhà sẽ bị bụi bám, dơ. Lòng người cũng vậy, giận hờn, ghim gút những chuyện không vui sẽ làm chính mình mệt mỏi, căng thẳng. Vậy thì, tại sao chúng ta dọn nhà đón tết lại không dọn mình đón tết, để bước vào năm mới với tâm thế thoải mái và tràn đầy năng lượng tích cực?
Giang Thùy