Nằm mơ thấy giếng

21/03/2023 - 19:45

PNO - Trong làng tôi, giếng khơi nhiều nhưng những nhà có giếng nước nấu được chè xanh ngon thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính bởi lẽ đó mà thường ngày hàng xóm om chè xanh lại sang nhà tôi.

Hồi đó, ở làng tôi nhà ai cũng có giếng khơi. Giếng nước là mạch nguồn của sự sống và còn mang trong đó cả yếu tố tâm linh nên quan trọng lắm. Trước khi đào giếng, hầu như nhà nào cũng phải thăm dò nguồn nước, chọn ngày lành tháng tốt và chọn cả những người hợp mệnh với gia chủ để nhờ đến giúp.

Cũng có nhiều câu chuyện được dân làng kể lại, thật có, thêu dệt, suy diễn có về mối quan hệ giữa việc đào giếng với cuộc sống và sinh mệnh của gia chủ.

Ảnh mang tính minh họa - Viết Mạnh
Ảnh mang tính minh họa - Viết Mạnh

 

Khi tôi sinh ra thì nhà đã có sẵn giếng nước rồi nên tôi không rõ lịch sử đào giếng của nhà tôi thế nào, nhưng theo lời mẹ thì “ba mày là người vô thần” nên chẳng xem ngày, chọn người gì cả mà lại đào được cái giếng nhất xóm. Cái “nhất” mà mẹ tôi nhắc ở đây là giếng nhà tôi nước không những trong, sâu mà còn nấu chè xanh rất ngon.

Trong làng tôi, giếng khơi nhiều nhưng những nhà có giếng nước nấu được chè xanh ngon thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính bởi lẽ đó mà thường ngày hàng xóm om chè xanh lại sang nhà tôi xin nước. Có lúc còn phải xếp hàng đợi nhau.

Tôi ấn tượng nhất là những chiếc gàu múc nước của nhà mình. Hồi đầu, tôi nhớ là gàu bằng cao su có cột một sợi dây thừng dài để ròng xuống múc nước. Tôi bé tí mà chiếc gàu thì to; lúc thả xuống thì không sao nhưng khi kéo lên thì nặng trịch; nhiều lần phải đè dây vào thành giếng rồi bậm môi kéo. Mẹ thấy vậy nhắc tôi mỗi lần chỉ múc nửa gàu, kéo lên đỡ mệt.

Nhưng tôi là đứa kém kiên nhẫn nên không muốn chờ đợi lâu. Với lại, dù là rửa rau hay rửa chén tôi cũng muốn làm nhanh nhanh vì lũ bạn đang nhí nhéo ngoài cổng nên cứ múc đầy nước rồi ráng sức kéo lên. Có hôm, đang lên giữa chừng thì đứt gàu, chưng hửng đứng nhìn trong bất lực. Mỗi lần như vậy, ba tôi phải dùng một cây sào dài, đầu cột sợi thép uốn hình lưỡi câu thả xuống để vớt gàu lên. Tôi nhớ khi nào ba đi làm đồng về mà thấy mặt tôi nghệt ra là ông lại hỏi với giọng hài hước: “Gàu lại “chết đuối” rồi à con?”.

Ảnh mang tính minh họa - Viết Mạnh
Ảnh mang tính minh họa - Viết Mạnh

 

Gàu bằng cao su, dùng một thời gian va đập nhiều nên xây xước, rồi lại dầm nắng dầm mưa nên hư, có khi còn lủng dưới đáy, nước chảy ròng ròng. Khi múc nước lên, nếu kéo không nhanh thì chỉ còn gàu không. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi lại phải ra chợ mua gàu mới nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu. Ba tôi nảy sáng kiến dùng gàu nhôm. Gàu nhôm bền hơn nhưng va đập nhiều nên hay bị móp.

Hồi đó, bé em tôi rất nghịch, thi thoảng lại ném đồ chơi xuống giếng rồi gào lên đòi tôi lấy giùm. Tôi phải thả gàu xuống giếng, lấy hết kiên nhẫn rà qua rà lại thật khéo mới vớt đồ chơi được cho em. Cũng có những đồ vật ném xuống là chìm, đành phải chờ ba về “trục vớt”.

Tôi thích nhất cảm giác vào những ngày hè đi chơi về, mấy thằng con trai đầu tóc khét nắng, cổ họng khát khô, thả gàu xuống giếng múc một gàu nước đầy, hổn hển kéo lên rồi thay nhau vục đầu vào uống thỏa thích. Nước giếng mát, ngọt chảy vào tận ruột mà bọn tôi vẫn gọi đùa là “tủ kem thiên nhiên”. Rồi để hạ nhiệt, mấy thằng lại bưng cả gáo nước dội lên đầu, kéo nhau ra ngõ chơi đá bóng tiếp. Vậy mà đứa nào đứa nấy khỏe như vâm, chẳng mấy khi đau bụng hay cảm nắng, cảm lạnh.

Tôi nhớ có năm hạn kéo dài, đồng khô nứt nẻ, sông suối cạn nước. Giếng khơi nhiều nhà trơ lại chỉ còn mỗi cát. Giếng nhà tôi cũng vơi đi nhiều. Hàng xóm sang xin nước, mẹ xởi lởi: cứ ra mà múc. Đến lượt nhà mình dùng thì phải chắt từng nửa gàu nước vì có lẫn cát. Qua một đêm, nước lên hơn chút, hàng xóm sang xin, mẹ lại cho. Mẹ tôi là vậy - luôn rộng rãi và chia sớt với xóm làng bằng cái tình của người quê hồn hậu.

Ảnh mang tính minh họa - Viết Mạnh
Ảnh mang tính minh họa - Viết Mạnh

 

Chúng tôi lớn lên, xa quê lên thành phố lập nghiệp, ba mẹ già rồi cũng khuất núi nhiều năm. Mảnh vườn và ngôi nhà năm xưa được hiến cho họ tộc để làm nhà thờ. Cái giếng đã bị san lấp để lấy mặt bằng. Ngày khánh thành, nhìn ngôi nhà thờ họ khang trang, uy nghi, lòng tôi rưng rức nhớ từng bậc cửa, mái hiên của nếp nhà xưa và cái giếng khơi đầy ắp kỷ niệm. 

Bây giờ, trong giấc mơ, trong tiềm thức của tôi vẫn bắt gặp rất nhiều hình ảnh về cái giếng khơi thân thương thuở nào: tiếng gàu va vào thành giếng lộp cộp, tiếng đứa em khóc đòi vớt đồ bị rơi, cái khom lưng của ba khi “cứu hộ”, tiếng chổi loẹt xoẹt của mẹ chà rong rêu bám trên thành giếng vào mùa mưa và nhiều hơn cả là tiếng cười khoái chí của mấy thằng con trai ngổ ngáo bên chiếc giếng khơi khi pha trò để một đứa bị sặc nước… 

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI