Năm mới đâu nhất thiết phải có quần áo mới

26/01/2022 - 05:32

PNO - Vào thời điểm cuối năm, phần lớn người tiêu dùng thế giới lại bị ám ảnh bởi nhu cầu mua sắm quần áo mới, bỏ đi những sản phẩm “lỗi mốt” trong tủ. Thói quen tưởng chừng đơn giản này thực sự tác động không nhỏ đến môi trường và cần được thay đổi.

Tác động đến môi trường 

Trung bình mỗi năm, khoảng 20 sản phẩm may mặc được sản xuất cho mỗi người trên trái đất. Sản lượng quần áo trên toàn thế giới tăng gấp đôi từ năm 2000 - 2014 và số lượng hàng may mặc bình quân đầu người tăng 60%. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar (Anh), trung bình một người tiêu dùng ở Mỹ mua khoảng 65 trang phục/năm, ở Anh là khoảng 50. Toàn cầu tạo ra 13 triệu tấn chất thải dệt mỗi năm. 95% trong số đó có thể được tái sử dụng hoặc tái chế, nhưng thực tế khoảng 84% quần áo kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt.

Lấy một chiếc áo len làm ví dụ, hãy đoán xem phải mất bao lâu để nó có thể phân hủy? Nylon - có nguồn gốc từ dầu thô - mất khoảng 30 - 40 năm để phân hủy. Polyester - có nguồn gốc từ các nguồn tài nguyên sử dụng nhiều carbon - tồn tại từ 20 - 200 năm. Mặc dù quần thun có thể mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc khi vận động nhưng phải mất thời gian dài để phân hủy. Tùy thuộc vào sự pha trộn, len thường sẽ phân hủy sau 1 - 5 năm. Tơ lụa mất khoảng bốn năm, sợi tre mất khoảng một năm, vải gai dầu từ 1 - 8 tháng, còn quần áo làm từ 100% sợi bông có thể phân hủy sau khoảng 5 tháng. 

Những phụ nữ Chile tìm kiếm các sản phẩm còn sử dụng được tại “nghĩa địa” quần áo ở hoang mạc Atacama - ẢNH: AFP
Những phụ nữ Chile tìm kiếm các sản phẩm còn sử dụng được tại “nghĩa địa” quần áo ở hoang mạc Atacama - Ảnh: AFP

Bông là loại sợi tự nhiên phổ biến nhất trong quần áo, chiếm khoảng 1/3 tổng số loại sợi dùng trong sản xuất hàng dệt tự nhiên và tổng hợp. Tuy nhiên, theo Viện Tài nguyên Thế giới (Mỹ), trung bình một chiếc áo bông cần tới 2.700 lít nước để sản xuất. Đó là lượng nước mà một người bình thường uống trong hơn 2,5 năm. Thêm vào đó, một thực tế nghiệt ngã là dù chỉ sử dụng khoảng 3% diện tích đất canh tác trên thế giới, cây bông chiếm gần 1/4 lượng thuốc diệt cỏ và 1/10 lượng thuốc trừ sâu sử dụng mỗi năm trên toàn cầu. Khoảng 1/5 ô nhiễm nước công nghiệp là do sản xuất hàng may mặc, với sợi tổng hợp, dù cần ít nước hơn sợi trồng như bông để sản xuất nhưng chúng thải ra nhiều khí nhà kính hơn.

Thay đổi tích cực

Tháng 11/2021, những bức ảnh quần áo chất đống ở sa mạc khô cằn nhất thế giới - Atacama của Chile - đã lan truyền trên Instagram. Theo trang Al Jazeera, quần áo cũ và không bán được từ châu Âu, châu Á và Mỹ được chuyển đến Mỹ Latinh để vứt bỏ. Rõ ràng những quần áo quyên góp cho tổ chức từ thiện không phải đều được sử dụng lại. 

Các chuyên gia môi trường cho rằng, cách tốt nhất để con người sống bền vững là mặc những thứ họ có sẵn trong tủ. Đổi và thuê quần áo là cách thay thế tốt nhất tiếp theo, và mua quần áo mới là phương án cuối cùng. Raye Padit - người sáng lập và Giám đốc điều hành nền tảng hoán đổi quần áo The Fashion Pulpit (Singapore) - chia sẻ: “Không có gì phải xấu hổ khi mặc lại đồ cũ. Thật là sai lầm khi cho rằng một ai đó không thể mặc lại quần áo vì như thế sẽ kém quyến rũ. Chúng ta cần thay đổi kiểu suy nghĩ đó”. Carolyn Poon - Giám đốc phụ trách vấn đề phát triển bền vững tại Liên đoàn Dệt may và Thời trang Singapore - cho biết, việc thuê và đổi quần áo đang ngày càng phổ biến; đặc biệt là khi đại dịch khiến những dịp tụ họp giảm xuống và nhiều người chọn “thắt lưng buộc bụng” khi nền kinh tế suy yếu.

Tammy Gan - nhà văn tự do ở Singapore - kể rằng, mẹ và bà của cô từng ghét việc cô nhất quyết mặc lại quần áo cũ trong dịp Tết Nguyên đán. Mặc quần áo mới, theo truyền thống Á Đông, tượng trưng cho một khởi đầu mới, cho những may mắn trong năm mới. Nhưng theo Tammy, còn những lý do khác để mọi người có cái nhìn không thiện cảm với quần áo cũ là vì thế hệ trước đây thường lớn lên trong nghèo khó nên khát khao có cái mới. “Nhưng ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới “thời trang nhanh”, tiêu thụ và sản xuất quá mức. Thật vô lý khi phải may hoặc mua quần áo mới khi bạn có đầy trang phục trong tủ”, Tammy nói. 

Vài năm qua, Tammy mặc trang phục cũ tại các dịp họp mặt gia đình và cuối cùng gia đình cô cũng chấp nhận thói quen này. Năm nay, Tammy hỏi mẹ về thói quen mua sắm tết và mẹ cô nói rằng có thể bà sẽ không mua quần áo mới. Bà bảo: “Dù sao thì một bộ quần áo mới cũng không giúp mẹ may mắn hơn”. 

Ngọc Hạ (theo Nasdaq, CNA, AFP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI