Năm mới, trò chuyện cùng giáo sư trẻ nhất 2019

24/01/2020 - 17:30

PNO - Thầy Sĩ Đức Quang, giảng viên Khoa Toán - tin Trường đại học Sư phạm Hà Nội, giáo sư trẻ nhất năm 2019 (sinh năm 1981), đã dành cho Báo Phụ Nữ TP.HCM cuộc trao đổi về trăn trở của thầy với giáo dục trong năm mới 2020

* Phóng viên: Được biết, trong quá trình du học, giáo sư cũng từng có những năm ăn tết xa nhà. Giáo sư có thể chia sẻ những cảm nhận của mình trong những ngày tháng đó?

 

Giáo sư Sĩ Đức Quang

- Giáo sư Sĩ Đức Quang: Ngày xưa, vào những năm tôi mới tốt nghiệp và đi dạy, khi mà mạng xã hội còn chưa phổ biến, tôi còn nhớ mỗi khi tết đến, những buổi giảng cuối cùng cho sinh viên, cả thầy và trò đều thấy nao nao háo hức, rồi được các em chúc tết (có thể kèm một món quà nho nhỏ). Lúc đó, tôi cảm thấy thật rất ấm lòng.

Bây giờ, thường học trò hay thích chúc tết thầy qua mạng xã hội nhiều hơn và có thể chúc nhiều lần, trước tết, giữa tết và sau tết.

Trong những năm xa nhà, đêm giao thừa đáng nhớ nhất có lẽ là giao thừa năm 2019, tôi từ Tokyo xuống nhà anh bạn ở Yokohama. Cùng với hai người bạn khác nữa, bốn người chúng tôi cùng dọn nhà và làm một bữa liên hoan giao thừa ấm cúng với nhau.

* Thưa giáo sư, nhiều người cho rằng giáo viên chính là thành phần cốt cán tạo nên sự thành công của giáo dục. Vậy theo giáo sư, cần thay đổi phương pháp dạy học thế nào để giáo dục hiệu quả hơn? 

Dù bất kỳ phương pháp nào thì việc quan trọng nhất đối với một giáo viên chính là trình độ chuyên môn. Cho nên việc nâng cao trình độ chuyên môn của lực lượng giáo viên để dạy theo chương trình mới mới là điều cấp thiết.

Thầy Quang (ở giữa) cùng sinh viên khoa Toán lớp chất lượng cao khóa 62
Thầy Sĩ Đức Quang (giữa) cùng sinh viên lớp chất lượng cao khóa 62

Chỉ khi có chuyên môn vững vàng thì ta mới có thể nói đến việc đưa ra phương pháp này hay phương pháp khác. Khi đó, việc sử dụng phương pháp nào cũng phụ thuộc vào mục đích của quá trình dạy học.

Theo tiêu chí của chương trình giáo dục phổ thông mới thì dạy học hướng vào phát triển năng lực của học sinh. Như vậy, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức hoặc giảng giải giúp học sinh nắm được kiến thức mà còn phải biết khơi gợi, kích thích các năng lực của học sinh. Ví dụ vừa phải đặt ra những vấn đề mang tính thách thức để kích thích sự đam mê và tư duy của học sinh, đồng thời cũng phải tạo ra sự nhẹ nhàng trong cách diễn đạt và tạo tình huống để học sinh cảm thấy thoải mái, tự tin.

Do đó, giáo viên cần đóng vai trò vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là người đồng hành với học sinh trong quá trình dạy học.

* Giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, theo giáo sư cần ưu tiên tháo gỡ bất cập nào?

Giáo dục hiện nay có lẽ nổi lên hai vấn đề mà theo tôi là bất cập nhất.

Vấn đề thứ nhất là việc đào tạo ở cả phổ thông lẫn trong các trường đại học thiếu gắn kết với thực tế và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội hiện nay. Ở phổ thông vẫn duy trì xu thế học để thi, để đối phó chứ chưa phải học để biết, để làm việc, để làm người có ích và để chung sống.

Còn ở đại học là tình trạng chênh lệch về số lượng sinh viên được đào tạo và số lượng việc làm, có nơi thừa, nơi thiếu. Các chương trình giảng dạy phần nhiều chưa theo kịp sự phát triển hiện nay dẫn đến sinh viên ra trường lại mất thêm nhiều thời gian để tiếp tục học thêm và củng cố kiến thức mới có thể làm việc được.

* Theo giáo sư, giải pháp cho hai vấn đề trên là gì để có thể cải thiện chất lượng giáo dục trong thời gian tới?

- Để khắc phục được những tồn tại này, theo tôi cần có sự quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, có đánh giá chính xác nhu cầu xã hội cần với năng lực đào tạo của các đơn vị đại học, từ đó chuẩn hóa các chương trình giảng dạy ở bậc đại học để đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Đối với giáo dục phổ thông, cần nâng cao việc đào tạo toàn diện của học sinh, để khi học sinh có năng khiếu về lĩnh vực nào thì đều có được cơ hội phát triển, và do vậy việc đi học sẽ không chỉ còn là sự đối phó với các kỳ thi nữa.

Xin cảm ơn ông.

Đại Minh (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI