Năm mới, niềm vui mới đến với học trò ấp đảo Thiềng Liềng

29/12/2023 - 07:04

PNO - Ngày 8/12, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về việc hỗ trợ tiền ăn trưa, tiền đò cho học sinh ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) đang học tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TPHCM (ngoài địa phận ấp đảo). Chính sách này bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2024, là niềm vui rất lớn đối với học sinh và người dân địa phương.

Vững tin tìm con chữ

Hơn 10 năm sống trên ấp đảo Thiềng Liềng, số lần em Nguyễn Ngọc Hân (11 tuổi) ra khỏi ấp đảo không quá nhiều. Tuy nhiên từ khi trở thành học sinh lớp 6/1, Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ), việc phải lênh đênh trên đò để đến trường là chuyện thường ngày đối với em. 

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Đinh Trần Trọng Ân luôn nỗ lực học tập
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Đinh Trần Trọng Ân luôn nỗ lực học tập

Từ hơn 4g sáng, những ánh đèn leo lét dần hiện lên trên ấp đảo Thiềng Liềng. Các em học sinh như Ngọc Hân bắt đầu tỉnh giấc, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị tập sách để rời ấp đảo đến trường. Gần 5g, em đạp chiếc xe đạp tróc sơn đến bến đò cách nhà hơn 5 phút. Gửi xe xong, em xuống đò tìm một chỗ ngồi thuận tiện. 5g30, đò rời bến, lênh đênh trên biển đến hơn 6g thì cập bến tại xã đảo Thạnh An. Đi bộ men theo đường chợ chừng 15 phút em mới đến được trường. Thay đổi môi trường học tới một nơi xa xôi nhưng khi được hỏi có ngại không thì Ngọc Hân đáp: “Em không sợ đi xa mà chỉ sợ gia đình không có đủ tiền cho em đi học. Vì mỗi ngày em phải tốn 20.000 đồng tiền đò và 30.000 tiền ăn sáng, gấp nhiều lần so với trước đây”. 

Đinh Trần Trọng Ân - học sinh lớp 11/2 Trường THCS - THPT Thạnh An - cũng phải đi 2 chuyến đò mỗi ngày tới trường. Vì phải dậy từ sớm nên hôm nào xuống đò, em cũng ngủ gà, ngủ gật. Nhưng khi bước vào lớp, cơn buồn ngủ của em liền tan biến. Bởi em biết, nếu không có con chữ, sẽ khó có tương lai. “Con đường đến trường của em có phần mất thời gian hơn các bạn, nhưng thời của ba mẹ em đã vì cái nghèo mà không thể đi học, giờ phải vất vả mưu sinh nên em luôn cố gắng học” - Ân chia sẻ.

Là học sinh cuối cấp, Trần Quỳnh Nguyệt Quế - học sinh lớp 12/1, Trường THCS - THPT Thạnh An - phải ở nhờ nhà người quen trên đảo Thạnh An để có nhiều thời gian học tập. Không phải trả tiền nhà nhưng em phải trả 35.000 đồng mỗi bữa ăn trưa hoặc tối, 50.000 đồng tiền điện nước mỗi tháng. Cuối tuần, lịch học trống nhưng đò về ấp không chạy, em phải cùng bạn bè thuê vỏ lãi để về nhà. Chi phí từ vài chục ngàn đến 150.000 đồng/em/lượt. 

Thầy Quãng Hữu Tường - dạy môn hóa học, Trợ lý thanh niên Trường THCS - THPT Thạnh An - cho biết: học sinh ở ấp đảo Thiềng Liềng có hoàn cảnh khó khăn hơn đất liền rất nhiều. Vì trên đảo chỉ có trường tiểu học nên muốn học tiếp cấp II - III, các em phải vào đảo Thạnh An. Bên cạnh đó, Trường THCS - THPT Thạnh An lại không tổ chức bán trú nên những học sinh không có nhà người thân trên đảo rất khó tìm được nơi nghỉ trưa, ăn uống. Trước tình cảnh này, Bộ đội biên phòng xã Thạnh An đã phối hợp với nhà trường tổ chức chăm lo chỗ nghỉ trưa, ăn trưa miễn phí cho các em ngay tại đồn. Hiện tại, có khoảng hơn 10 học sinh được hỗ trợ mỗi ngày. Một số gia đình trước đó muốn cho con nghỉ học vì lo lắng chỗ ăn, ngủ của con nay đã tiếp tục cho con đến trường. 

Niềm vui gần kề

Thạc sĩ Nguyễn Bảo Ngọc - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thạnh An - chia sẻ: “Nghe tin HĐND TPHCM thông qua nghị quyết này, thầy cô ở trường đều rất vui. Đây là chủ trương đúng đắn để tiếp bước cho học sinh, giúp các em và gia đình bớt gánh nặng. Toàn trường hiện có 42 học sinh cư trú tại ấp đảo Thiềng Liềng. Kinh tế của ấp đảo rất khó khăn vì phụ thuộc thiên nhiên, nhưng hầu hết các em đều thích đi học. Thậm chí, các em còn có phần ngoan và lễ phép hơn các bạn khác”.

Học sinh ấp đảo Thiềng Liềng phải đi đò gần 1 giờ đồng hồ mới đến được Trường THCS - THPT Thạnh An - ẢNH: T.T.
Học sinh ấp đảo Thiềng Liềng phải đi đò gần 1 giờ đồng hồ mới đến được Trường THCS - THPT Thạnh An - ẢNH: T.T.

 Ở ấp đảo Thiềng Liềng, ba mẹ Ngọc Hân sống bằng nghề làm muối, ngoài em còn có anh đang học lớp Mười. Mấy năm mưa bão nhiều, ba mẹ chỉ kiếm được hơn 20 triệu đồng thu nhập cho cả năm. Nhiều đêm thức giấc, em thấy mẹ cặm cụi dọn nhà, chỉ để kịp ra ruộng muối vào sáng sớm. Ba em dù bị đau lưng kéo dài nhưng chỉ dán miếng giảm đau chứ chưa dám nghỉ việc đi khám ngày nào. “Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ học mà càng phải cố gắng nhiều hơn. Nay nghe tin nhận được tiền hỗ trợ, em sẽ cố gắng học thật tốt để chăm lo cho ba mẹ sau này” - Ngọc Hân xúc động nói. 

Còn với Trọng Ân, sự hỗ trợ này càng thắp sáng ước mơ trở thành bác sĩ của em. Mấy năm trước, ba em làm nghề cào muối nhưng vì nguồn thu nhập bấp bênh nên đã vào nội thành làm thuê. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng người anh của Ân vẫn xuất sắc trở thành sinh viên của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nhìn nỗ lực của anh, Ân cũng tự hứa sẽ trở thành một bác sĩ, vừa nuôi sống gia đình, vừa giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn khác. 

Nguyệt Quế cũng nghẹn ngào chia sẻ: “Em vẫn luôn nghĩ về học phí đại học, bởi nó sẽ là gánh nặng lớn vì nhà em chỉ buôn bán tạp hóa nhỏ. Nếu được tiền hỗ trợ em sẽ dành dụm cho hành trình sắp tới của mình”. 

Hôm nay, chuyến đò từ đảo Thạnh An về đảo Thiềng Liềng bỗng nhiên rôm rả hẳn, câu chuyện nhận được hỗ trợ cứ thế truyền từ em học sinh này sang học sinh khác, mang về ấp đảo xa xôi niềm vui lớn, niềm hy vọng mới.

Trang Thư

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI